Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là thiết chế kinh tế đa phương do Hoa Kỳ khởi xướng. Sáng kiến này được đánh giá là một trong những thành tựu quan trọng nhất của chính quyền Obama. Mục tiêu căn bản của TPP là đẩy mạnh liên kết thương mại tự do giữa các quốc gia đồng minh và đối tác của Mỹ ở khu vực châu Á và ven dọc bờ Thái Bình Dương.

Tuy được chính thức ký kết vào năm 2016 và dự kiến có hiệu lực vào năm 2018, TPP bỗng chốc bị hủy bỏ ngay khi Donald Trump trở thành Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ.  CPTPP, tên gọi tắt của hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, chính là hậu di sản của TPP mà tại đó không có sự tham gia của Mỹ.

CPTPP là “phao cứu sinh” của Trung Quốc

Trước hết, cần nhấn mạnh rằng đây không phải là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc ngỏ ý muốn gia nhập vào hiệp ước thương mại tự do trên. Trước đó, vào tháng 5/2020, Thủ tướng Lý Khắc Cường công khai xác nhận sự quan tâm tích cực của Trung Quốc đối với CPTPP. Tại cuộc họp báo vào cuối đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ 13, ông cho biết: “Trung Quốc có thái độ tích cực và cởi mở đối với việc tham gia CPTPP".

Tìm hiểu sâu hơn về mục đích thực sự của Trung Quốc đằng sau việc này, tờ Financial Times phiên bản tiếng Trung cho rằng việc ủng hộ thương mại tự do là chiêu bài mới của Bắc Kinh trong việc ứng phó với chiến lược kiềm chế Trung Quốc do Hoa Kỳ dẫn đầu. 

{keywords}
Việc gia nhập CPTPP mang đến cho các doanh nghiệp Trung Quốc nhiều cơ hội để trụ vững và phát triển trên thị trường ngoại quốc

Theo Tổng thư ký Trung tâm nghiên cứu ý kiến quốc tế thuộc Viện Charhar, Trung Quốc biết rất rõ rằng việc phát triển quan hệ kinh tế - thương mại chặt chẽ với các quốc gia trên thế giới là cách hiệu quả nhất để đánh trả chính sách “kiềm chế Trung Quốc” của Hoa Kỳ.

Còn theo Chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và toàn cầu hóa (CCG), Wang Hui Yao, việc gia nhập CPTPP mang đến cho các doanh nghiệp Trung Quốc nhiều cơ hội để trụ vững và phát triển trên thị trường ngoại quốc. Cụ thể, các công ty Trung Quốc như Huawei và TikTok sẽ không bị áp chế khi hoạt động kinh doanh ở nước ngoài.

Để khẳng định cho mong muốn gia nhập CPTPP, ông Tập Cận Bình đã phát biểu: “Trong thế giới ngày nay, nơi toàn cầu hóa kinh tế đã trở thành một xu thế không thể đảo ngược, không quốc gia nào có thể tự phát triển bằng cách đóng cửa”.

Song song đó, Chủ tịch Tập còn cho rằng chủ nghĩa đơn phương, bảo hộ và bắt nạt cũng như những phản ứng gay gắt nhằm chống lại xu thế toàn cầu hóa kinh tế là nguyên nhân chính khiến nền kinh tế thế giới lao dốc và rơi vào những bất ổn khó phục hồi.

Xây dựng ngôi nhà “Giấc mơ Trung Hoa”

Giai đoạn chuyển giao chính quyền từ tay Donald Trump sang Biden là thời điểm vô cùng thích hợp để Bắc Kinh kiến thiết nên một hình ảnh Trung Quốc có vai trò tích cực tại các diễn đàn đa phương trên toàn thế giới.

Chính sách ủng hộ ngoại giao song phương của ông Trump để lại một khoảng không quyền lực khá lớn trên các diễn đàn đa phương. Song song đó, vì chưa chính thức tuyên thệ, ông Biden cũng chưa thể có bất kỳ điều chỉnh nào cho chiến lược ngoại giao Mỹ trong nhiệm kỳ 4 năm sắp tới. 

Do đó, khoảnh khắc giao thời này là giây phút hoàng kim để Trung Quốc khẳng định vị thế lãnh đạo của mình trên các thiết chế đa phương. Lãnh đạo nước này cũng đã khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ vững chắc hệ thống thương mại đa phương, tham gia tích cực hơn vào việc cải cách hệ thống điều hành kinh tế toàn cầu, và đóng vai trò của mình để hệ thống này trở nên công bằng và bình đẳng hơn.

Suy cho cùng, việc tham gia CPTPP chính là cách để họ toàn vẹn sứ mạng “Giấc mơ Trung Hoa”, vươn lên trở thành quốc gia lãnh đạo thế giới.

Có vẻ như giới lãnh đạo Trung Quốc đang vạch ra một chiến lược kiềm chế Washington bằng cách phát triển sâu rộng các mối quan hệ kinh tế - thương mại với các quốc gia đồng minh của Mỹ. Trung Quốc đã chọn CPTPP như một cách vừa khẳng định vị trí của mình trên trường thế giới, vừa kiềm chân Mỹ trong trận chiến tranh giành ngôi vị chủ trì thế giới.

Nhìn từ góc độ kinh tế, Trung Quốc hoàn toàn có thể tự tin về vai trò thiết lập cuộc chơi của mình. Theo Reuters, Trung Quốc là quốc gia vượt qua đại dịch Covid-19 thành công nhất trong 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Mức tăng trưởng kinh tế của nước ngày trong năm 2020 đạt 2,1%, cao hơn 5,8% so với con số của Mỹ. Do đó, gia nhập CPTPP chính là cách hữu hiệu và khả dĩ để quốc gia này vươn lên vị trí dẫn dắt toàn cầu thay Hoa Kỳ.

Phản ứng từ các quốc gia khác cùng các chuyên gia

Tuy là quốc gia lên tiếng ủng hộ cho các thiết chế mậu dịch tự do, Trung Quốc lại hiếm nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế vì phát ngôn không đi đôi với hành vi của mình. Nhiều tháng vừa qua, chính quyền Bắc Kinh đã thực hiện các biện pháp rào chắn thương mại thuế quan và phi thuế quan để hạn chế nhập khẩu những mặt hàng từ các quốc gia yêu cầu điều tra độc lập về nguồn gốc virus corona.

{keywords}
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc tham dự hội nghị trực tuyến APEC lần thứ 27 tháng 11 vừa qua. Ảnh: THX

Cụ thể, lúa mạch nhập khẩu từ Australia bị đánh thuế cao đến ngưỡng 80% sau khi nước này tố phía Bắc Kinh đã không minh bạch trong các vấn đề liên quan đến Covid-19. Điều này đã khiến quan hệ song phương giữa hai nước xấu đi trông thấy. Giới chức Australia đã phát biểu rằng “Australia vô cùng thất vọng với quyết định của Trung Quốc về việc áp thuế đối với sản phẩm nông sản từ nước chúng tôi”. Như vậy, việc chính phủ Australia có đồng ý cho Trung Quốc tham gia vào CPTPP hay không vẫn còn là một câu hỏi được bỏ ngỏ.

Song song đó, với tư cách là nước tổ chức lễ ký kết TPP, New Zealand đã từ chối việc cho phép Trung Quốc tham gia vào thiết chế thương mại tự do này.

Từ phía Nhật Bản, mong muốn mở rộng thành viên CPTPP của chính quyền tân Thủ tướng Suga Yoshihide cũng đã vấp phải những rào cản từ các chuyên gia chính trị trong nước. Miyake, cựu ngoại giao chuyên nghiệp và hiện đang là cố vấn đặc biệt cho Nội các của Suga, đã nhấn mạnh: “Với tư cách là trưởng đoàn đàm phán thương mại dịch vụ của Nhật Bản tại Tổ chức Thương mại Thế giới từ năm 1994-1996, tôi không mong đợi Trung Quốc sẽ tuân thủ các quy tắc hoặc quy định thông thường để tham gia hiệp định thương mại tự do”.

Dưới góc nhìn kinh tế quốc tế, CPTPP là hiệp định thương mại đa phương với các điều khoản mang tính bắt buộc thi hành rất cao. Tại đó, các nước thành viên phải đảm bảo hàng hóa quốc tế được lưu thông tự do mà không bị cản trở bởi bất kỳ hàng rào thuế quan và phi thuế quan nào. 

Tuy chỉ chiếm 13% trên tổng số GDP của nền kinh tế toàn cầu, CPTPP được nhìn nhận là một thiết chế mậu dịch tự do trên phạm vi sâu rộng. Nội dung của CPTPP trải dài từ quản lý hải quan, thương mại, đầu tư, dịch vụ xuyên biên giới, dịch vụ tài chính, viễn thông đến các biện pháp bảo vệ môi trường, chống phát thải, minh bạch hóa và chống tham nhũng.

Từ góc độ lợi ích quốc gia, có lẽ hiện tại Trung Quốc chưa muốn "hi sinh" nhiều thứ chỉ để tham gia vào một thể chế mang tính toàn cầu như vậy.

Tóm lại, việc Trung Quốc có được phê duyệt vào CPTPP hay không không phải là vấn đề của một sớm một chiều. Song ít nhất chính quyền Bắc Kinh đã cho Hoa Kỳ và thế giới thấy được ý chí không khuất phục của mình trước hàng loạt những chính sách cô lập từ Mỹ, đồng thời nhấn mạnh khát khao về một “Giấc mơ Trung Hoa” mà tại đó, Trung Quốc vươn lên với vai trò lãnh đạo thế giới.

Nguyễn Tăng Nghị - Trần Mạnh Giàu

Trung Quốc thay đổi ra sao sau 5 thế hệ lãnh đạo

Trung Quốc thay đổi ra sao sau 5 thế hệ lãnh đạo

Ngày 1/10/1949, lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập nước CHND Trung Hoa, đánh dấu sự khởi đầu của một thời kỳ lịch sử mới.