Vụ trưởng Vụ Báo chí, Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng và Cục trưởng Cục Lễ tân nhà nước Mai Phước Dũng chia sẻ với VietNamNet chuyện hậu trường Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 diễn ra tại Hà Nội.

XEM VIDEO:

Hai cuộc họp bất ngờ

Bà Lê Thị Thu Hằng:

Thực ra việc hai đoàn dự kiến có gặp gỡ báo chí, chúng tôi đã dự tính. Tuy nhiên vẫn có bất ngờ phút cuối.

{keywords}
Vụ trưởng Vụ Báo chí, Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng

Thứ nhất là ta đã chuẩn bị hỗ trợ cho đoàn Mỹ họp báo lúc 4h chiều 28/2, nhưng về sau phía Mỹ quyết định đẩy sớm lên 2 tiếng và chúng tôi chỉ được biết trước 1 tiếng.

Thủ tục kiểm tra an ninh của phía Mỹ rất phức tạp. Chúng tôi lập tức phải tính đến phương án để phóng viên di chuyển nhanh nhất, an toàn nhất.

Chúng tôi quyết định trao đổi với Bộ Công an, với TP Hà Nội tổ chức cho xe phóng viên đi có xe cảnh sát dẫn đường, vừa di chuyển phóng viên kịp thời, an toàn nhưng vẫn tận dụng lộ trình này để quảng bá hình ảnh, để phóng viên chụp, quay phim những hình ảnh đẹp nhất của Hà Nội từ trung tâm phố cổ đến khu đô thị mới Mỹ Đình. Do đó chúng tôi kiến nghị dùng xe buýt 2 tầng.

{keywords}
Cuộc họp báo lúc nửa đêm 28/2 của Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên tại khách sạn Melia

Còn cuộc họp báo phía Triều Tiên, tôi vẫn nói đây là “cuộc gọi lúc nửa đêm”. Khoảng 11h đêm 28/2, tôi nhận được điện thoại từ phía Triều Tiên nói sẽ tổ chức họp báo của Bộ trưởng Ngoại giao và yêu cầu về thành phần phóng viên được mời.

Chỉ trong 30 phút, từ khi nhận được thông tin, chúng tôi đã phối hợp với an ninh triển khai mời đúng thành phần theo như phía bạn yêu cầu. Thứ 2 là đảm bảo an ninh cho cuộc họp báo đó.

Thực sự khi đến khách sạn Melia - nơi diễn ra cuộc họp, thì bạn hầu như dựa vào chúng ta thôi. Tôi cho là tình huống đó thể hiện mình làm tốt được yêu cầu đề ra, thể hiện được vai trò thu xếp, dẫn dắt trong mọi tình huống.

Tắt màn hình led ‘chiều’ phóng viên

Chỉ có 2-3 ngày thôi nhưng rất nhiều yêu cầu mà có lẽ là chúng ta cũng chưa gặp bao giờ. Có cả yêu cầu đi vào tiểu tiết.

Ví dụ hãng truyền hình CNBC của Mỹ có một trường quay ngoài trời ở gần hồ Hoàn Kiếm. nhưng ngay đằng sau có màn hình led lớn liên tục chiếu quảng cáo của hãng khác (CNN). CNBC đề nghị tắt màn hình.

Chúng ta không thể tắt màn hình led 24/24h nhưng rốt cuộc có phương án “chiều” phóng viên bằng cách cứ đến giờ họ tường thuật trực tiếp thì tắt.

Nếu các bạn theo dõi chương trình truyền hình trực tiếp khi đón Chủ tịch Kim Jong-un từ Lạng Sơn về Hà Nội, các bạn sẽ thấy những cảnh quay rất đẹp về đoàn xe chạy. Lần đầu tiên trong đoàn xe dẫn có một xe mở cả nóc để phóng viên tác nghiệp, quay phim, chụp ảnh.

{keywords}
Cục trưởng Cục Lễ tân nhà nước Mai Phước Dũng

Vì sao lãnh đạo Mỹ-Triều thường đổi chỗ?

Ông Mai Phước Dũng:

Toàn bộ kịch bản, chi tiết lễ tân của bạn ở bên trong nơi diễn ra các cuộc gặp do hai đoàn quyết định. Từ vị trí ngồi ra làm sao, khi hai ông đi vào thế nào, rồi bắt tay, đi bộ…Và họ giữ rất kín.

Các bạn thấy hai ông lúc bắt tay vào thì ông Kim đi bên phải, ông Trump bên trái. Lúc ngồi thì họ lại đảo vị trí cho nhau. Tôi nghĩ không phải là ngẫu nhiên, bởi vì theo lễ tân chúng tôi thầm hiểu với nhau là nếu người nào ngồi bên tay phải từ dưới nhìn lên thì đóng vai trò chủ nhà, còn bên tay trái là khách.

Lần này hai bên đảo nhau liên tục vị trí ngồi, lúc ăn tối, lúc họp… Tôi nghĩ đấy là họ thỏa thuận với nhau rất chi tiết.

Việc phi thường của Việt Nam

Bà Lê Thị Thu Hằng:

Do thời gian chuẩn bị quá ngắn nên khi chúng tôi nhìn lại vẫn nói với nhau không hiểu tại sao có thể làm được. Bạn bè quốc tế cũng nói là đây có lẽ là việc phi thường của Việt Nam.

Chúng tôi đã làm việc cả ngày lẫn đêm không phải chỉ trong vài ngày diễn ra hội nghị. Rất mừng là hầu như đánh giá của báo chí nước ngoài về công tác tổ chức của Việt Nam đều tích cực.

{keywords}
Phóng viên nước ngoài tác nghiệp tại trung tâm báo chí quốc tế hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 ở Hà Nội

Chúng tôi cũng nhận được rất nhiều lời cảm ơn từ hai phía Hoa Kỳ và Triều Tiên. Có những chia sẻ của phóng viên nước ngoài rất cảm động, như các bạn ấy nói, đến trung tâm báo chí cảm giác như một ngôi nhà luôn chào đón họ trong những ngày ở Hà Nội.

Trong dịp hội nghị thượng đỉnh lần này, chúng ta thấy sự tham gia rất là tích cực của các doanh nghiệp nhà nước cũng như các doanh nghiệp tư nhân. Và đặc biệt là sự ủng hộ của người dân. Tôi nghĩ có được điều này là do truyền thông làm rất tốt, khơi dậy được ý thức trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp.

Hậu trường Thượng đỉnh Mỹ-Triều: Đổi xe, cắt đuôi báo chí như phim hành động

Hậu trường Thượng đỉnh Mỹ-Triều: Đổi xe, cắt đuôi báo chí như phim hành động

 "Để giữ bí mật, chúng tôi phải dùng một số biện pháp như đổi xe, cắt đuôi báo chí khi lên Đồng Đăng".

Thái An - Hương Quỳnh - Trần Thường