LTS: Tuần Việt Nam mở Diễn đàn "Vì Việt Nam hùng cường" với mong muốn thu nhận từ quý độc giả những ý kiến, bài viết về các giải pháp phát triển đất nước trong tất cả các lĩnh vực nhằm khơi thông tiềm năng phát triển, cổ vũ niềm tin của cộng đồng vào tương lai Việt Nam. 

Chủ đề đầu tiên của Diễn đàn tập trung vào thể chế kinh tế. Mời quý vị cùng theo dõi.

Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất trên thế giới. Phát triển kinh tế dựa trên thương mại góp phần gia tăng tốc độ tăng trưởng, tạo việc làm và giảm nghèo, giúp Việt Nam tăng GDP đến 7,1% trong năm 2018. Nhưng liên kết giữa doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước còn yếu và có thể bị xói mòn hơn nữa nếu Việt Nam không ban hành những chính sách đúng đắn để tăng cường khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước.

{keywords}
Điều đáng suy ngẫm là Việt Nam vẫn nằm ở dưới chuỗi giá trị và ngày càng xuống thấp hơn.

Việt Nam là nước xuất khẩu lớn

Cách đây hơn hai thập kỷ trước khi tôi bắt đầu nhiệm kỳ ở Việt Nam, đất nước này đã phát triển hoạt động thương mại và tham gia thành công vào các chuỗi giá trị toàn cầu quan trọng. Tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam đã tăng trung bình 18% trong thập kỷ qua, trong khi thương mại toàn cầu chỉ tăng trưởng với tỷ lệ khiêm tốn ở mức 3,5%.

Điều đáng chú ý không chỉ ở quy mô và tốc độ tăng trưởng, mà còn ở chỗ Việt Nam ngày càng đa dạng hóa danh mục hàng xuất khẩu, trong đó tỷ trọng giá trị xuất khẩu của hàng chế biến chế tạo đã lên đến 190 tỷ USD vào năm 2018, chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Việt Nam đã trở thành một trung tâm sản xuất và là điểm đến quan trọng của các doanh nghiệp FDI. Tính theo tỷ lệ trên GDP, Việt Nam đã nhận được nhiều vốn FDI hơn bất kỳ nền kinh tế nào khác trong ASEAN trong thập kỷ qua, chủ yếu vào những ngành sản xuất thâm dụng lao động. Hoạt động thương mại của Việt Nam được thúc đẩy bởi khu vực FDI, chiếm 70% xuất khẩu và đang đạt được thặng dư lớn.

Nhưng, theo tôi, điều đáng suy ngẫm là Việt Nam vẫn nằm ở dưới chuỗi giá trị và ngày càng xuống thấp hơn.

Trong khi các ngành sản xuất dựa trên FDI rất thành công, hoạt động của các doanh nghiệp trong nước lại tụt hậu. Chỉ 50% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam được tạo ra trong nước (hình dưới). Hàm lượng nhập khẩu trong các mặt hàng sản xuất được xuất khẩu của Việt Nam tương đối cao – và cao nhất trong các nước ASEAN.

Đóng góp về giá trị gia tăng của Việt Nam đặc biệt thấp trong hoạt động sản xuất chế tạo hàng giá trị cao, như hàng điện tử và điện thoại. Ví dụ, giá trị nội địa của hàng điện tử chỉ khoảng 40%, và tới 60% là nguyên liệu nhập khẩu.

{keywords}
Chỉ 50% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam được tạo ra trong nước.

Tìm nhà cung cấp trong nước đủ tiêu chuẩn như tìm kim đáy bể

Điều này phản ánh thực tế là cả chất lượng và số lượng của các nhà cung cấp nội địa cho các doanh nghiệp FDI đều thấp - như đã được xác nhận trong báo cáo về năng lực cạnh tranh của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Theo tôi, nguyên nhân bắt nguồn từ hạn chế tại doanh nghiệp - đặc biệt là khả năng quản lý. Chỉ có 9% doanh nghiệp nội địa có các loại chứng chỉ chất lượng quốc tế như ISO 9000 hoặc Six Sigma. Khả năng tuân thủ các quy trình chuẩn quốc tế hoặc sở hữu chứng nhận chất lượng của các doanh nghiệp nội địa không liên kết chỉ bằng ¼ so với doanh nghiệp có liên kết với công ty nước ngoài. Tại các công ty có liên kết, có thể thấy rõ tình trạng thiếu kỹ năng, phản ánh nhu cầu cần nhân lực có kỹ năng phức tạp hơn để đáp ứng yêu cầu chất lượng và công nghệ của các chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Bên cạnh đó, các công ty Việt Nam thường tham gia vào giai đoạn lắp ráp cơ bản - có giá trị gia tăng thấp so với các giai đoạn khác như nghiên cứu và phát triển, thiết kế, tiếp thị và dịch vụ. Các mạng công nghiệp 4.0 làm cho giá trị gia tăng của giai đoạn chế biến chế tạo thậm chí còn giảm nữa.

Các công ty Việt Nam cần phải vượt lên trên công đoạn sản xuất nếu muốn thu được giá trị lớn hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, Việt Nam cần nhìn ra ngoài công đoạn sản xuất trong những dịch vụ có giá trị cao, như giai đoạn tiền sản xuất (nghiên cứu và phát triển, thiết kế) và hậu sản xuất (tiếp thị, dịch vụ hậu mãi) để nâng tỷ lệ giá trị gia tăng.

{keywords}
Việt Nam cần nhìn ra ngoài công đoạn sản xuất trong những dịch vụ có giá trị cao.

Muốn vững phải như kiềng ba chân

Vì vậy, tôi cho rằng điều quan trọng hiện nay là cần tập trung xây dựng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước để họ có thể tham gia vào chuỗi cung ứng. Tăng cường liên kết giữa các công ty trong nước với doanh nghiệp đa quốc gia có thể nâng cao giá trị gia tăng trong nước, tạo việc làm, tăng năng suất và khả năng tiếp cận thị trường của của doanh nghiệp trong nước.

Nhưng liên kết như vậy không tự nhiên hình thành. Cần một gói xúc tác bao gồm các nỗ lực, chính sách có mục tiêu và hỗ trợ cụ thể.

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam gần đây, tôi đã trình bày cách tiếp cận kiềng ba chân để xây dựng một khung chính sách nhằm thúc đẩy sự đóng góp của FDI vào việc nâng cao giá trị gia tăng của doanh nghiệp trong nước, trong đó tập trung vào mấy điểm như sau.

Thứ nhất, Việt Nam cần thu hút vốn FDI chiến lược. Việt Nam cần tập trung thu hút vốn FDI có thể tạo ra cơ hội thực sự cho các nhà cung cấp nội địa, hoặc các doanh nghiệp nước ngoài có thể mang lại cho các đối tác địa phương không chỉ tài chính mà cả công nghệ, kỹ năng, bí quyết và tiêu chuẩn quốc tế.

Thứ hai, Việt Nam cần xây dựng năng lực cho doanh nghiệp nội địa. Cụ thể, cần xây dựng các cơ chế hỗ trợ để giúp nhà cung cấp vượt qua những hạn chế về phía cung và đạt tiêu chuẩn “nhà cung cấp đủ điều kiện”, nhờ đó họ có thể cung cấp hàng hóa và dịch vụ đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Thứ ba, phát triển liên kết là rất quan trọng. Việt Nam cần xây dựng cơ chế lựa chọn và kết nối hiệu quả để liên kết các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp nội địa.

Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn để nâng cao mức đóng góp từ giá trị nội địa, từ đó thu nhận được toàn bộ lợi ích của dòng vốn FDI và chuỗi giá trị toàn cầu. Tăng cường sự tham gia của các công ty trong nước vào chuỗi giá trị toàn cầu có thể làm tăng sản lượng, năng suất và tạo việc làm.

Nhưng những lợi ích này chỉ có thể thu nhận được khi có chính sách có trọng tâm và toàn diện nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, bao gồm cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khả năng tiếp cận tài chính, nâng cao kỹ năng và các chương trình phát triển trọng điểm và thực tế cho các doanh nghiệp trong nước.

Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam.

Trân trọng kinh mời quý vị độc giả gửi bài cho Diễn đàn "Vì Việt Nam hùng cường" theo địa chỉ Email: tuanvietnam@vietnamnet.vn

Xem thêm các bài viết khác của Diễn đàn Vì Việt Nam hùng cường đăng tải trên Chuyên trang Tuần Việt Nam/ Báo VietNamNet:

“Nã pháo” vào sự trì trệ

“Nã pháo” vào sự trì trệ

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhận xét, cứ khi nào khu vực kinh tế tư nhân được cởi trói thì nền kinh tế lại trở nên sinh động, phát triển nở rộ.