Giáo dục là dịch vụ đặc biệt. ở đó, tính minh bạch, sự rõ ràng và lòng tin của các chủ thể tham gia mà cụ thể nhất là gia đình và nhà trường là những yếu tố cực kỳ căn bản. Nếu như bạn không tin một ngôi trường hay một giáo viên nào đó thì dù có được học bổng hay dạy miễn phí bạn cũng không bao giờ đưa con em bạn vào học.

Nó còn đặc biệt hơn ở chỗ, nếu như mục đích thực sự là tìm kiếm lợi nhuận đi chăng nữa thì việc “mua bán dịch vụ” này lại là nền tảng của học để làm người... nên cực khó tách bạch.

Nói thì dễ dàng và đơn giản như vậy nhưng "cây đời" thực tế lại muôn hình vạn trạng và nhiều khi những giá trị vẫn thường được đem ra quảng cáo như tinh hoa, tài năng, công dân toàn cầu... lại bỗng chốc gặp phải cái thực tế chua chát: tiền.

{keywords}
Phụ huynh một trường quốc tế phản đối chính sách tính học phí

Covid-19 quả là cơn địa chấn. Nó không chỉ bóc trần những giá trị lâu nay vẫn được khéo léo mạ bằng những giá trị hết sức căn bản và tốt đẹp mà loài người qua bao nhiêu năm tháng đã đang và sẽ đề cao. Chỉ nói gọn trong phạm vi giáo dục, cụ thể là khu vực ngoài công lập, những tranh cãi về thu học phí thế nào, bao nhiêu là hợp lý đã thấy đủ thứ phức tạp.

Cho đến chiều 27/5, phụ huynh và lãnh đạo trường Ngôi sao ở Hà Nội vẫn chưa đạt được mức thỏa thuận về việc thu bao nhiêu tiền học phí trong thời điểm Covid-19. Một số phụ huynh phát biểu tại cuộc họp với nhà trường và xuất hiện trên truyền thông thì nói rằng trường thu thế là quá cao, không hợp lý.

Đại diện nhà trường cuối cùng cũng phải thốt lên "Giờ đây tôi đang bị tụt cảm xúc và nghĩ liệu mình có nên tiếp tục làm những thứ đấy nữa hay không”. Dù mở website của trường thấy thông điệp ngay trên phần bắt mắt nhất: "Với sứ mệnh mang đến một nền giáo dục đậm đà bản sắc Việt Nam và hội nhập quốc tế, chúng tôi sẽ giáo dục các con lấy đạo đức làm nền tảng để học làm người: trước tiên là người con hiếu thảo với cha mẹ, tôn trọng thầy cô giáo, có ý thức trách nhiệm với cộng đồng, với tổ quốc; sau đó là tri thức nắm bắt đủ để thích nghi với sự thay đổi như vũ bão của công nghệ 4.0... Song song với đó là rèn luyện các kỹ năng và cần có sức khoẻ tốt để phát triển cá nhân trong thế kỷ 21 đầy biến động...".

Ngôi sao Hà Nội không phải là cá biệt. Đã có đến chục trường phát sinh tranh cãi về học phí trong dịp Covid với các mức độ nặng nhẹ khác nhau. Một câu hỏi đặt ra là tại sao các trường tư ở một số nước phát triển cũng gặp phải hoàn cảnh tương tự như các trường của ta nhưng chưa thấy họ tranh cãi ác liệt với nhau như ta? Họ có cách thức gì mà mọi việc diễn ra cơ bản là êm thấm và đặc biệt là không làm những tranh cãi phạm vào những mục tiêu thiêng liêng mà giáo dục hướng đến?

Tìm hiểu thì thấy ở họ, khi bị dừng hay chuyển sang cách thức học online, từ đại học trở xuống, cha mẹ phụ huynh ở các trường này viết thư gửi lãnh đạo nhà trường, còn bậc đại học thì sinh viên có thể viết. Họ toàn toàn có thể tập hợp nhau lại để bày tỏ tiếng nói chung bằng cách gửi đơn tập thể... Một điểm cơ bản mà họ khác các trường tư của ta là trước khi vào học gia đình và nhà trường ký một hợp đồng với khá nhiều điều khoản chặt chẽ. Nhưng dù trí tưởng tượng phong phú đến đâu thì hợp đồng cũng không thể bao phủ nội dung học phí thu thế nào trong thời gian nghỉ học hay học trực tuyến do dịch bệnh.

Trở lại chuyện gửi đơn, cơ bản đơn thường viết dịch bệnh là không ai mong muốn, thực tế thì việc nghỉ học tạm thời hay học online chi phí khác xa cách học truyền thống. Vì vậy chúng tôi hỏi có giảm học phí đã cam kết và giảm thế nào. Thường thì các trường có phản hồi sớm. Và câu trả lời thường cũng là vì lý do này lý do kia chúng tôi giảm một phần hoặc không giảm.

Một người làm việc lâu năm trong lĩnh vực du học nói rằng kể cả giảm nhiều hay ít, hoặc không giảm mọi việc cũng dừng lại ở đó. Người này nói đã theo dõi rất sát nhưng chưa thầy trường hợp nào kiện nhau vì không được giảm hay không hài lòng với mức giảm. Bởi lẽ sự hiểu biết cũng như sự biết điều và trên tất cả là họ cùng nhận thức được mục đích cao đẹp của giáo dục.

Trở lại câu chuyện xung đột vì học phí ở ta, vấn đề đặt ra là nếu tiếp tục không đạt được thoả thuận như văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT thì phụ huynh còn cách nào khác hay vẫn buộc phải tuân theo mức phí mà nhà trường đưa ra? Một hành động khác là các bên kiện nhau ra toà?

Thực tế những vụ việc xung đột về học phí trường tư thời gian qua cho thấy phần đông phụ huynh dù không bằng lòng vẫn sẽ phải đóng theo mức phí mà nhà trường đã định để con em mình học tiếp. Một số ít hơn sẽ vì “tức cái thái độ” là chính chuyển con em mình sang trường khác. Chưa có ai kiện ra toà vì nhiều lý do trong đó cơ bản là chưa có hợp đồng.

Nhưng nếu có trường hợp kiện ra toà để tạo ra án lệ thì sao? Nhiều luật sư cho rằng cũng sẽ rất khó khăn bởi quyền đưa ra học phí là của trường theo luật Giáo dục. Còn xử theo luật dân sự cũng khó mà ngã ngũ và cũng chỉ đến mức như trên đã nói là hoặc một bên thôi dạy hay bên kia thôi học.

Khi lý đã không thể ngã ngũ thì cái tình lại là thứ dễ thuyết phục nhau hơn cả. Và ngoài chục trường có tranh cãi về học phí thì nhiều hơn nhiều số trường tư còn lại bằng cách này hay cách khác họ đã không để xảy ra tranh cãi trong hoàn cảnh tương tự. Cứ tạm cho là mục đích của các trường tư là như nhau là kiếm lợi thuần tuý đi chăng nữa thì vẫn có cửa thoát ra êm ả nếu đôi bên biết điều, chia sẻ và thông cảm cho nhau vỉ mục đích chung.

Còn muốn mọi việc rõ ràng hơn, từ nay trở đi trường tư và người học hay gia đình họ phải có hợp đồng chi tiết trong đó không thể quên những trường hợp phải tạm dừng học hay chuyển đổi phương thức học như trong “thời Covid” vừa qua thì học phí sẽ thu bao nhiêu.

Khôi Nguyên 

Cái tát và triết lý giáo dục

Cái tát và triết lý giáo dục

Tôi cho rằng, xứng đáng ban bố trình trạng khẩn cấp cho tình trạng giáo dục Việt Nam hiện nay.