Chia sẻ với Tuần Việt Nam, ông Trần Khắc Tâm bày tỏ tâm niệm gắn bó với cử tri phải từ cuộc sống, công việc hàng ngày.

Theo ông, làm đại biểu dân cử phải gắn bó với các tầng lớp cử tri khác nhau, từ công an, quân đội, các bác các cô hưu trí, người nông dân, đến bà con tiểu thương ngoài chợ, từ người già đến người trẻ… để lắng nghe và học hỏi, tiếp thu ý kiến để phát biểu, trình bày, kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, đặc biệt là trong xây dựng chính sách, pháp luật.

Đã “bén tiếng, quen hơi”

Nguyên do nào ông lại mong muốn trở lại nghị trường khóa tới?

Đây không phải là lần đầu tiên tôi ứng cử ĐBQH. Tôi may mắn được cử tri tín nhiệm bầu làm ĐBQH khóa 13, đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng các khoá 8, 9. Trong suốt 10 năm qua, tôi vinh dự được làm người đại biểu của nhân dân, được cô bác gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, trao đổi, chỉ bảo và giúp đỡ tôi hoàn thành trách nhiệm của mình.

{keywords}
 Ông Trần Khắc Tâm thăm hỏi bà con đồng bào dân tộc Khmer ở Sóc Trăng

Vì vậy, công việc của một người đại biểu dân cử dường như đã “bén tiếng, quen hơi” với tôi. Thời gian qua, trực tiếp tiếp xúc, nghe, chứng kiến nhiều câu chuyện về đời sống của người dân khiến tôi trăn trở.

Tiếng kêu của bà con nông dân về tình trạng được mùa rớt giá vẫn còn đó. Tình trạng người dân thiếu việc làm, bỏ xứ tha hương vẫn còn nhiều. Quê hương Sóc Trăng của tôi nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung vẫn còn thiếu bóng của những “đại bàng” về xây tổ…

Chính những điều đó thôi thúc tôi mong muốn được tiếp tục đóng góp phần công sức nhỏ nhoi của mình vào sự phát triển của quê nhà và khu vực ĐBSCL

Trong chương trình hành động, ông quan tâm đến những vấn đề gì?

Tôi quan tâm đến quyền lợi sát sườn của cử tri, đồng bào tại đơn vị bầu cử; đến quyền lợi của quê hương Sóc Trăng thân yêu và kế đến là của ĐBSCL.

Tôi sẽ phát huy lợi thế công việc của mình (là doanh nhân, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, Phó chủ tịch Hội đồng các hiệp hội doanh nghiệp ĐBSCL, ủy viên Ban chấp hành Phòng Thương mại và Công nghiệp VN) để kêu gọi đầu tư từ các tập đoàn, doanh nghiệp bên ngoài, giải quyết công ăn việc làm cho bà con.

Tôi sẽ tiếp tục kiến nghị chính sách bao tiêu nông sản nhằm cải thiện tình trạng được mùa rớt giá, nhằm giảm bớt khó khăn cho nông dân.

Nếu có cơ hội trở lại nghị trường, tôi sẽ cố gắng tham mưu, hỗ trợ lãnh đạo tỉnh trong việc tranh thủ các nguồn vốn của trung ương, của các nhà đầu tư nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông nội tỉnh cũng như các tuyến lộ liên kết với các tỉnh bạn.

Trong đó, đặc biệt là tranh thủ nguồn vốn từ nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển ĐBSCL, từ nguồn vốn vay 2 tỉ USD mà Chính phủ sẽ thực hiện trong nhiệm kỳ tới.

Cá nhân tôi cũng thấy vui mừng khi nhìn thấy sự quan tâm đầu tư rất lớn của Trung ương cho miền Tây Nam Bộ trong thời gian tới đây. Cầu Đại Ngãi sẽ được khởi công, hiện thực hóa giấc mơ ngàn đời của người dân Sóc Trăng đôi bờ sông Hậu. Các dự án cao tốc nối TP.HCM với miền Tây, các tuyến đường ven biển, đường liên tỉnh cũng sẽ được đầu tư mạnh mẽ.

Với khát vọng được đóng góp và nhìn thấy sự thay da đổi thịt của Sóc Trăng và ĐBSCL, tôi rất mong nhận được sự tín nhiệm của cử tri trong kỳ bầu cử này.

Đấu tranh không khoan nhượng với các biểu hiện tiêu cực

Vậy khi làm ĐBQH khóa 13, ông đã có những đóng góp, dấu ấn gì để lại trong lòng cử tri?

Tôi không dám nhận mình đã để lại dấu ấn gì trong khóa 13 nhưng có một kỷ niệm và cũng là niềm tự hào mà tôi nhớ mãi.

Năm 2012, ở Sóc Trăng tình hình dịch bệnh tôm sú đã gây thiệt hại cho nông dân hơn 4.000 tỷ đồng, kéo theo nhiều nhà máy hoạt động cầm chừng do thiếu nguyên liệu. Nhưng những người nuôi tôm lại hoàn toàn không nằm trong diện được hưởng cơ chế ưu đãi theo chỉ đạo của Thủ tướng về chính sách đối với chăn nuôi và thủy sản khi đó.

Mặt hàng cá tra dù có tên trong danh sách được hưởng vốn vay ưu đãi nhưng do chủ trương triển khai chậm và ràng buộc các điều kiện về thế chấp tài sản, nên DN và nông dân không thể tiếp cận được nguồn vốn.

Đây là những mặt hàng chiến lược của các tỉnh ĐBSCL nhưng lại đang có nguy cơ tụt hậu, thụt lùi bởi sản xuất doanh nghiệp trong vùng bị "teo tóp", nội lực sản xuất của người dân đã giảm sút.

Chính vì vậy, tại phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình ngày 13/11 năm đó, tôi đã mạnh dạn đặt câu hỏi: “Tới đây, Ngân hàng Nhà nước có chính sách hỗ trợ con tôm như đối với cá tra là giãn nợ tối đa 24 tháng và hạ lãi suất đối với khoản vốn đã vay?”.

Thống đốc trả lời: “Chúng tôi sẽ nhanh chóng có đánh giá, cùng phối hợp với Bộ NN&PTNT để bổ sung con tôm vào danh mục này”.

Rất mừng là ngay 1 tháng sau, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành về giải quyết khó khăn đối với sản xuất và tiêu thụ cá tra và tôm.

{keywords}
Ông Trần Khắc Tâm, ứng cử viên ĐBQH tiếp xúc cử tri tại đơn vị bầu cử số 1 của tỉnh Sóc Trăng (TP Sóc Trăng và các huyện Châu Thành, Kế Sách, Long Phú, Cù Lao Dung)

Phó Thủ tướng đồng ý bổ sung đối tượng là doanh nghiệp, hộ gia đình, tổ chức, cá nhân nuôi và chế biến, xuất khẩu tôm được hưởng chính sách như tôi kiến nghị. Đây thật sự là “chiếc phao” cho các vựa tôm đang lao đao ở ĐBSCL lúc bấy giờ.

Một trong những điều cử tri mong muốn là người đại biểu của mình dám nói thẳng, nói thật, không ngại va chạm hay né tránh những vấn đề cử tri bức xúc. Ông sẽ hiện thực hóa mong muốn của cử tri như thế nào khi trúng cử ĐBQH?

Điều mà tôi luôn tâm niệm khi ra ứng cử, đó luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thường xuyên tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri.

Tôi sẽ thu thập và phản ánh trung thực ý kiến của cử tri với Quốc hội và cơ quan nhà nước hữu quan, với HĐND và chính quyền địa phương.

Vì quyền và lợi ích chính đáng của cử tri, tôi sẵn sàng đấu tranh không khoan nhượng với các biểu hiện tiêu cực, suy thoái trong bộ máy chính quyền các cấp; sống trung thực, lành mạnh, giữ gìn hình ảnh người đại biểu của nhân dân.

Tôi sẵn sàng góp tiếng nói với Quốc hội, Chính phủ, HĐND tỉnh cho các mục tiêu cải cách, đổi mới nền hành chính quốc gia, đơn giản hoá thủ tục hành chính, tinh gọn bộ máy, xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, xã hội số…, nhằm phục vụ quyền lợi của người dân và DN.  

Là người mang trong trái tim 3 dòng máu Kinh - Hoa - Khmer, tôi hứa sẽ tham gia tích cực vào các phong trào xã hội, các đoàn thể chính trị - xã hội, các đoàn thể quần chúng, hoà mình vào cuộc sống đồng bào các dân tộc, vừa giữ gìn truyền thống của gia đình, thuần phong mỹ tục và bảo vệ văn hoá truyền thống các dân tộc trên quê hương Sóc Trăng.

Thu Hằng

Tân Chủ tịch Quốc hội và 'thần linh pháp quyền'

Tân Chủ tịch Quốc hội và 'thần linh pháp quyền'

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ bày tỏ niềm tin rằng, các vị mới được bầu, phê chuẩn tại kỳ họp này sẽ nêu cao tinh thần năng động, sáng tạo, ý chí dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm...