Thưa giáo sư, ông đánh giá thế nào về cách thức chiếm dụng đất công, tài sản công qua các vụ đại án Phan Văn Anh Vũ, các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, vụ Thủ Thiêm…?

Như đã trao đổi, pháp luật quy định đất công, bất động sản công thuộc sở hữu toàn dân nhưng trao thẩm quyền định đoạt cho một số cương vị lãnh đạo thuộc bộ máy hành chính.

Trong cả lý luận và thực tiễn, người ta đã chỉ ra rằng rủi ro tham nhũng luôn xuất hiện tại những nơi mà quyền lực quyết định không được kiểm soát, nhất là khi thực thi quyền quyết định tạo ra được lợi ích cho một nhóm người nào đó.

Như vậy, khi bộ máy hành chính có quyền quyết định cả về đất đai và giá trị đất đai thì có thể bị lợi ích chi phối, lúc này chỉ trông chờ vào đạo đức của người có thẩm quyền quyết định.

Thực chất, chế độ công hữu về đất đai nên được coi như một chủ trương chính trị, việc đưa đất đai vào thị trường phải dựa vào giá trị quyền sử dụng đất thuộc quyền tài sản của người sử dụng đất.

{keywords}
Phan Văn Anh Vũ - bị cáo trong đại án tham nhũng đất đai khiến một loạt quan chức vướng vòng lao lý

Sự tồn tại song song của chủ trương chính trị và giải pháp thị trường về đất đai đã tạo nên khoảng trống pháp luật nhất định để những cán bộ nhà nước có thẩm quyền quyết định rơi vào tham nhũng trong những quyết định về đất đai.

Mặt khác, luật Đất đai 2013 cũng tạo nên một thể chế quản lý đối với một số loại đất không được quản lý cụ thể của hệ thống quản lý hành chính của Chính phủ.

Đó là đất quốc phòng, đất an ninh, đất khu kinh tế, đất khu công nghệ cao, đất xây dựng sân bay. UBND cấp tỉnh giao cả một khu vực đất lớn cho tổ chức của nhà nước, rồi tổ chức đó chịu trách nhiệm giao, cho thuê tiếp đối với những tổ chức, cá nhân cụ thể.

Theo thể chế này, cựu Đô đốc Hải quân Nguyễn Văn Hiến mới có thể thực hiện thẩm quyền quyết định rồi giải thích rằng mình thiếu hiểu biết về pháp luật đất đai.  

Những vụ án lớn khác liên quan đến đất đai như “Phan Văn Anh Vũ và UBND Đà Nẵng, TP.HCM” hay “Thủ Thiêm”… đều thể hiện sự lệch lạc về giá trị đất đai phía sau các quyết định của cán bộ nhà nước có thẩm quyền.

Luật Đất đai 2013 đã có quy định tại điều 199 và 200 về xây dựng và vận hành cơ chế quản trị tốt để kiểm soát quyền lực quyết định về đất đai. Rất tiếc, luật này đã thi hành được 6 năm nhưng 2 điều trên vẫn nằm yên trên giấy.

Vậy nên việc các đại án tham nhũng về đất đai đã xuất hiện và còn tiếp tục xuất hiện cũng không phải là chuyện lạ.

Quy trình mua đất công hoàn toàn khác mua đất tư

Tại tòa, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến nói không có chuyên môn về kinh tế, chưa qua trường lớp quản lý về kinh tế nên để xảy ra những sai phạm. Phan Văn Anh Vũ cũng cho biết, việc sở hữu được các tài sản đất công là do mua bán chứ không phải là xin - cho. Ý kiến của ông?

{keywords}
Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM 

Tại một cương vị lãnh đạo cao cấp, nếu tự thấy mình còn thiếu tri thức thì không nên quyết định. Nếu cần phải quyết định thì cũng có nhiều cách tham vấn các chuyên gia có trình độ để biết cần quyết định thế nào cho phải.

Như trên đã nói, chúng ta cũng cần xem lại thể chế quản lý khi giao cả một khu vực đất rộng cho quốc phòng và các cán bộ có thẩm quyền của quốc phòng quyết định cụ thể việc phân chia khu đất, định đoạt cụ thể việc sử dụng từng thửa đất.

Nhiều đơn vị quốc phòng có thành lập bộ phận giúp việc về đất đai nên cũng hạn chế được sai sót; nhiều đơn vị cứ thực hiện thẩm quyền theo ý mình, như Quân chủng Hải quân chẳng hạn, nên rơi vào trái pháp luật cũng là chuyện dễ hiểu.

Đối với vụ án Phan Văn Anh Vũ, cách giải thích của bị cáo là mua tài sản đất công chứ không phải xin cũng chỉ là ngụy biện. Ở tất cả các nước, quy trình mua đất công hoàn toàn khác với quy trình mua đất tư.

Quy trình mua đất công được quy định rất chặt chẽ theo thể chế quản trị tốt với các yêu cầu công khai, minh bạch; được tổ chức, công dân giám sát; trách nhiệm giải trình của tổ chức nhà nước thực hiện bán tài sản công.

Ở nước ta, việc chuyển nhượng mọi bất động sản công vào thị trường đều phải thông qua đấu giá. Không thể thực hiện theo cơ chế “tư túi” giữa cán bộ nhà nước có thẩm quyền quyết định về tài sản công và một doanh nhân muốn có tài sản công đó.

Khi quy trình thực hiện được xác định là trái pháp luật thì các bên liên quan đều phải chịu trách nhiệm về việc tài sản nhà nước bị thất thoát.         

Cần sửa đổi pháp luật đất đai

Nhìn nhận vấn đề về nhân sự, chúng ta vừa mất người, vừa thiệt hại về tài sản công. Bài học rút ra, theo ông, là gì?

Với việc quyết liệt chống tham nhũng trong thời gian vừa qua do Tổng bí thư, Chủ tịch nước phát động, nhiều vụ đại án tham nhũng về đất đai đã được đưa ra xét xử. Hệ quả là nhiều lãnh đạo ở cả trung ương và địa phương đã bị kỷ luật hoặc ra hầu tòa và rơi vào vòng lao lý. Từ đây, có thể nhận thấy một số nhược điểm trong hệ thống:

{keywords}
Luật Đất đai 2013 sửa đổi sẽ đặt quyền, lợi ích của người dân lên hàng đầu. Ảnh: Nông dân huyện Cẩm Giàng, Hải Dương trúng mùa cà rốt năm 2021

Một là, hệ thống pháp luật đất đai còn nhiều khoảng trống, làm cho việc quản lý đất đai và tài sản gắn liền thuộc phạm vi công sản không chặt chẽ, dễ gây thất thoát. Do chế độ sở hữu đất đai thuộc toàn dân nên toàn bộ đất đai đều là tài sản công, không phân biệt được khái niệm “đất công” và “đất tư” như ở các nước khác.

Để quản lý tốt, cần đặt ra quy định phân biệt được 2 loại quyền sử dụng đất: quyền sử dụng đất thuộc tài sản công và quyền sử dụng đất thuộc tài sản tư. Từ đó, hình thành thật cụ thể cách quản lý khác biệt.

Hai là, giữa pháp luật đất đai và các pháp luật khác có liên quan (như pháp luật đầu tư, pháp luật xây dựng, pháp luật quy hoạch…) còn rất nhiều xung đột. Từ đây gây ra tình trạng “bó tay” hoặc “lỏng tay” trong áp dụng pháp luật vào quản lý, sử dụng cụ thể.

Ba là, thể chế quản lý về đất đai chưa phù hợp cơ chế thị trường. UBND cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định cả về hành chính, quy hoạch và tài chính là một thể chế tập trung quyền lực quá lớn, quyền lực chưa được kiểm soát và chứa đựng nhiều rủi ro tham nhũng. Tại các nước phát triển, cơ quan hành chính chỉ quản lý hành chính về đất đai, tài chính và quy hoạch về đất đai do hệ thống khác quản lý.

Bốn là, việc tuyển dụng cũng chưa thực sự lựa chọn được các cán bộ có đủ năng lực chuyên môn và đạo đức tốt. Đây là nguyên nhân chính làm cho tài sản công bị “vẫy vùng” thành riêng.

Như vậy, cần sửa đổi pháp luật đất đai sao cho thật chuyên nghiệp; đổi mới thể chế và tổ chức quản lý đất đai sao cho tạo được hiệu quả cao về quản lý, sử dụng; tuyển dụng cán bộ quản lý sao cho thực sự chí công, vô tư.

Kiên Trung 

Áp lực thay đổi có thể đến từ những lãnh đạo xuất chúng

Áp lực thay đổi có thể đến từ những lãnh đạo xuất chúng

Cần có những áp lực, sức ép bên trong, từ trên xuống dưới để tạo thay đổi. Áp lực đó có thể đến từ những người lãnh đạo xuất chúng.