Đã có vô số bài viết, bài phát biểu đăng trên báo chí phê phán, đả phá các rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp, nhất là với khối doanh nghiệp tư nhân. Những rào cản đó là sự bất cập về chủ trương, chính sách; là các nạn giấy phép con; thanh tra, kiểm tra; tệ hành chính, quan liêu… của công chức, viên chức đối với doanh nghiệp.
Ngoài các rào cản trên đây còn có một rào cản rất lớn, đó là “nhóm lợi ích”. Đây là thế lực mạnh nhất, đang lũng đoạn nền kinh tế đất nước, và tất nhiên là rào cản lớn nhất trong việc đảm bảo một môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng cho doanh nghiệp.
“Nhóm lợi ích” thực chất là sự cấu kết, thông đồng giữa những doanh nhân giàu có với những người có quyền lực trong bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị để bòn rút tài sản nhà nước, của nhân dân nhằm.
Sự cấu kết này làm cho người có tiền trở thành người quyền lực chi phối và người có quyền lực sẽ trở thành người có rất nhiều tiền, không chỉ để họ trở nên giàu có mà còn có tiềm lực tham gia “thị trường” mua quan bán chức để chui sâu leo cao. Họ cùng chung mục tiêu thao túng được thật nhiều quyền lực và thật nhiều tiền.
Còn có một rào cản rất lớn, đó là “nhóm lợi ích”. Ảnh minh họa |
Những lãnh đạo có vai trò chủ chốt nhưng tha hóa ở các cơ quan các cấp mới có vai trò chi phối để cấu kết với doanh nghiệp hình thành “nhóm lợi ích”. Từ đó đồng tiền bất minh cộng với quyền lực được sử dụng vào mục đích bất chính tạo thành sức mạnh khống chế, lũng đoạn tổ chức và xã hội.
Hiện nay, “nhóm lợi ích” ở nước ta đã và đang diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế, bao gồm quản lý doanh nghiệp nhà nước, quản lý dự án đầu tư, nhất là đầu tư công; quản lý ngân sách, thuế, quản lý ngân hàng - tín dụng; quản lý các nguồn vốn và chương trình đầu tư về xã hội; quản lý tài sản, đất đai, bất động sản, tài nguyên khoáng sản, xuất nhập khẩu; quản lý biên chế, nhân sự;…
Một trong những hình thức biểu hiện của “nhóm lợi ích” là doanh nghiệp sân sau. Hình thức này có ở mọi cấp, mọi ngành, trên mọi lĩnh vực. Từ việc bố trí đến sắp xếp dự án đầu tư; quản lý các nguồn vốn, chương trình đầu tư xã hội; chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng đất công, cổ phần hóa doanh nghiệp… Và có mặt ở tất cả các loại hình doanh nghiệp, từ doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước đến doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Rất nhiều quan chức có doanh nghiệp sân sau và một quan chức có rất nhiều doanh nghiệp sân sau. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn chỉ ra: "Có ông không chỉ một sân sau mà còn 2, 3 thậm chí là 13-14 sân sau.”
Ưu thế của doanh nghiệp sân sau khi tham gia thực hiện các dự án, do được người nắm quyền lực ưu ái nên hầu hết các dự án được chỉ định thầu, thiếu công khai minh bạch.
Theo VietNamNet, số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết, chỉ riêng năm 2017, cả nước có 221.469 gói thầu, trong đó có tới 153.280 gói thầu được chỉ định thầu, chiếm 69%.
Không công khai minh bạch trong kinh doanh của các doanh nghiệp sân sau, nhất là các doanh nghiệp bất động sản, dẫn đến một khối lượng tài sản khổng lồ của Nhà nước rơi vào túi cá nhân. Nếu khối tài sản này được thống kê chính xác, đầy đủ và công khai thì chắc chắn gây sốc cho hầu hết mọi người, dù có thần kinh vững đến mấy.
Năm 2018, Bộ Tài chính chỉ thanh tra 60 dự án doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, với diện tích 834.000m2 đất sản xuất chuyển đổi thành cao ốc, trung tâm thương mại, tất cả đều có dấu hiệu làm thất thu rất lớn cho ngân sách nhà nước.
Nhiều lô đất được phê duyệt để xây chung cư cao cấp với mức giá chỉ 20 - 40 triệu đồng/m2, trong khi giá thị trường lên tới hàng trăm triệu đồng/m2, tài sản nhà nước bị định giá rẻ đi nhiều lần.
Tham nhũng thông qua doanh nghiệp sân sau không chỉ gây tổn thất nặng nề cho nền kinh tế mà còn để lại hệ lụy tiêu cực về chính trị, xã hội. Bởi vậy, loại doanh nghiệp này không những không giúp ích cho dân cho nước, là rào cản không chỉ đối với các doanh nghiệp kinh doanh chân chính mà còn đối với sự phát triển của đất nước.
Một trong những hình thức biểu hiện của “nhóm lợi ích” là doanh nghiệp sân sau. |
Xin nêu một vài ví dụ về tình trạng doanh nghiệp sân sau thao túng đất đai trong hàng chục năm qua.
Năm 2008, khi tỉnh Hà Tây chuẩn bị sáp nhập về TP. Hà Nội, chỉ trong một thời gian rất ngắn, lãnh đạo Hà Tây lúc bấy giờ đã ký cấp phép đầu tư ồ ạt hàng trăm dự án xây dựng khu đô thị trên địa bàn Thành phố Hà Đông (nay là quận Hà Đông) và các huyện của tỉnh Hà Tây cũ tiếp giáp với Hà Nội, với giá đất rẻ mạt làm dư luận xôn xao.
Hay như các vụ mua bán, chuyển nhượng đất dẫn đến các đại án tham nhũng như ở TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang; hoặc của các ngành Công an, Quân đội, Lâm nghiệp…
Công thổ quốc gia là sở hữu toàn dân đã bị một nhóm những kẻ có quyền lực biến chất, bảo kê bằng những công văn đóng dấu "Mật", "Tuyệt Mật" vượt qua sự nghiêm minh của pháp luật, biến thành tư hữu.
Đó là nguyên nhân vì sao hầu hết các doanh nghiệp bất động sản ở Việt Nam trở nên giàu có nhanh chóng, rất nhiều người trở thành triệu phú USD.
Đất đai quốc gia bị các “nhóm lợi ích” thâu tóm, không chỉ gây thất thoát nguồn tài sản khổng lồ mà còn để lại những hậu quả nặng nề về chính trị, xã hội; gây bất công xã hội sâu sắc, gây bất bình trong nhân dân.
Theo số liệu của Thanh tra Chính phủ, lĩnh vực đất đai, nhà ở luôn chiếm tỷ lệ cao nhất trong các vụ khiếu kiện. Cụ thể năm 2011: 82%; năm 2012: 89%; năm 2013: 60,9%, năm 2016: 70%.
Còn theo Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong 6 tháng đầu năm 2017, Thanh tra Bộ đã nhận 1.539 lượt đơn khiếu nại, trong đó, lĩnh vực đất đai vẫn chiếm số lượng nhiều nhất, với tỷ lệ 95,26%.
Có những vụ khiếu kiện căng thẳng, kéo dài hơn 20 năm và đến nay vẫn chưa giải quyết xong như Thủ Thiêm, TP. Hồ Chí Minh, Dương Nội, TP. Hà Nội.
Cũng vì doanh nghiệp sân sau, vì “nhóm lợi ích” mà không chỉ quốc gia thất thoát về tài sản, mà Đảng và Nhà nước cũng mất hàng loạt cán bộ, trong đó có rất nhiều cán bộ cấp cao, nhiều tướng lĩnh Công an, Quân đội rơi vào vòng lao lý hoặc bị kỷ luật như Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến cựu Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng; Nguyễn Thành Tài nguyên Phó Chủ tịch UBND, Tất Thành Cang nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành Ủy TP. Hồ Chí Minh; Phan Thị Mỹ Thanh, cựu Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai;… Không chỉ mất tài sản, mất cán bộ, điều nguy hại hơn là niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ bị bào mòn nghiêm trọng.
Hậu quả “nhóm lợi ích” gây ra, không dừng lại ở những mất mát trên đây, mà còn đưa đất nước và chế độ đứng trước những nguy cơ và hậu quả khôn lường.
Nguy cơ và hậu quả đó được tổng kết trong bài viết "Lợi ích nhóm và Chủ nghĩa tư bản thân hữu - cảnh báo nguy cơ” đăng ở tạp chí Cộng sản (tháng 6/2015): “Mặc dù Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều cố gắng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhưng thực tế xã hội vẫn diễn ra một tình hình rất đáng lo ngại là ở nước ta đang có nguy cơ chuyển biến dần dần sang “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, do hoạt động của “nhóm lợi ích” gây nên. Cũng có ý kiến cho rằng nước ta đã rơi vào “chủ nghĩa tư bản thân hữu” rồi, đã vào sâu lắm rồi (?).
Ở các nước, việc quản lý nhà nước và việc điều hành kinh tế tách biệt rành mạch, và ở họ doanh nghiệp nhà nước cũng ít hơn ta. Còn ở ta, với đặc điểm cơ quan nhà nước vừa quản lý về mặt nhà nước, vừa trực tiếp điều hành kinh tế, doanh nghiệp nhà nước nhiều, lại yếu kém trong quản lý, không ít trường hợp đằng sau cái vỏ doanh nghiệp nhà nước là tư nhân núp bóng, vì vậy, đề phòng “lợi ích nhóm” ở Việt Nam còn phức tạp hơn các nước khác, nếu không đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả.
Đây là nguy cơ lớn nhất đang hiện hữu dần, đe dọa sự phát triển lành mạnh của đất nước và sự tồn vong của chế độ theo định hướng xã hội chủ nghĩa (lành mạnh). Nguy cơ này bao trùm, đáng lo hơn bất kỳ sự đe dọa nào, tác động chi phối chính, làm trầm trọng các nguy cơ khác, tạo điều kiện cho các nguy cơ khác phát triển và gây tác hại. Đây là điểm lớn nhất, cốt lõi nhất của cuộc đấu tranh về quan điểm lập trường; là trọng tâm trong chống “tự diễn biến”.
Nếu Đảng và Nhà nước ta không ngăn chặn được hoạt động của “nhóm lợi ích”, để nó tiếp tục phát triển, dẫn đến lũng đoạn ngày càng lớn hơn thì sự phát triển của đất nước bị nguy khốn và chế độ chính trị sẽ thay đổi theo hướng xấu, vào “chủ nghĩa tư bản thân hữu”.
Khát vọng và hy sinh xương máu của hàng triệu đảng viên và nhân dân trong giải phóng và xây dựng đất nước sẽ trở nên xa vời, bị phản bội; mong muốn thiết tha của Bác Hồ cũng không thực hiện được. Vai trò của Đảng sẽ bị thách thức; vai trò Nhà nước sẽ bị thương mại hóa, biến chất; dân tộc sẽ bị bóc lột, bị tước đoạt về quyền lực và tài sản của cải; chế độ xã hội sẽ trở thành không còn dân chủ và tự do; quyền lực và vật chất sẽ chỉ tập trung vào một nhóm nhỏ.
Lúc này, hơn lúc nào hết, cần nhận thức rõ nguy cơ này và có quyết tâm bảo vệ quyền lợi dân tộc, không để “nhóm lợi ích” và “chủ nghĩa tư bản thân hữu” thao túng.
Nguyễn Huy Viện