Tổng thư ký, Chủ nhiệm VPQH Bùi Văn Cường cho biết, cả nước có 868 người chính thức ứng cử ĐBQH khóa XV ở 184 đơn vị bầu cử để bầu 500 ĐBQH.

Về cơ cấu kết hợp chung của cả nước, Tổng thư ký Quốc hội cho hay, có 393 ứng viên nữ, chiếm 45,28%, tăng 6,31% so với khóa trước.

Có 185 ứng viên là người dân tộc thiểu người, chiếm 21,31%, giảm 2,14% so với khóa trước.

Ứng cử viên là người ngoài Đảng có 74 người, chiếm 8,53%, giảm 2,62% (khóa trước có 97 người).

{keywords}
Ông Bùi Văn Cường đọc báo cáo về danh sách người ứng cử ĐBQH khóa XV.

Về trình độ chuyên môn, Tổng thư ký Quốc hội cho hay, có 564 người trên đại học, chiếm 64,98%; trình độ đại học 294 người, chiếm 33,87%; dưới đại học có 10 người, chiếm 1,15%;

Hầu hết người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, tin học.

Trong 868 ứng viên có 205 người là ĐBQH khóa XV tái cử, chiếm 23,62%, tăng 4,31% so với khóa trước.

Có 224 ứng viên là người trẻ dưới 40 tuổi có 224 người, chiếm 25,81%, giảm 4,99% so với khóa trước có 268 người.

Về độ tuổi bình quân, ông Cường cho hay, tuổi trung bình của 868 ứng viên là 46 tuổi, trong đó, người cao tuổi nhất là 77 tuổi, người trẻ tuổi nhất là 24 tuổi.

Ứng cử viên Trung ương có 203 người. Trong đó, cơ quan Đảng có 11 người, tỉ lệ 5,42%; cơ quan Chủ tịch nước và các cơ quan tư pháp: 5 người, tỉ lệ 2,46%. Các cơ quan của Quốc hội (cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đại biểu Quốc hội chuyên trách ở trung ương) là 129 người, tỉ lệ 63,55%; Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ (bao gồm cả Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an) có 15 người, tỉ lệ 7,39%.

Khối Quân đội (cơ quan Bộ, các quân khu, quân chủng và lĩnh vực trọng yếu) có 12 người, chiếm 5,91%; công an có 2 người, chiếm 0,99%; kiểm toán nhà nước có 1 người, chiếm 0,49%.

Khối MTTQ Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có 28 người, chiếm 13,79%.

Về cơ cấu kết hợp của các ứng viên Trung ương có 45 nữ, chiếm 22,17%; dân tộc thiểu số 22 người, chiếm 10,84%; tôn giáo 4 người, chiếm1,97%; người ngoài Đảng 4 người, chiếm 1,97%; trình độ trên đại học có 168 người, chiếm 82,76%; 35 người có trình độ đại học, chiếm 17,24%; 99 người tái cử, chiếm 48,77%; dưới 40 tuổi có 5 người, chiếm 2,46%.

Trong số 665 người ứng cử ĐBQH khóa XV ở địa phương có 348 nữ, người dân tộc thiểu số 163, ngoài Đảng 70 người.

Về trình độ chuyên môn của các ứng viên ở địa phương có 396 người trên đại học,đại học 259 người, dưới đại học có 10 người.

Người ứng cử ở địa phương dưới 40 tuổi có 219 người, tái cử: 106 người.

Trong danh sách chính thức 868 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV có 9 người tự ứng cử.

Đó là những người do các cơ quan tổ chức giới thiệu và người tự ứng cử.

Cụ thể, Hà Nội có 3 người tự ứng cử gồm: Ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; ông Lương Thế Huy, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường; ông Nguyễn Anh Trí, Chủ tịch Hội Huyết học và truyền máu Việt Nam.

TP.HCM có 2 người gồm: Bà Ung Thị Xuân Hương, Phó Ban Nghiên cứu và Đào tạo, Hội Luật gia Việt Nam; ông Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM.

Thành phố Cần Thơ có 1 người là ông Nguyễn Thiện Thức, Giám đốc điều hành Trung tâm Dạy nghề Thành Phúc.

Tỉnh Bắc Kạn có 1 người là ông Nguyễn Kim Hùng, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp và kinh tế số Việt Nam.

Tỉnh Nam Định có 1 người là bà Khương Thị Mai, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Nhôm Namsung Việt Nam.

Sóc Trăng có 1 người tự ứng cử là ông Trần Khắc Tâm, ĐBQH khóa XIII, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng.


Thu Hằng - Trần Thường

17 Ủy viên Bộ Chính trị tham gia ứng cử Đại biểu Quốc hội tại địa phương nào

17 Ủy viên Bộ Chính trị tham gia ứng cử Đại biểu Quốc hội tại địa phương nào

Trong 18 ủy viên Bộ Chính trị có 17 người ứng cử ĐBQH khóa mới, chỉ có một trường hợp duy nhất là Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên không ứng cử.