- Việc thúc đẩy hình thành tứ giác kim cương còn có ý nghĩa đặc biệt trong chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ.

Kỳ 1Mỹ không thể đối phó Trung Quốc theo kiểu thời chiến tranh lạnh 

Với chiến lược “Xoay trục” (Pivot) và “Tái cân bằng” (Rebalance), cựu Tổng thống Obama đã hướng trọng tâm chính sách đối ngoại Mỹ từ khu vực châu Âu sang châu Á-Thái Bình Dương như một cách đảm bảo và giữ vững vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ.

Tuy nhiên, đến thời Tổng thống Donald Trump, ông đã bỏ đi nhiều khía cạnh trong sự cân bằng của chính quyền Obama đối với châu Á, bao gồm cả việc rút Mỹ ra khỏi TPP và tuyên bố nó “đã chết”. Thay vào đó, chính quyền Trump đang cố gắng xây dựng chiến lược châu Á bằng một cách tiếp cận khác so với sự “tái cân bằng” - đó là một “Ấn -Thái tự do và rộng mở”.

Ý tưởng về một “Ấn-Thái tự do và rộng mở” mặc dù vẫn chưa được cụ thể hóa, song sự tự do hàng hải luôn được nhấn mạnh. Việc bổ sung, tăng cường các mối quan hệ song phương, các cơ chế bốn bên và khu vực sẽ góp phần đẩy mạnh hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa các nước.

Tại Đối thoại Shangri La thường niên lần thứ 17 ở Singapore năm 2018, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết, cùng với Ấn Độ, ASEAN, các đồng minh và các đối tác khác, Mỹ luôn nỗ lực xây dựng một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, thịnh vượng, nơi chủ quyền và lãnh thổ được toàn vẹn. Ông khẳng định đây là khu vực Mỹ dành nhiều sự ưu tiên, và Chiến lược Ấn-Thái sẽ đóng góp đáng kể cho an ninh, kinh tế và sự phát triển của khu vực, trên cơ sở các quy tắc chung.

Sự tích cực từ Ấn Độ

Chính phủ Ấn Độ đang tỏ ra tích cực với Chiến lược Ấn-Thái. Thông qua việc hình thành tứ giác kim cương, vị thế của Ấn Độ trên trường quốc tế sẽ được nâng cao. Khi đó, an ninh của quốc gia này cũng sẽ được mở rộng đến khu vực Đông Nam Á và Đông Á.

Về lâu dài Ấn Độ sẽ tích cực phối hợp với Mỹ và các bên có liên quan trong việc triển khai và vận hành Chiến lược Ấn-Thái. Đây là cách tốt nhất để tăng cường sự hiện diện về mặt quân sự tại khu vực bờ Tây Thái Bình Dương. Đồng thời sự hợp tác này sẽ ít nhiều bảo đảm được lợi ích cốt lõi của Ấn Độ tại khu vực Ấn Độ Dương.

Chiến lược Ấn-Thái còn thể hiện mong muốn của Nhà Trắng trong việc tăng cường quan hệ đối tác với ba nước chủ yếu trong khu vực là Ấn Độ, Nhật Bản và Úc. Đặc biệt, trong mối quan hệ với Ấn Độ, Mỹ đã thể hiện nhiều mong muốn thắt chặt quan hệ với quốc gia này. Tháng 8/2017, Mỹ - Ấn tuyên bố sẽ xây dựng cơ chế đối thoại “2+2” giữa Bộ Ngoại giao và Quốc phòng của hai nước, xem Ấn Độ là đối tác hợp tác quốc phòng chủ yếu của Mỹ.

Ngoài ra, Mỹ còn thể hiện động thái ngày càng đánh giá cao vai trò của Ấn Độ trong các chiến lược quốc gia, như đổi tên Tư lệnh Thái Bình Dương thành Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương; tăng cường hợp tác quốc phòng với tổng giá trị mua lại quốc phòng từ Bộ Quốc phòng Mỹ đạt trên 13 tỷ đô la; công nhận Ấn Độ là “Đối tác phòng thủ lớn” và cam kết sẽ tạo điều kiện chia sẻ công nghệ với Ấn Độ như với các đồng minh và đối tác gần nhất, v.v. Có lẽ, Mỹ đang dần đưa Ấn Độ thành một đối trọng an ninh đối với Trung Quốc ở châu Á.

Đáp lại thiện chí của Mỹ, Ấn Độ đã thể hiện sự chia sẻ lợi ích và hợp tác với Mỹ trong việc ngăn chặn những tham vọng của Trung Quốc. Mặc dù không tranh chấp với Trung Quốc trong vấn đề biển Đông, song Ấn Độ đã triển khai “Chính sách Hướng Đông” nhằm tập trung mở rộng mối quan hệ với các nước khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Trước hết là ngầm thể hiện sự lên tiếng và phản đối những hành động bành trướng của Trung Quốc. Thứ hai từng bước thể hiện vai trò của một nước lớn trong vấn đề an ninh, an toàn của khu vực.

Ngoài ra, Ấn Độ cũng có một lực lượng hải quân lớn có thể hỗ trợ Mỹ đạt được mục tiêu tự do hàng hải và buôn bán ở khu vực này. Ấn Độ có đủ tiềm năng, năng lực trong việc thực hiện sự tự do và rộng mở ở khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Đổi lại, chiến lược của Mỹ có thể đảm bảo cho Ấn Độ trở thành một người chơi có ảnh hưởng rõ ràng hơn trong khu vực.

Vai trò của Tứ giác kim cương

Bên cạnh đó, việc thúc đẩy hình thành tứ giác kim cương còn có ý nghĩa đặc biệt trong chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ. Như đã trình bày ở trên, ý nghĩa trong việc hình thành và vận hành tứ giác kim cương là nhằm hạn chế và cân bằng sức ảnh hưởng từ xa của Mỹ đối với Trung Quốc. Trong đó có thể nhận ra Nhật Bản sẽ là nhánh hạn chế Trung Quốc từ phía Đông, Ấn Độ là nhánh ở phía Tây, Úc là phía Nam. 

{keywords}
Tập trận RIMPAC 2018 có sự tham gia của Mỹ, Nhật, Úc, trong khi Mỹ đã rút lời mời Trung Quốc tham gia. Ảnh: News.com.au

Tất cả cơ chế hoạt động và vận hành của tứ giác này sẽ đặt lợi ích an ninh toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương lên trên hết, mà dẫn dắt tứ giác này không ai khác ngoài Mỹ. Mỹ đang dọn đường cho một liên minh rộng lớn hơn trong tương lai mà ở đó nước sẽ giữ vai trò chủ đạo.

Chính quyền Trump tại APEC 2017 đã đề ra hàng loạt các vấn đề như các hiệp định thương mại, tái định hướng các vấn đề ngoại giao, chiến lược chính trị, trật tự thế giới, trật tự kinh tế, liên minh mới ra đời... Mục đích chính không gì khác ngoài việc tìm cách ngăn ngừa từ xa trước những đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Mỹ và nhanh chóng xác lập chỗ đứng của Mỹ trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump.

Tuy nhiên, những thay đổi này chưa thực sự mang tính thực tiễn. Sau khi rút khỏi TPP, Mỹ hầu như chưa đưa ra thêm được một chính sách thương mại mang tính chủ động nào. Việc đổi tên Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương thành Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương cũng chưa cho thấy sự thay đổi của quân đội Mỹ trong khu vực.

Ngoài ra, Chiến lược Ấn-Thái vẫn chưa đưa ra được các kế hoạch cụ thể trong việc tạo đối trọng với các hành động của Trung Quốc tại khu vực. Chính quyền Trump có nguy cơ tiếp tục mắc phải những sai lầm mà chính quyền Obama đã gặp phải trong việc “xoay trục” và “tái cân bằng”. Kết quả cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa mới đây liệu có tác động gì đến chiến lược này cũng là một câu hỏi được đặt ra.

Cố vấn Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ khu vực Châu Á dưới thời kỳ Tổng thống Obama ông Evan Mederios cho rằng "chiến lược Ấn - Thái của Trump hoàn toàn không rõ ràng, thiếu đi hợp tác kinh tế; mâu thuẫn trong thái độ về chính sách đối với Ấn Độ; có cả kế hoạch ngăn chặn những âm mưu bành trướng Trung Quốc. Tuy nhiên khi thăm chính thức Bắc Kinh thì Trump lại tỏ vẻ ra gần gũi, thân thiết. Có thể nói Chiến lược châu Á của ông ta ngày càng trở nên mơ hồ và khó hiểu".

Trước một quốc gia có tầm nhìn xa như Trung Quốc, Mỹ không thể giới hạn tầm nhìn của họ chỉ ở một vài khía cạnh như tài chính, quân sự, hay trong nhiệm kì của một tổng thống. Họ cần có những chiến lược dài hạn nhằm đảm bảo, duy trì vai trò lãnh đạo và vị trí chiến lược của mình tại khu vực Ấn-Thái trong đó bao gồm quốc phòng, ngoại giao và kinh tế. 


Trung Quốc đang ra sức xây dựng Chiến lược Vành đai và Con đường (OBOR) để nâng tầm ảnh hưởng ngày một lớn của mình tại khu vực. Đông Nam Á được xác định là ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh. Mỹ cũng truyền thông điệp về một “Ấn-Thái tự do và rộng mở” và coi Việt Nam là “trái tim của Ấn-Thái”.

Ở vị trí được xem như cửa ngõ ra Biển Đông cũng như ra Thái Bình Dương, Việt Nam cần có những cách thức xử lý phù hợp.

Thứ nhất, cần xây dựng các đối tác chiến lược vững mạnh, lâu dài và hiệu quả hơn. Cần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và cụ thể hóa các chương trình hợp tác và hành động về an ninh, quốc phòng, kinh tế, v.v… Chúng ta cần có sự hợp tác, ủng hộ từ các nước trên thế giới và khu vực trong vấn đề giải quyết tranh chấp biển Đông. Trong đó, đối tác chiến lược sẽ là một trong những lực lượng đắc lực để tìm ra giải pháp và hướng đi cho Việt Nam.

Thứ hai, cần có những chính sách, chiến lược cụ thể, khoa học trong việc tham gia vào các Tổ chức hợp tác khu vực và Hiệp định thương mại tự do. Đây sẽ là cơ sở để Việt Nam nhận định xu hướng hợp tác giữa các nước, từ đó tiến hành đa dạng hóa nền kinh tế và thương mại, hạn chế tối đa sự lệ thuộc vào một nền kinh tế nước ngoài mà trong đó Trung Quốc là một ví dụ.

Thứ ba, chúng ta cần tăng cường tính hiệu quả trong quan hệ với các nước láng giềng và các nước trong khu vực ASEAN. Cần củng cố niềm tin, trong đó tăng cường hiểu biết và chia sẻ khác biệt về thể chế chính trị nên được ưu tiên hàng đầu. Ngoài ra, cần tham gia tích cực vào các sáng kiến chung, sẵn sàng chia sẻ lợi ích cũng như trách nhiệm với các nước trong khối nhằm tạo nên hòa bình, ổn định lâu dài tại khu vực.

Nguyễn Tăng Nghị - Uông Thị Uyên

Mỹ “khoe” đã tìm ra “viên thuốc độc” để “trị” Trung Quốc

Mỹ “khoe” đã tìm ra “viên thuốc độc” để “trị” Trung Quốc

Đặt cạnh tranh Trung - Mỹ trong bối cảnh đó thì xung đột thương mại chỉ là “câu chuyện nhỏ”, còn câu chuyện lớn hơn là sự cạnh tranh chiến lược, đối đầu trực diện về mọi mặt, trong đó Mỹ là bên đóng vai trò chủ động.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: "Người phát bóng"

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: "Người phát bóng"

Nhiều nhà quan sát cuộc chiến tranh thương mại đồng ý rằng Mỹ đang là “người phát bóng” trong cuộc đấu này. Nhưng cuộc chơi vẫn còn dài.    

Biển Đông: TQ tham vọng kép, Mỹ cần hành động khẩn?

Biển Đông: TQ tham vọng kép, Mỹ cần hành động khẩn?

Các chuyên gia nhận định, Mỹ cần khẩn cấp tính đến một chiến lược hàng hải nghiêm túc nhằm chống lại cuộc xung đột vùng xám.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Các bên đều sẽ thua

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Các bên đều sẽ thua

Bàn về chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, GS. Jason Furman cho hay, rất nhiều người nói về việc bên sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến thương mại, câu trả lời là "không ai cả".