XEM CLIP:
Nhanh chóng cấp phép sinh hoạt tôn giáo
Đại tá Tráng A Tủa, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên cho biết, trên địa bàn tỉnh có 12.734 hộ với 72.879 người theo đạo Tin lành, Công giáo, Phật giáo sinh hoạt ở 412 điểm nhóm tại 636 thôn bản, 112 xã, phường, thị trấn, thị xã, thành phố.
Thời gian qua, các cấp chính quyền tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động tôn giáo của đồng bào theo đúng các quy định của pháp luật, không để phần tử xấu lợi dụng để kích động, lừa gạt, lôi kéo gây tình trạng mất an ninh chính trị, trật tự.
Đại tá Tráng A Tủa, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên |
Để bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, các cấp, ngành, cơ quan chức năng của tỉnh hàng năm đều tổ chức hội nghị tập huấn cho cán bộ chủ chốt của tỉnh, huyện, thị xã, thành phố, các xã trọng điểm, các chức sắc, chức việc. Tỉnh Điện Biên đã tổ chức 5 hội nghị gặp gỡ đối thoại với 304 người có uy tín, trưởng nhóm đạo để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các tín đồ, chức sắc, chức việc nhằm đưa ra giải pháp cho những vấn đề tồn tại theo nguyện vọng chính đáng của tín đồ.
Đặc biệt, với đạo Tin lành, chỉ sau 1 năm, số điểm nhóm được cấp phép hoạt động đã tăng hơn 40%. Việc triển khai các chính sách của Đảng, Nhà nước đã giúp giáo dân có nơi chốn sinh hoạt cộng đồng, đời sống ổn định, nâng cao nhận thức về tư tưởng kính Chúa, yêu nước, yêu thương lẫn nhau, chấp hành tốt pháp luật, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng cuộc sống mới.
Thay đổi nhiều so với trước
Ông Giàng Hồng Sinh (dân tộc Mông, bản Sima 2, xã Chung Chải) phụ trách truyền đạo của điểm nhóm Tin lành tại huyện Mường Nhé và tỉnh Điện Biên cho biết, bà con chủ yếu là di dân. Điểm nhóm ông phụ trách đăng ký sinh hoạt chính thức được 4 năm.
Ông Giàng Hồng Sinh giảng đạo trong ngôi nhà sinh hoạt chung tại bản Sima 2, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé |
"Bốn năm nay khác nhiều so với 6 năm trước. Sinh hoạt tôn giáo được tạo điều kiện, bà con có cơ sở để tập trung. Trước đây, khi chưa đăng ký thì giáo dân chủ yếu sinh hoạt tại gia. Chúng tôi có giáo lý, giáo luật, hiến chương nên được Nhà nước cấp phép sinh hoạt, được tự do truyền đạo cho giáo dân”, ông nói.
Điểm nhóm mà ông phụ trách truyền đạo, giáo dân chủ yếu làm nông nghiệp, có một số hộ đời sống kinh tế khá giả, nhưng cũng còn gia đình gặp khó khăn. Vào mỗi buổi chủ nhật sinh hoạt định kỳ, tại căn nhà gỗ khang trang rộng rãi, bà con cùng nhau trao đổi cách làm ăn kinh tế như trồng cây ăn quả, nuôi trâu bò và cả những biện pháp giữ gìn vệ sinh giữa tình hình dịch bệnh Covid-19; cùng nhau vui vẻ hát Thánh ca, nghe giảng về lòng kính Chúa, yêu nước, yêu thương con người, tuân thủ pháp luật…
“Tôi thường xuyên liên hệ và trao đổi công việc với lực lượng công an xã. Chính việc này tạo ra mối liên hệ chặt chẽ giữa điểm nhóm tôn giáo và các cấp chính quyền. Mường Nhé là một trong những nơi được cấp phép sinh hoạt tôn giáo nhanh nhất ở tỉnh Điện Biên”, ông Giàng Hồng Sinh cho biết.
Anh Vừ A Mua (dân tộc Mông, bản Sima 2) theo đạo Tin Lành từ năm 1992, trước anh ở Sìn Hồ (Lai Châu), năm 2009 di cư tới Mường Nhé.
Cuộc sống của anh Mua khi còn ở quê cũ gặp nhiều khó khăn do không có đất sản xuất. “Khi di cư về đây, cuộc sống khá hơn, tôi được cấp đất trồng lúa, hiện giờ gia đình đã đủ ăn. Kể từ 2016, nhờ các cấp chính quyền tạo điều kiện dựng nhà sinh hoạt chung, mọi người rất phấn khởi vì các tín đồ kính Chúa có nơi sinh hoạt chung vào chủ nhật hàng tuần, thường xuyên có khoảng 50-100 giáo dân tham gia sinh hoạt, cùng nhau trao đổi đức tin và các vấn đề trong cuộc sống”, anh nói.
Không còn lầm đường lạc lối
Anh Giàng A Du (bản Huổi Khon 1, xã Nậm Kè) là Phó điểm nhóm bản Huổi Khon 1, theo Hội thánh Liên hữu cơ đốc Việt Nam.
Anh kể, chính quyền đã tạo điều kiện giúp điểm nhóm có được đăng ký sinh hoạt tôn giáo, mở các lớp đào tạo bồi dưỡng Kinh thánh cho những người muốn trở thành mục sư, giúp họ có thể giảng dạy Kinh thánh chuyên sâu hơn, giúp bà con sống tốt đời đẹp đạo, không đi lầm đường lạc lối.
Điểm nhóm anh phụ trách đã có nhà sinh hoạt chung, nhiều giáo dân tham gia công tác Đảng, Đoàn. Bà con chủ yếu làm nương rẫy, được Nhà nước hỗ trợ các chương trình xóa đói giảm nghèo như trồng cây ăn quả, hỗ trợ trâu bò giống, cung cấp nước sạch sinh hoạt.
Ông Giàng Seo Tỏa (bản Mường Nhé 2, xã Mường Nhé) |
Bà con trong bản giờ đây chú tâm làm ăn, nuôi dưỡng con cái học hành, không muốn di cư nữa. Điểm nhóm của anh Giàng A Du có 58 hộ thì có khoảng 20 gia đình kinh tế khá giả. “Vào những dịp lễ như Giáng sinh, bên xã bên đoàn có cử người tham gia, tặng quà cho bà con giáo dân. Lúc xảy ra Covid-19, chính quyền xã đến từng nhà tuyên truyền hướng dẫn giãn cách, phát khẩu trang và nước rửa tay cho bà con, không được tụ tập đông người”, anh nói.
Ông Giàng Seo Tỏa (bản Mường Nhé 2, xã Mường Nhé) khi phát hiện những kẻ xấu tuyên truyền tà đạo đã căn dặn các thành viên trong gia đình và bà con trong bản không được nghe theo lời xúi giục.
"Mình từng đi học mục sư ở TP.HCM rồi. Mình hiểu và biết rồi nên không tin những điều xuyên tạc của tà đạo. Mình ở Bắc Hà, Lào Cai về đây sinh sống và giờ chả muốn đi đâu, chỉ thích ở đây phát triển kinh tế thôi", ông chia sẻ.
Nhờ chính quyền, các ban ngành, các cấp chủ động, tích cực đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; tăng cường đối thoại trực tiếp với người theo đạo; trực tiếp hỗ trợ bà con làm ăn kinh tế, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Mường Nhé đã tương đối ổn định, nhân dân các dân tộc đoàn kết một lòng, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tích cực lao động, sống tốt đời đẹp đạo, xây dựng quê hương.
Một số hình ảnh bà con giáo dân người Mông tại nhà sinh hoạt tôn giáo chung ở bản Sima 2, xã Chung Chải:
Hiền Anh
Về nơi giáo xứ treo cờ Tổ quốc, giáo dân được tặng vịt thoát nghèo
Đất lửa Quảng Bình những ngày đại lễ rợp cờ Tổ quốc ở nhiều cơ sở tôn giáo, nhà riêng của giáo dân. Tinh thần yêu nước không phân biệt dân tộc, tôn giáo được nhân lên qua việc treo cờ Tổ quốc.