- Các chỉ tiêu kinh tế đã về đích ngoạn mục sớm thay vì cuối năm giúp các nhà điều hành kinh tế không còn phải “hồi hộp” hay “vỡ òa” như năm trước.
Hồi cuối năm 2017, sau nhiều dự báo khó thành, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã “trải lòng” về những cung bậc cảm xúc của mình trong vai trò nhà điều hành kinh tế: Ông từng lo lắng, căng thẳng, hồi hộp và cuối cùng là “vỡ oà” trong cảm xúc vui mừng khi tất cả các chỉ tiêu phát triển đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Đó là lý do ngay đầu năm nay các kịch bản kinh tế của Bộ này xây dựng cho 2018 đều tỏ ra dè dặt, nhất là trong bối cảnh địa chính trị thế giới đang được phân bố lại rất khốc liệt bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Bằng chứng là theo kịch bản nào, cao hay thấp, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo, thì tốc độ tăng trưởng lại suy giảm dần sau các quý, điều chưa từng có sau rất nhiều năm gần đây.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh giải thích trong một cuộc họp báo đầu năm nay: “Dự kiến năm 2018 không có những nhân tố đột phá như năm 2017, ví dụ như tăng trưởng đột phá của Samsung khi ra mắt sản phẩm mới Note 8 vào tháng 5/2017 hoặc nhà máy thép Formosa lần đầu tiên đi vào sản xuất với quy mô lớn vào tháng 7/2017".
Các chỉ tiêu kinh tế đã về đích ngoạn mục sớm thay vì cuối năm giúp các nhà điều hành kinh tế không còn phải “hồi hộp” hay “vỡ òa” như năm trước. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Duy trì tăng trưởng kinh tế cao là sức ép với các nhà điều hành kinh tế vì đây vừa là chỉ tiêu mang tính pháp lệnh của Quốc hội, vừa thể hiện năng lực điều hành của Chính phủ.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 48 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 tiếp tục yêu cầu Chính phủ bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đó là những mục tiêu có chiều hướng trái ngược nhau, mâu thuẫn nhau và rất khó thực hiện.
Tuy nhiên, khi năm 2018 dần trôi qua, những chỉ tiêu đó đang trở thành hiện thực. Báo cáo của Chính phủ trình bày tại Phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15-10 cho thấy rõ điều đó.
Nếu đạt mức tăng trưởng GDP là 6,7% so với năm 2017 thì Quy mô GDP theo giá hiện hành ước đạt 5.555 nghìn tỷ đồng, tương đương 240,5 tỷ USD, GDP bình quân đầu người ước đạt khoảng 2.540 USD/người, tăng thêm 155 USD so với năm 2017, tăng thêm 325 USD so với năm đầu nhiệm kỳ (2016) và cao gấp 1,21 lần so với năm 2015.
Tuy nhiên, triển vọng GDP năm 2018 có thể tăng cao hơn 6,7%, Chính phủ cho biết.
Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách nhận xét, tính chung 9 tháng đầu năm, GDP ước tăng 6,98%, mức tăng 9 tháng cao nhất kể từ năm 2011.
Ông nói: “Tăng trưởng đã xua tan các nhận định về tính giảm dần của tăng trưởng các quý trong năm 2018. Mục tiêu tăng trưởng 6,5%-6,7% của năm 2018 do Quốc hội đề ra hầu như chắc chắn sẽ thực hiện được. Nhiều khả năng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng hơn 6,8% trong năm nay”.
Trong khi đó, báo cáo của Chính phủ cho biết, mô hình tăng trưởng dần dịch chuyển sang chiều sâu, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) ước đạt 40,23%, năng suất lao động duy trì nhịp độ tăng cao hơn giai đoạn 2011-2015, ước đạt 5,55%.
Mức tăng của các yếu tố này là cao so với giai đoạn trước.
Điều đáng ghi nhận, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định. Lạm phát được kiểm soát, liên tiếp 03 năm CPI đạt dưới 4%; điều hành linh hoạt các chính sách tài khóa, tiền tệ, giữ vững ổn định tỷ giá, lãi suất, đảm bảo thanh khoản, an toàn hệ thống, tăng trưởng tín dụng hợp lý khoảng 17%, đáp ứng được yêu cầu về vốn của nền kinh tế.
Tiến sỹ Phạm Thế Anh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận xét: “Trong bối cảnh hiện nay, NHNN nên chuyển hướng trọng tâm điều hành từ mục tiêu tăng trưởng kinh tế sang mục tiêu kiểm soát lạm phát. Vì tăng trưởng kinh tế đã nhiều khả năng đạt được mục tiêu, nên ngăn chặn lạm phát khi sức ép bắt đầu xuất hiện”.
Báo cáo của Chính phủ cho biết, cơ cấu đầu tư khu vực tư nhân ngày càng tăng. Tỷ trọng đầu tư của khu vực tư nhân năm 2018 ước đạt 42,4%, cao hơn năm 2017 (40,6%), năm 2016 (38,9%) và bình quân giai đoạn 2011-2015 (38,3%).
Tóm lại, kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng GDP ở mức cao hơn mức tăng GDP tiềm năng trung hạn, tăng trên cả 3 lĩnh vực, quy mô nền kinh tế khoảng 240,5 tỷ đô la Mỹ. Đó là những thành tựu không thể phủ nhận trong điều hành kinh tế.
Những chỉ tiêu kinh tế như trên được thực hiện trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị, căng thẳng thương mại,…đã tạo sức ép lên điều hành chính sách vĩ mô, kiểm soát lạm phát, một số hạn chế, yếu kém của nội tại nền kinh tế tích tụ nhiều năm nay.
Những chỉ số này đã đạt được ngay từ tháng 10 năm nay, trước thời điểm Quốc hội họp và bỏ phiếu tín nhiệm trong kỳ họp sẽ khai mạc vào tuần tới.
Và vì thế, các nhà điều hành kinh tế không còn phải “vỡ òa” hay “hồi hộp” cho đến tận cuối năm nay.
Tư Giang
Liệu FDI có làm thui chột doanh nghiệp trong nước?
Hôm nay, ngày 4/10 Hội nghị “Tầm nhìn mới, cơ hội mới cho FDI trong kỷ nguyên mới” sẽ được tổ chức để tổng kết 30 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.
Khi nhiều doanh nghiệp đến Singapore khởi nghiệp
“Điều quan trọng nhất là cần tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Khung pháp lý của Việt Nam hiện nay chưa tốt nên nhiều doanh nghiệp đã sang Singapore khởi nghiệp”
Ngay từ đầu Việt Nam đã mở toang, thông thoáng hết mức
Chính sự ra đời của Luật Đầu tư nước ngoài đã góp phần tạo ra một bước tiến dài của hành trình Đổi mới đất nước, đưa Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Khi Thủ tướng yêu cầu xây dựng nền kinh tế tự chủ
Điều quan trọng nhất là thu hút FDI nhưng vẫn phải có không gian để cho doanh nghiệp trong nước phát triển thì chúng ta mới độc lập tự chủ về kinh tế.
“Đoàn thuyền thúng” và nghịch lý mang tên doanh nghiệp tư nhân
Đã có 4 người Việt Nam được xếp hạng tỷ phú đô la trong khi nhiều doanh nhân khác cũng đang vươn lên danh sách này. Tuy nhiên...