Ngay sau lễ đón chính thức và hội đàm sáng 26/11 (giờ địa phương), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Thụy Sĩ Guy Parmelin đã có cuộc họp báo thông tin về kết quả và trả lời câu hỏi của các phóng viên.
Mở đầu họp báo, Tổng thống Guy Parmelin đánh giá quan hệ song phương giữa Thụy Sĩ và Việt Nam đã phát triển trên nhiều lĩnh vực đặc biệt là thương mại, giáo dục, nghiên cứu và hợp tác đa phương. Trong quan hệ của Thụy Sĩ với các nước ASEAN thì Việt Nam là đối tác kinh tế và thương mại đứng thứ 3, Việt Nam cũng là nước ưu tiên trong chính sách kinh tế của Bộ Kinh tế Thụy Sĩ.
Hai nhà lãnh đạo chủ trì cuộc họp báo thông báo kết quả cuộc hội đàm |
"Thụy Sĩ nhận thấy vẫn còn nhiều cơ hội và tiềm năng trong hợp tác với Việt Nam. Nếu ký được một hiệp định tự do thương mại giữa hai bên thì chắc chắn chúng ta sẽ còn khai thác tốt hơn nữa tiềm năng này", Tổng thống Thụy Sĩ khẳng định.
Ngoài ra, hợp tác trong lĩnh vực khoa học và nghiên cứu cũng là nội dung quan trọng được nêu trong cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo. Để vượt qua các thách thức quốc tế đang phải đối mặt, Tổng thống cho rằng, Việt Nam-Thụy Sĩ cần hướng tới nghiên cứu chất lượng cao cũng như liên tục duy trì các hoạt động trao đổi với các nước khác.
Hai bên cũng đã trao đổi sâu rộng về diễn biến của dịch bệnh Covid-19 cũng như khả năng hợp tác của hai nước trên quy mô quốc tế.
Tổng thống Thụy Sĩ nhấn mạnh Việt Nam là một đối tác kinh tế ưu tiên quan trọng của Thụy Sĩ ở Đông Nam Á |
"Quan hệ giữa Việt Nam-Thụy Sĩ đã đạt được nhiều mục tiêu. Tôi tin tưởng chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ là dấu ấn, bước phát triển mới trong quan hệ hai nước", Tổng thống Guy Parmelin tái khẳng định.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ sâu sắc những điều mà Tổng thống Thụy Sĩ nêu. Đồng quan điểm với nhà lãnh đạo Thụy Sĩ, Chủ tịch nước cho biết, hai bên đã có cuộc hội đàm toàn diện, nhiều lĩnh vực, chân thành và hiệu quả.
Cách đây đúng 50 năm, năm 1971, khi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam đang ở giai đoạn cam go nhất, Thụy Sĩ là một trong những nước phương Tây đầu tiên chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, đặt những viên gạch đầu tiên trong tiến trình vun đắp nhịp cầu hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.
Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ và trân trọng sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu của Thụy Sĩ dành cho Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây và xây dựng đất nước ngày nay.
Chủ tịch nước cho biết, trong những năm gần đây, mặc dù do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng thương mại đầu tư giữa hai nước không ngừng được nâng lên, nhiều lĩnh vực mới được mở ra...Tuy đạt nhiều thành tựu nhưng theo Chủ tịch nước kết quả này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của hai nước.
Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi và tiếp xúc cấp cao, cũng như giữa các Bộ, ngành, địa phương hai nước, qua đó làm sâu sắc hơn nữa sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực.
Hai bên nhất trí nỗ lực sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA), góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại song phương phát triển mạnh mẽ.
Chủ tịch nước cảm ơn Chính phủ và nhân dân Thụy Sĩ đã hỗ trợ nhiều trang thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19 cho Việt Nam, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương trợ giữa các quốc gia trong lúc khó khăn, đồng thời đề nghị hai bên thúc đẩy việc các doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu hai nước hợp tác phát triển, sản xuất và phân phối vắc xin và thuốc điều trị Covid-19.
Thụy Sĩ ưu tiên cung cấp 70 triệu Franc vốn ODA cho Việt Nam
Tổng thống Thụy Sĩ đánh giá cao những thành tựu vượt bậc của Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội những năm vừa qua cũng như trong việc kiểm soát dịch Covid-19 hiện nay.
Với hơn 100 doanh nghiệp Thụy Sĩ đang hoạt động hiệu quả tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt 1,9 tỷ USD, hiện Thụy Sĩ xếp thứ 20 trên tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam và dư địa hợp tác giữa hai nước còn rất lớn.
Tổng thống Thuỵ Sĩ hội đàm với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: TTXVN |
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Chính phủ Thụy Sĩ khuyến khích doanh nghiệp Thụy Sĩ đầu tư tại Việt Nam, Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, tạo thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài…
Năm 2021 đánh dấu kỷ niệm 30 năm Chương trình Hợp tác phát triển (ODA) của Thụy Sĩ ở Việt Nam. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chân thành cảm ơn Chính phủ Thụy Sĩ đã cung cấp nguồn ODA quý báu cho Việt Nam, tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực, phát triển đô thị, xóa đói giảm nghèo, phát triển nông thôn, góp phần hỗ trợ Việt Nam đạt được nhiều thành tựu phát triển kinh tế - xã hội.
Tổng thống Thụy Sĩ đánh giá Việt Nam là một đối tác sử dụng ODA hiệu quả và Chính phủ Thụy Sĩ đã quyết định tiếp tục ưu tiên cung cấp 70 triệu Franc Thụy Sĩ vốn ODA cho Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2024, tập trung cho các lĩnh vực bảo vệ môi trường và cải cách kinh tế.
Hai bên đánh giá cao vai trò cầu nối hữu nghị của cộng đồng người Việt tại Thụy Sĩ. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chân thành cảm ơn và đề nghị Chính phủ Thụy Sĩ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt tại Thụy Sĩ hội nhập tốt, đóng góp tích cực vào sự phát triển của Thụy Sĩ, cũng như góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.
Trần Thường (từ Bern, Thụy Sĩ)
Tổng thống Thụy Sĩ chủ trì lễ đón chính thức Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc
Tổng thống Guy Parmelin đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ngay khi đoàn xe chở Chủ tịch nước dừng tại thảm đỏ, trước Phủ Tổng thống Lohn Manor.