Xem lại bài 1Ẩn dụ mới và những thách thức dị thường

Niềm vui và cơ sở           

Ngày 30/12 đánh dấu một mốc mới trong chặng đường hội nhập của Việt Nam: Sau hơn 10 năm đàm phán, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái bình Dương trong đó Việt Nam là một thành viên chính thức có hiệu lực. CPTPP là hiệp định thương mại với nhiều điều khoản táo bạo, chiếm 13,5% GDP và 15,2% kim ngạch thương mại toàn cầu. Người ta vẫn thường nói CPTPP là cuộc đua lên đỉnh, tức hướng tới các tiêu chuẩn cao chứ không phải cuộc đua xuống đáy, tìm kiếm giá thành rẻ bằng các tiêu chuẩn thấp.

EVFTA, một hiệp định thương mại tự do Thế hệ mới khác, giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam, có thể được phê chuẩn vào năm 2019, cho phép giảm 99% thuế quan đối với tất cả các mặt hàng, dù một số sẽ theo thời gian, lộ trình cụ thể và một số sẽ theo hạn ngạch.

Điều này cho thấy nỗ lực hội nhập, liên kết kinh tế sâu rộng của Việt Nam. Năm 2018 giá trị trao đổi thương mại vượt gấp 2 lần GDP của đất nước, tỉ lệ cao nhất châu Á, ngoại trừ Xingapo, một chỉ số cho thấy độ mở cao của nền kinh tế.

Tâm thế đưa con thuyền đi nhanh và táo bạo hơn về phía trước thể hiện qua hàng loạt sáng kiến. Vào tháng 3, Việt Nam đề xuất tổ chức Thượng đỉnh Doanh nghiệp bên lề Diễn đàn Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS 6), đưa các cuộc thảo luận chính sách gần hơn với hơi thở của đời sống thực. Kết quả, hàng trăm tập đoàn kinh tế trong khu vực và trên thế giới đã tới tham dự. Tại Cấp cao ASEAN 33, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu 3 sáng kiến của Việt Nam về kết nối nền tảng dữ liệu số, hài hòa giá cước di động, lập Đại học công nghệ ASEAN và xây dựng mạng lưới thông tin cảnh báo sớm thiên tai ở khu vực.

Cũng trong khuôn khổ ASEAN, các hoạt động của Việt Nam năm qua đều đề cao vai trò trung tâm của Hiệp hội trong quá trình xây dựng cấu trúc khu vực mở, bao hàm, có lợi cho hòa bình ổn định chung. Điều này đáng ghi nhận trong bối cảnh các nước lớn đang triển khai các sáng kiến riêng, ví dụ như Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Mỹ hay Sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc, đặt ra vấn đề liệu ASEAN có còn là người cầm lái trong tiến trình khu vực.

Sự tích cực, chủ động được Việt Nam chứng minh bằng hành động cụ thể. Ví dụ như trong tháng 10, Việt Nam đã cử Bệnh viện dã chiến cấp 2 tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình tại Nam Xu đăng. Trước đó Việt Nam đã cử nhân lực tham gia các phái bộ của Liên hợp quốc. Gìn giữ hòa bình về bản chất là hội nhập an ninh quốc tế, một phần quan trọng trong chiến lược hội nhập toàn diện của Việt Nam. Ở một góc độ khác, ngày 18/12, với số phiếu 153/193, lần đầu tiên Việt Nam trúng cử vị trí thành viên của Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc.

Tháng 3, với việc nâng cấp quan hệ với Ôxtrâylia, Việt Nam chính thức có quan hệ đối tác chiến lược với 16 nước. Các quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các dạng thức quan hệ phong phú khác góp phần tạo mạng lưới đan xen lợi ích sâu rộng. Chính việc đa dạng hóa các đối tác và thị trường đã giúp Việt Nam ít bị tác động hơn từ sự rung lắc trong hệ thống thương mại đa biên toàn cầu hiện nay.

Đặc biệt, với tốc độ tăng trưởng GDP 7,08%, Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực. Tăng trưởng ấn tượng của Việt Nam trước hết xuất phát từ nội lực nhưng rõ ràng Việt Nam đã tận dụng thành công lợi thế châu Á-Thái Bình Dương với tư cách là động lực tăng trưởng chính, đi đầu trong hội nhập và liên kết kinh tế toàn cầu.

Nỗi lo và ứng phó

Trong năm 2018, Việt Nam đã đối mặt và xử lý ít nhất 4 thách thức lớn trong môi trường an ninh, đối ngoại:

Thứ nhất, chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo hộ, cạnh tranh nước lớn, tính khó đoán định của các quyết sách, thể hiện qua cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, đã khiến cục diện thế giới, khu vực phức tạp hơn so với 2017.

Từ chỗ ban đầu thấy những cơ hội xuất hiện do cả hai nước này có nhu cầu tìm kiếm thị trường thay thế, Việt Nam đã đánh giá bĩnh tĩnh, cân bằng và thận trọng hơn. Những cơ hội thị trường hay đầu tư chỉ mang tính ngắn hạn vì về lâu dài có tận dụng cơ hội, hóa giải được thách thức hay không còn phụ thuộc vào các điều kiện như: chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không phá vỡ hệ thống thương mại toàn cầu hay rộng hơn là việc quản trị khủng hoảng có ngăn được vòng xoáy cuốn theo các nước vừa và nhỏ, Việt Nam giữ được tỷ giá đồng tiền ổn định do hối đoái là lĩnh vực dễ bị tác động mạnh (từ đó dẫn đến nhiều hệ quả, ví dụ nợ công tăng cao) và quan trọng nhất là năng lực chống chịu và thích nghi của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh có nhiều bất định và cả những sự cố lớn có thể xảy ra (Thiên nga đen). 

{keywords}
Việt Nam đã vượt qua nhiều con sóng lớn của năm 2018, giữ con thuyền quốc gia đi đúng hướng. Ảnh minh họa: Zing News

Thứ hai, về vấn đề biển Đông, thách thức an ninh hàng đầu, tuy năm qua không có các biến cố lớn trên bề mặt nhưng do mật độ phương tiện tại khu vực tăng nên nguy cơ xảy ra xung đột cao hơn. Cần lưu ý là gốc rễ vấn đề chưa được giải quyết.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã cố gắng thực hiện chủ trương “kiên trì, kiên quyết”, thông qua đối thoại, sử dụng các biện pháp hòa bình, không đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực, đề cao luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS 1982. Không nằm ngoài dự đoán, việc tuân thủ luật pháp quốc tế và quá trình đàm phán một văn bản COC thực chất có hiệu lực không dễ dàng. Riêng với COC bên cạnh mặt thách thức cũng có những tiến triển ban đầu với việc các bên thông qua văn bản đàm phán duy nhất.

Các nước thành viên ASEAN đạt mục tiêu duy trì lập trường chung dưới vai trò Chủ tịch luân phiên của Xingapo. Trong khi tìm giải pháp lâu dài, các bên, trong đó có Việt Nam đã bày tỏ sự lo ngại về các vấn đề có liên quan mật thiết như việc xây đảo nhân tạo, quân sự hóa, khai thác tài nguyên biển thiếu bền vững, rác thải nhựa, tự do, an toàn an ninh hàng hải, hàng không.

Thứ ba, tuy nhận thức vấn đề đã rõ hơn nhưng chưa xuất hiện một giải pháp tổng thể, lâu dài cho vấn đề an ninh nguồn nước sông Mê Công. Các cơ chế Lan Thương-Mê Công hay Mê Công-Nhật Bản phát triển nhanh nhưng một cơ chế quan trọng khác là Ủy hội Mê Công lại chưa được các nước tham gia đầy đủ.

Trong khi đó, đồng bằng sông Cửu Long liên tiếp chịu các loại hình thiên tai khắc nghiệt như lũ, hạn mặn, sạt lở, nước biển dâng. Tác động của các đập thủy điện thượng nguồn hiện vẫn chưa đánh giá được hết. Một dự báo rùng mình, nếu không được khắc phục, đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị xóa sổ vào cuối thế kỷ. Để ứng phó, Việt Nam đã thể hiện vai trò tích cực tại Thượng đỉnh Mê Công-Nhật Bản vào tháng 10, đề xuất lập Mạng lưới sáng tạo Mê Công-Nhật, kết nối hạ tầng cứng và và hạ tầng mềm giữa các nước tiểu vùng và với bên ngoài.

Tương tự, tại Cấp cao Mê Công-Lan Thương lần thứ 2 vào tháng 1 (6 nước thành viên gồm Trung Quốc và 5 nước hạ nguồn Campuchia, Lào, Mianma, Thái Lan và Việt Nam), Việt Nam đã được các nước hưởng ứng với đề xuất sử dụng, quản lý bền vững nguồn nước, trong đó có việc tăng cường chia sẻ thông tin và số liệu khí tượng thủy văn.

Thứ tư, trong năm qua Việt Nam tiếp tục phải tìm lời giải cho hàng loạt các vấn đề có tác động đến khả năng hội nhập trong trung và dài hạn. Các vấn đề đó là dân số đang già hóa (chưa giàu đã già), khoảng cách giàu nghèo gia tăng, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, giáo dục chưa bắt kịp chuẩn quốc tế, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Việt Nam đang ở giai đoạn sau của dân số vàng nhưng tốc độ già hóa đang vào loại nhanh nhất thế giới.

Dự báo khoảng 3 thập kỷ tới thì gần ¼ dân số sẽ trên 60 tuổi. Đây sẽ là thách thức thực sự, nhất là đối với khu vực phụ thuộc vào nông nghiệp, nơi người lao động không có lương hưu và bảo hiểm y tế. Nguồn nhân lực Việt Nam chưa đủ trình độ để tận dụng hết các cơ hội di chuyển lao động và tay nghề cao do các hiệp định FTA mang lại.

Báo cáo năm 2018 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho biết Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng cho cuộc cánh mạng 4.0, chỉ xếp thứ 70/100 về nguồn nhân lực và 81/100 về lao động có chuyên môn cao, sau Malaixia, Thái Lan và Philípin. Chính vì vậy, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực lao động, giáo dục, môi trường đã trở thành một ưu tiên lớn của Chính phủ trong năm 2018. Ví dụ, một trong những nội dung trọng tâm của quan hệ Việt Nam-Ôxtrâylia vừa được nâng cấp là giáo dục và công nghệ. Hàng chục chuyến thăm, gặp gỡ cấp cao trong năm qua cũng đều chú trọng tới những nội dung này, nhất là với các nước lớn, các nước có trình độ tiên tiến.

Kỳ vọng 2019

Nếu như 2018 là năm tạo đà, 2020 là năm của các mục tiêu quan trọng thì 2019 có thể xem như là năm chạy nước rút, ví dụ với công tác chuẩn bị cho chức Chủ tịch ASEAN 2020 và thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021.

Việt Nam đã vượt qua nhiều con sóng lớn của năm 2018, giữ con thuyền quốc gia đi đúng hướng. Nhưng phía trước vẫn còn những yếu tố khó đoán định, có thể có mây mù, bão và xoáy nước.

Giải pháp đề xuất là tiếp tục nâng cao năng lực bên trong, đồng thời phát huy lợi thế so sánh, bổ sung, tạo đan xen lợi ích với các đối tác bên ngoài. Thực sự cầu thị để học hỏi cái hay, cái mới của thế giới. Đi vào các lĩnh vực cụ thể cần có những ưu tiên và đột phá ngoài khuôn khổ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói, chúng ta không đặt tham vọng là người giỏi nhất nhưng chúng ta muốn là bạn với những người giỏi nhất. Việc giải phóng nguồn lực sẽ đóng vai trò mấu chốt.

Nhờ yếu tố chủ quan, thế giới đã có những câu chuyện thần kỳ. Trong hơn 40 năm qua, GDP Trung Quốc tăng hơn 900 lần. Trước đó là mô hình đàn sếu bay Đông Á. Xingapo đi lên từ một làng chài. Sau 30 năm Đổi mới, từ nghèo nàn, lạc hậu, Việt Nam đang có điều kiện trở thành một nước tầm trung. Hay nói cách khác, những điều thần kỳ có thể xảy ra. Bởi vậy, chúng ta có quyền hy vọng vào 2019 và sau đó./.

Thạch Hà