CNN trích dẫn lời Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, hai nhà khoa học trong nhóm chuyên gia của Liên Hợp Quốc đã rời đất nước họ để tới Vũ Hán, Trung Quốc. Song, các quan chức Trung Quốc nói với các nhà khoa học này rằng, họ không được duyệt các giấy phép cần thiết để nhập cảnh vào Đại lục.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: Reuters |
Theo ông Ghebreyesus, phía Trung Quốc trước đó đã nhất trí về sự sắp xếp chuyến công tác cho nhóm chuyên gia nói trên. Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Geneva hôm 5/1, lãnh đạo WHO bày tỏ: "Tôi rất thất vọng với thông tin này (các chuyên gia không được phép nhập cảnh vào Trung Quốc). Tôi đã liên lạc với các quan chức cấp cao của Trung Quốc và tôi một lần nữa nêu rõ rằng sứ mệnh đó là ưu tiên hàng đầu đối với WHO và nhóm chuyên gia quốc tế".
Tiến sĩ Michael Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Các vấn đề y tế khẩn cấp của WHO cho hay, đã có vấn đề về thị thực và một thành viên nhóm điều tra đã trở về nước. Người còn lại đang chờ quá cảnh ở một nước thứ 3.
Các quan chức WHO từ lâu đã đàm phán với Bắc Kinh để cho phép một nhóm các nhà khoa học quốc tế tiếp cận các "địa điểm trọng yếu" ở Trung Quốc để điều tra về nguồn gốc của virus corona chủng mới, được công nhận phát hiện đầu tiên ở Vũ Hán hồi tháng 12/2019. Virus được tin nhiều khả năng từ một loài vật chủ không xác định lây lan cho con người.
Hồi tháng 5, WHO đã nhất trí mở một cuộc điều tra phản ứng toàn cầu trước đại dịch, sau khi hơn 100 quốc gia ký vào một nghị quyết kêu gọi điều tra độc lập.
Theo ông Ryan, nhóm nghiên cứu hy vọng sự cố mới "chỉ là một vấn đề hậu cần và thủ tục hành chính", có thể được giải quyết "một cách thiện chí trong những giờ tới và triển khai nhóm công tác càng sớm càng tốt".
Tranh cãi về nguồn gốc virus
Mỹ và một số nước đồng minh như Australia đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về cách ứng phó với mầm bệnh nguy hiểm giai đoạn đầu. Tổng thống Mỹ Donald Trump thậm chí đổ lỗi cho Bắc Kinh về sự bùng phát đại dịch toàn cầu, đồng thời tuyên bố sẽ cắt đứt quan hệ với WHO với lí do cơ quan này thiên vị và dung túng Trung Quốc.
Bắc Kinh nhất quyết phủ nhận các cáo buộc của Mỹ và các chính phủ phương Tây khác. Theo Reuters, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 4/1 khẳng định, nước này sẽ chào đón phái đoàn của WHO.
Khi phái đoàn WHO chuẩn bị lên đường tới đại lục, các quan chức và truyền thông Trung Quốc đã đề cập đến các nghi vấn về nguồn gốc của virus. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh, "ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy đại dịch nhiều khả năng do các vụ bùng phát riêng rẽ ở nhiều nơi trên thế giới".
Hôm 4/1, trên mạng xã hội Trung Quốc lan truyền các bài viết cho rằng, nhà chức trách địa phương đã phát hiện virus tồn tại trên bao bì phụ tùng ô tô ở nhiều thành phố, bao gồm cả các thương hiệu nước ngoài. Suốt nhiều tháng qua, Trung Quốc đã kiểm tra và khử trùng các sản phẩm đông lạnh nhập khẩu từ nước ngoài vì lo ngại virus có thể xâm nhập vào nước này theo cách đó, bất chấp hoài nghi của các chuyên gia.
WHO nhấn mạnh "rất ít khả năng mọi người có thể nhiễm Covid-19 từ thực phẩm hoặc bao bì thực phẩm". Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng nói, nguy cơ đó "được cho là rất thấp".
Cả hai cơ quan đều lưu ý không có bằng chứng về sự lan truyền mầm bệnh theo con đường như trên. Một số quốc gia thậm chí đã đe dọa sẽ kiện Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vì các lệnh hạn chế nhập khẩu.
Tuấn Anh
Covid-19 và 'cuộc chiến' đảo ngược bầu cử phủ bóng cuộc họp Quốc hội Mỹ
Quốc hội Mỹ khóa mới nhóm họp phiên đầu tiên giữa lúc đại dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành và ngày càng nhiều nghị sĩ Cộng hòa tham gia nỗ lực nhằm đảo ngược chiến thắng của ông Joe Biden trước đương kim Tổng thống Donald Trump.
Nhân viên y tế tử vong sau khi tiêm vắc-xin ngừa Covid-19
Giới chức y tế Bồ Đào Nha đang điều tra cái chết đột ngột của một nhân viên y tế ở Porto. Cô này vẫn khoẻ mạnh khi được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 của hãng Pfizer.