Anh Lý Tư Xè (sinh năm 1983, dân tộc Hà Nhì, bản Nậm Pác, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, Điện Biên) năm 2005 bị bắt vì tội tàng trữ, buôn bán ma túy. “Tôi đã phạm sai lầm. Trong quá trình cải tạo, tôi suy nghĩ rất nhiều. Khi trở về, vợ tôi khuyên không đi vào đường cũ, tập trung chăn nuôi để phát triển kinh tế”, anh Xè nhớ lại.

{keywords}
Anh Lý Tư Xè mong muốn được chính quyền hỗ trợ con giống, cây giống và nhất là kiến thức làm ăn để giúp đồng bào thoát khỏi đói nghèo

Năm 2008, sau thời gian cải tạo tốt, anh được về với gia đình. Người dân trong bản và chính quyền địa phương luôn quan tâm chia sẻ, anh bắt tay vào gây dựng lại cuộc sống. Trước kia gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn, con cái nhỏ dại. Giờ đây, cả hai con của anh Lý Tư Xè đã học xong lớp 12, gia đình có ruộng nương cày cấy, chăn nuôi lợn gà và thoát nghèo.

Không chỉ gương mẫu đi đầu thực hiện chính sách, anh Xè với vai trò trưởng bản (được bầu năm 2015) đã luôn động viên bà con dân bản yên tâm ổn định đời sống, không di cư tự do nữa. Năm 2017, anh đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng và 2019 được bầu làm bí thư chi bộ bản Nậm Pác.

Bản có 37 hộ gia đình với 139 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Hà Nhì. Từ chỗ chỉ có 3-4 đảng viên nay chi bộ của bí thư Lý Tư Xè đã có 16 đảng viên, sinh hoạt chi bộ định kỳ một tháng/lần. “Giờ đây tôi chỉ mong muốn được chính quyền, cơ quan chức năng hỗ trợ con giống, cây giống và nhất là kiến thức, kinh nghiệm làm ăn để phát triển kinh tế, chia sẻ với bà con trong bản, giúp đồng bào thoát khỏi cuộc sống đói nghèo, sinh sống ổn định”.

Xóa bản trắng đảng viên

Mường Nhé là một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước, người dân tộc thiểu số chiếm tới 93,6% dân số toàn huyện (Mông 64,4%; Hà Nhì 11,7%, Thái 10%; còn lại là các dân tộc khác); đời sống nhân dân các dân tộc còn nhiều khó khăn.

Do có đất đai màu mỡ, đất rộng người thưa nên từng xảy ra tình trạng dân từ các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Sơn La, Yên Bái ồ ạt di cư vào Mường Nhé. Dân di cư tự do gây ra một số vấn đề phức tạp về an ninh trật tự.

Ông Vùi Văn Nguyện, Chủ tịch UBND huyện cho biết, những năm qua, huyện đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành và tỉnh Điện Biên nên kinh tế dần phát triển ổn định, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện.

“Đảng bộ, chính quyền huyện xác định nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia”, ông nói.

{keywords}
Ở Mường Nhé, 99/110 bản có chi bộ 

Để thực hiện được trọng trách này, Mường Nhé rất chú trọng công tác xây dựng, củng cố và phát triển Đảng ở cơ sở. Hiện nay, 38/38 bản có đảng viên, 99/110 bản có chi bộ. Hàng năm, Huyện ủy mở nhiều lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng và đảng viên mới, trong đó lồng ghép các chuyên đề với nội dung về dân tộc, tôn giáo và các chính sách đối với lĩnh vực dân tộc, tôn giáo. Có 26 đảng viên là trưởng bản, 9 trưởng bản đồng thời là bí thư.

Theo ông Nguyễn Quang Hưng, Bí thư Huyện ủy, nghị quyết chuyên đề về phát triển Đảng đã được ban hành trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của các đảng viên là người dân tộc thiểu số, người có uy tín và đặc biệt quan tâm phát triển Đảng đối với đội ngũ trưởng thôn, trưởng bản.

Đội ngũ đảng viên là người dân tộc thiểu số am hiểu phong tục, tập quán của dân tộc mình chính là nòng cốt trong công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

Qua những già làng, trưởng bản, và đảng viên là người dân tộc địa phương, việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng nông thôn mới, vay vốn, xóa đói giảm nghèo được cụ thể hóa và nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của bà con. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi của chi bộ một số bản đã cho hiệu quả thiết thực, người dân tin tưởng làm theo.

Thôn đội trưởng từ bỏ tà đạo

Anh Vàng A Sình (người Mông, 32 tuổi, ở bản Huổi Khon 2, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé) từng bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào cuộc tụ tập đông người tại huyện vào năm 2011. Anh kể: “Có người yêu cầu cả bản đi xuống ngã ba tụ tập, nếu không sẽ gặp điều xấu”. Không chịu nổi cảnh sinh sống trong lán trại chật hẹp, tạm bợ, vợ chồng Sình và 3 đứa con bỏ về nhưng bị một số đối tượng xấu chặn lại.

{keywords}
Anh Vàng A Sình 

Gia đình anh sau đó được các cơ quan chức năng giải thoát. Đến năm 2017, gia đình Vàng A Sình và khoảng 20 hộ dân lại bị lôi kéo tham gia vào tà đạo “Bà cô Dợ”. Họ được tuyên truyền rằng, nhà nào không có tiền để làm nhà hay mua trâu bò, sẽ được “Bà cô Dợ” giúp đỡ.

Sình nhớ lại: “Khi nhận được tiền rồi thì phải làm theo 'Bà cô Dợ', phải rủ thêm những người khác tham gia, phải quay phim để gửi cho một số người ở nước ngoài. Sau này, khi được tuyên truyền tôi mới biết việc làm này là xấu”. Cuối năm 2018, Sình quay trở về với đạo cũ của mình là Tin lành liên hữu Cơ đốc.

Bây giờ, Vàng A Sình là một thôn đội trưởng (một bản có bí thư chi bộ, trưởng bản và thôn đội trưởng) làm ăn kinh tế khấm khá, có xe máy đi lại. Ngôi nhà tranh tre trước đây của gia đình anh giờ là nhà lợp tôn, nền cứng. Anh cho biết, tất cả con em trong bản Huổi Khon đều tới trường…

Để hộ nghèo theo tôn giáo được an cư

Đại tá Tráng A Tủa, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên cho biết, công an tỉnh đã phối hợp với các sở ban ngành, chủ động nắm chắc tình hình hoạt động tôn giáo trên địa bàn; xây dựng và triển khai thực hiện nhiều kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động lợi dụng tôn giáo xâm phạm an ninh trật tự.

“Ngay khi phát hiện tà đạo 'Giê sùa', 'Bà cô Dợ' xâm nhập, ảnh hưởng vào vùng đồng bào dân tộc Mông, công an tỉnh đã báo cáo và tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định đấu tranh giải quyết tà đạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm”, Đại tá Tráng A Tủa nói.

Công tác vận động, thuyết phục tín đồ từ bỏ các tà đạo được thực hiện trên nguyên tắc: Tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng tôn giáo của công dân. Mọi cá nhân và tổ chức hoạt động tín ngưỡng tôn giáo phải tuân thủ pháp luật, có nghĩa vụ bảo vệ lợi ích của Tổ quốc, giữ gìn độc lập chủ quyền quốc gia. Mọi hành vi lợi dụng hoạt động tôn giáo làm mất trật tự an toàn xã hội, phương hại nền độc lập dân tộc, phá hoại chính sách đoàn kết toàn dân… đều bị xử lý theo pháp luật.

Theo Đại tá Tráng A Tủa, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, công an tỉnh và các cấp ngành đã triển khai đồng bộ các chương trình, dự án, chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ giảm nghèo của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, qua triển khai chủ trương của Đảng ủy Công an TƯ, lãnh đạo Bộ Công an về hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo tại các huyện Mường Nhé, Nậm Pồ, đến nay đã hoàn thành 100% việc hỗ trợ làm nhà cho 1.762 hộ (có 958 nhà đồng bào theo tôn giáo).

“Cả hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện chủ trương hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo. Đồng bào dân tộc tại các địa bàn được hỗ trợ rất vui mừng khi được các cấp, ngành quan tâm, giúp giảm bớt khó khăn, an cư và vươn lên trong cuộc sống, chú tâm phát triển kinh tế bền vững và ngày càng thêm tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước”, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên chia sẻ.

Hiền Anh

Lính biên phòng gác chuyện riêng, trở thành lá chắn thép

Lính biên phòng gác chuyện riêng, trở thành lá chắn thép

Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị đặt nhiệm vụ phòng chống Covid-19 lên hàng đầu. Thời gian qua, có những chiến sĩ phải hoãn cưới nhiều lần, có người không thể về nhà tiễn đưa người thân.