Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Một điểm quan trọng trong Nghị quyết số 50, đó là Bộ Chính trị chỉ đạo việc phải hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật để khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay; nghiên cứu, xây dựng các quy định để khắc phục tình trạng “vốn mỏng”, chuyển giá, đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng”.

Đồng thời, nghiên cứu bổ sung quy định “điều kiện về quốc phòng, an ninh” trong quá trình xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (hoặc các văn bản có giá trị pháp lý tương đương) đối với dự án đầu tư mới và quá trình xem xét, chấp thuận đối với hoạt động đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp. Bên cạnh đó, Bộ Chính trị cũng đã chỉ đạo xây dựng cụ thể danh mục hạn chế, không thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp với các cam kết quốc tế.

Những định hướng đối với thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh hiện nay là rất kịp thời.

{keywords}
Việt Nam tiến tới cần có một đạo luật để kiểm soát các giao dịch kinh tế tiềm ẩn các nguy cơ không đảm bảo an ninh kinh tế. Ảnh minh hoạ

Hiện nay đang có hiện tượng đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng” tại một số địa phương ở Việt Nam. Một số nhà đầu tư nước ngoài đầu tư doanh nghiệp bất động sản, góp vốn dưới 49% (theo quy định hiện nay thì doanh nghiệp có vốn nước ngoài có tỷ lệ dưới 49% được xem và được đối xử là nhà đầu tư trong nước) đầu tư đất đai, cơ sở tai những vùng đất nhạy cảm, liên quan đến an ninh quốc phòng.

Một số nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua bán – sáp nhập (M&A) các doanh nghiệp trong nước  tại những dự án có tính ảnh hưởng an ninh quốc gia cao. Hoặc một số doanh nghiệp nhạy cảm an ninh quốc phòng nhận vốn, vay nợ từ các doanh doanh nghiệp nước ngoài, các quyết định kinh doanh bị ảnh hưởng lớn từ bên cho vay…

Hiện nay chúng ta chưa có cơ chế kiểm soát có hiệu quả các hoạt động đầu tư hay giao dịch kinh doanh này.

Việt Nam tiếp nhận nhiều đầu tư nước ngoài nhưng cơ chế để thẩm định quốc tịch, nguồn gốc của nhà đầu tư nước ngoài không phải dễ dàng. Nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư vòng qua một số dự án tại các quốc đảo thuế hoặc thông qua các nhà đầu tư tại nước thứ ba sau chuyển nhượng từ công ty bố - mẹ. Chính vì vậy một số dự án đầu tư ảnh hưởng lớn đến an ninh quốc phòng nhưng chưa có cơ chế giám sát tốt.

Một số dự án đầu tư trong nước có ảnh hưởng an ninh quốc cao như đầu tư dự án tại các địa bàn nhạy cảm (biên giới, hải đảo, vị trí an ninh quốc phòng) hay nắm mạng lưới phân phối hay nắm thông tin lớn về người dùng tại Việt Nam… đều có khả năng bị mua án, chuyển nhượng bởi các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện nay chưa có cách thức và phương pháp quản trị rủi ro phù hợp.

Kiến nghị giải pháp

Theo tôi, trong bối cảnh mở cửa ngày càng sâu rộng hơn, Việt Nam tiến tới cần có một đạo luật để kiểm soát các giao dịch kinh tế tiềm ẩn các nguy cơ không đảm bảo an ninh kinh tế. Đạo luật này có thể gọi tên là Luật về An ninh Quốc phòng trong hoạt động kinh tế. Quốc hội (hoặc Chính phủ) cần có một bộ phận để kiểm soát các giao dịch kinh tế:

- Dự án đầu tư nước ngoài

- Các hoạt động đầu tư gián tiếp, mua bán – sáp nhập công ty.

- Các hoạt động vay nợ, chuyển nhượng tài sản

- Các hợp đồng mua bán lớn (trong lĩnh vực như hàng không, viễn thông, điện lực…)

Vì cơ chế quốc tịch nhà đầu tư không chắc chắn và khả năng linh hoạt trong chuyển nhượng dự án ngày càng cao nên cần có danh mục các lĩnh vực đầu tư cần rà soát an ninh quốc phòng cao, kể cả với nhà đầu tư trong nước. Trong bối cảnh công nghệ phát triển và hoạt động số hoá đang diễn ra mạnh mẽ nên các đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tiếp cận thông tin người dùng nhạy cảm… cần được quan tâm cao.

Yêu cầu đa dạng hoá và phát triển bền vững nền kinh tế:

Mục tiêu của Chính phủ hướng đến là tăng trưởng và phát triển bền vững nhưng liệu mục tiêu bền vững của nền kinh tế nước ta có đạt được không khi chỉ riêng một ngành, riêng một tập đoàn Samsung chiếm đến hơn 25% (tôi xin nhấn mạnh MỘT PHẦN TƯ) tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước trong năm 2018.

Với mức độ phụ thuộc này xuất khẩu của đất nước, công nghiệp của đất nước, nền kinh tế đất nước sẽ ra sao nếu ngành hàng nào đó kém cạnh tranh, một doanh nghiệp nào đó biến mất? Với sự thay đổi chóng mặt về công nghệ, cạnh tranh khắc nghiệt trên thị trường thế giới thì doanh nghiệp, dù hiện tại rất mạnh, có thể luôn gặp trục trặc.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, những tập đoàn Nhật Bản hùng mạnh trước đây, những hãng lớn hàng đầu thế giới như Nokia tưởng không thể đánh bại… đều gặp phải vấn đề này.

Ngoài ra nhiều dự án lớn hay ngành hàng của Việt Nam đang phụ thuộc lớn vào sức mua của duy nhất một thị trường. Tình trạng ứ đọng, tắc nghẽn không xuất khẩu các mặt hàng nông sản như sắn lát sang Trung Quốc giai đoạn sau sự cố Hải Dương 981 vào tháng 5/2014 vẫn là bài học lớn. Cơ chế nào để san sẻ, phòng ngừa rủi ro trong thời gian tới vẫn là câu hỏi lớn?

Bên cạnh đó, với việc Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mai thế hệ mới ngày càng nhiều, phân cấp đầu tư ngày càng mạnh mẽ thì thời gian tới nguy cơ Việt Nam bị các nhà đầu tư kiện theo cơ chế kiện nhà nước theo các hiệp định ngày càng cao. Việt Nam cần có chiến lược để đối phó và phòng ngừa nguy cơ này.

Hiện nay nhu cầu đầu tư và phát triển hạ tầng, năng lượng của Việt Nam rất lớn, cần có cơ chế lựa chọn nhà đầu tư phát triển hạ tầng như thế nào cho phù hợp? Liệu an ninh năng lượng của Việt Nam có được đảm bảo không khi phần lớn các dự án nhiệt điệt chỉ do một quốc gia xây dựng, vận hành.

Theo thống kê đến cuối 2017, Việt Nam có đến 30 dự án nhiệt điện theo mô hình tổng thầu EPC chỉ do một quốc gia xây dựng vận hành. Vì thế, chính sách hợp tác công tư cho hạ tầng, năng lượng phải đặc biệt quan tâm xử lý vấn đề này.

Trên đây mới chỉ là một số gợi ý ban đầu mà chúng ta cần suy nghĩ để đưa Nghị quyết 50 vào cuộc sống trong bối cảnh thế giới đang thay đổi rất nhanh chóng và khó lường.

Lan Anh ghi