LTS: Xung quanh những vụ việc lạm dụng bạo lực trong ngành giáo dục, xin giới thiệu bài viết dưới đây như một góc nhìn tham chiếu để độc giả cùng tranh luận.

Việc liên tiếp xảy ra các vụ việc nhà giáo xâm phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm học sinh thì đã chứng tỏ các "thầy đồ" ngày nay vẫn quen với cái nếp giáo dục "thương cho roi cho vọt" từ thời phong kiến.

Sau những tát rách môi ở Ứng Hòa - Hà Nội, bắt uống nước giặt giẻ lau bảng ở Hải Phòng, bắt cả lớp tát bạn 231 cái ở Quảng Bình, bắt bạn học tát 50 cái ở Hà Nội,... lãnh đạo ngành giáo dục đã mạnh mẽ tuyên bố quyết tâm nói không với bạo lực giáo dục.

Xem ra, ở xứ ta, vẫn còn nặng nề lắm tư tưởng giáo dục theo kiểu "thương cho roi cho vọt" như một tàn dư của thời phong kiến để lại. Ngày xưa, các cụ đồ vẫn đặt sẵn một cây roi trên lớp để phạt học trò; ở nhà, các bậc cha mẹ cũng học theo cách thức tương tự để dạy dỗ con.

Nhưng giáo dục bao giờ cũng phải xuất phát từ bối cảnh, yêu cầu của thời đại. Ngày nay trên toàn thế giới đã phổ biến Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Việt Nam là quốc gia thứ hai trên thế giới và nước châu Á đầu tiên tham gia Công ước về Quyền Trẻ em, phê chuẩn năm 1990. 

{keywords}
"Thương cho roi cho vọt" giờ còn phù hợp? Ảnh minh họa

Cũng từ các công ước về quyền con người đó, các hình luật dã man của thời chế độ phong kiến đã bị loại bỏ.

Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng và đề cao quyền trẻ em qua Công ước về Quyền Trẻ em, Hiến pháp (điều 20 quyền bất khả xâm phạm về thân thể - danh dự - nhân phẩm, điều 37 nghiêm cấm xâm phạm tới trẻ em), Luật Trẻ em và các văn bản khác.

Việc liên tiếp xảy ra các vụ việc nhà giáo xâm phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm học sinh thì đã chứng tỏ nhiều thầy cô giáo đó còn quen với cái nếp giáo dục “thầy đồ”, "thương cho roi cho vọt" từ thời phong kiến. Đã đến lúc phải cắt đứt tàn dư đó thay vì loanh quanh đổ lỗi cho áp lực thành tích, do thu nhập không tương xứng, v.v… nên giáo viên nóng giận không kiềm chế được.

Giáo trình sư phạm phải trang bị đầy đủ, kỹ lưỡng cho sinh viên sư phạm kiến thức luật pháp về quyền con người, quyền trẻ em, các tội đối với trẻ em… Ngay từ ghế sinh viên, các thầy cô giáo tương lai cần hiểu rõ là hành vi xâm phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm trẻ em tuyệt nhiên không phải là nghiệp vụ sư phạm, mà là sự vi phạm các quy định pháp luật liên quan đến trẻ em.

Trẻ em trước tiên là những con người với đầy đủ các quyền con người. Chúng ta vốn không cho phép ai đánh mình dù chỉ một cái, vậy tại sao lại cho phép mình có quyền "thương cho roi cho vọt" với trẻ em? Nếu không muốn ai bất công với mình, thì cũng đừng bao giờ bất công với ai!

Phạm Mạnh Hà