Hà Nội triển khai phương án đáp ứng 100.000 ca nhiễm

Tại đầu cầu Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh cho biết, TP đã quyết liệt thực hiện mục tiêu kép để kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn với dịch bệnh, đảm bảo an sinh-xã hội, phục hồi sản xuất kinh doanh.

{keywords}
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh

Năm 2021, Hà Nội đã chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, nhằm đảm bảo sức khỏe cho nhân dân. Trong các đợt chống dịch, có đợt quy mô tiêm chủng rất lớn, hiện nay TP đã tiêm cho công dân độ tuổi 18 trở lên đạt trên 99%.

Đối với người trên 50 tuổi có bệnh lý nền chưa được tiêm, TP đã triển khai tiêm tại nhà, đến nay còn trên 17.000 người sẽ tiếp tục vận động tuyên truyền tiêm. 

TP đang triển khai phương án đáp ứng 100.000 ca nhiễm trên địa bàn, trong đó huy động các bệnh viện Trung ương, Bộ, ngành và bệnh viện tư nhân tham gia điều trị người bệnh Covid-19; thành lập hơn 3.200 tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà; huy động nhân lực từ mạng lưới thầy thuốc trẻ, sinh viên các trường khối ngành y...

Theo ông Chu Ngọc Anh, vài ngày gần đây, số ca mắc Covid-19 ở Hà Nội lên top đầu, trong đó số đang điều trị là trên 54.000 ca, nhưng trên 22.000 người đã khỏi bệnh, tỷ lệ bệnh nhân ở tầng 1 chiếm  trên 93%, tầng 2 là 5,36%. Hà Nội kiểm soát chặt chẽ bệnh nhân ở tầng 3, số tử vong dưới 0,3%.

Về phục hồi kinh tế sau giãn cách, tăng trưởng quý IV của Hà Nội đạt 6,69%, cao hơn trung bình cả nước ở quý IV (5,52%). Điều này đặc biệt ý nghĩa khi quý III, Hà Nội giảm sâu tới 6,69% so với cả nước. Việc phục hồi ở quý IV đã bảo đảm không đứt gãy, phục hồi sản xuất, tạo nên tăng trưởng chung cả năm là 2,92%. 

Theo Chủ tịch Hà Nội, năm 2022, TP sẽ tập trung nâng cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm hành động và sáng tạo với 22 chỉ tiêu phát triển để phấn đấu cao nhất đạt mục tiêu tăng trưởng 7 - 7,5% của năm 2022. 

Về kiến nghị, ông Chu Ngọc Anh cho hay, thời gian qua Thủ tướng đã có chủ trương và chỉ đạo tăng cường phân cấp, phân quyền và cá thể hóa trách nhiệm, việc này đã đạt được kết quả quan trọng. Chủ tịch Hà Nội đề nghị tới đây tiếp tục quá trình này…

Về chương trình phục hồi phát triển KTXH và gói kích cầu, ông Chu Ngọc Anh mong Chính phủ sớm ban hành, trên nền tảng đấy Hà Nội kiên quyết chủ động làm tốt vấn đề này.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương

Tại đầu cầu TP.HCM, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi chia sẻ, TP là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng dịch lần thứ 4, các chỉ số kinh tế đều giảm sâu, đời sống người dân bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng.

{keywords}
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi

Dù vậy, tới cuối tháng 9 dịch tại TP đã được kiểm soát. Đến nay TP đã hoàn thành tiêm liều vắc xin cơ bản cho người từ 18 tuổi trở lên và đang đẩy nhanh tiêm mũi bổ sung cho người dân. 

TP.HCM đã chi 12.000 tỷ đồng cho an sinh xã hội, chủ động ban hành chương trình phục hồi kinh tế 2022-2025, triển khai chiến lược y tế. 

Theo ông Phan Văn Mãi, việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, lấy xã phường là pháo đài, đưa y tế tới gần người dân nhất, nhanh nhất, chăm lo an sinh để an dân… là những yếu tố giúp TP vượt qua khó khăn và có ý nghĩa trong giai đoạn phục hồi kinh tế của TP hiện nay. 

TP.HCM cũng tập trung cao cho cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và đạt được những con số ấn tượng: thu ngân sách đạt hơn 381.000 tỷ đồng; thu hút FDI 7,23 tỷ USD; xuất khẩu tăng 28%, nhập khẩu tăng 24,5%…

Ông Phan Văn Mãi nêu các nhóm nhiệm vụ của TP sẽ tập trung. Cụ thể, triển khai chiến lược phòng chống dịch Covid-19 tổng thể của Chính phủ phù hợp với thực tế của TP, trước mắt tập trung xử lý biến chủng mới Omicron; kiến nghị sớm cho phép sản xuất và lưu hành rộng rãi thuốc kháng vi rút.

Thứ hai, triển khai kế hoạch phục hồi kinh tế, tập trung hỗ trợ DN phục hồi sản xuất kinh doanh và triển khai các chương trình phát triển kinh tế ở các lĩnh vực. 

Chủ tịch TP.HCM bày tỏ sự phấn khởi khi Quốc hội tổ chức phiên họp bất thường để quyết định một số vấn đề quan trọng, cấp bách, trong đó có gói hỗ trợ tài khoá và tín dụng. 

TP.HCM đề nghị Chính phủ cho phép TP nghiên cứu, vận dụng vào thực tiễn theo hướng bổ sung thêm bằng ngân sách của địa phương vào các gói hỗ trợ phù hợp với tình hình khó khăn của DN trên địa bàn TP. 

Đồng thời đề nghị các bộ ngành liên quan sớm hướng dẫn thực hiện ngay khi được Quốc hội thông qua để các chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Thứ ba, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị gắn với mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục tháo gỡ những “điểm nghẽn” để hấp thụ có hiệu quả các nguồn vốn. 

TP đề nghị Chính phủ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương, nhất là các lĩnh vực phê duyệt, điều chỉnh cục bộ quy hoạch; cấp phép các khu đô thị, khu công nghiệp, tách dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi xây dựng. 

Từ thực tiễn của mình, TP cũng đã kiến nghị với Trung ương 11 nội dung sửa đổi Luật Đất đai và đề nghị Trung ương quan tâm.

Ngoài ra, TP sẽ tập trung nguồn lực để triển khai các dự án phát triển hạ tầng giao thông như Metro 1, Metro 2, cao tốc TP.HCM- Mộc Bài; Vành đai 3.

Ông Phan Văn Mãi đề nghị Chính phủ sớm giao trách nhiệm cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương và hướng dẫn chọn hình thức đầu tư khả thi nhất, ưu tiên vốn để sớm triển khai xây dựng dự án Vành đai 3. Đây là công trình rất quan trọng cho khu động lực kinh tế phía Nam.

Để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ 2022, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục xem xét đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra giám sát trong một số lĩnh vực như chấp nhận chủ trương đầu tư các khu công nghiệp, trong đó cần sửa đổi Nghị định số 82 ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. 

{keywords}
 Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng

Ông cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc khắc phục các tồn tại nhiều năm trong công tác quản lý đất đai, đầu tư dự án đã được chỉ ra trong các kết luận thanh tra, kiểm toán của các bản án. Đây không chỉ là điểm nghẽn mà còn là nguồn lực rất lớn để phát triển KTXH ở nhiều địa phương, trong đó có Đà Nẵng. 

Chính phủ quan tâm xem xét, ban hành và báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành chính sách mới tạo động lực cho phát triển để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát huy tiềm năng lợi thế từng vùng, từng địa phương…

Bí thư tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải cũng đề nghị quan tâm phân cấp, phân quyền nhiều hơn nữa cho các địa phương, đi kèm các điều kiện cụ thể. 

Hương Quỳnh - Thu Hằng

Việt Nam là 1 trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ vắc xin cao nhất thế giới

Việt Nam là 1 trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ vắc xin cao nhất thế giới

Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh cho biết, từ một nước có tỷ lệ tiêm vắc xin rất thấp, Việt Nam đã vượt lên là 1 trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vắc xin cao nhất trên thế giới.