Tin tức về vụ ám sát Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrei Karlov đã làm rúng động nước Nga trong bối cảnh Moscow và Ankara đang nỗ lực xích lại gần nhau. Sự việc này được xem là một phép thử mới trong quan hệ nhiều sóng gió vừa mới được khôi phục giữa hai nước, và cũng là lời cảnh tỉnh đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin sau hơn một năm can dự vào cuộc nội chiến dai dẳng tại Syria.

Sau sự kiện chấn động trên, Nga - Thổ đã đứng cùng một chiến tuyến và đổ lỗi cho bên thứ ba gây ra cái chết của Đại sứ Karlov.

Thượng nghị sĩ Nga Frantz Klintsevich, Phó Chủ tịch Ủy ban an ninh và quốc phòng của Thượng viện Nga, một đồng minh cấp cao của ông Putin, đã cáo buộc cơ quan mật vụ của NATO có thể đứng sau vụ ám sát gây sốc này. Phát biểu trên tờ Mail Online, ông Klintsevich khẳng định: “Đây là một hành động đã được lên kế hoạch”. Một thượng nghị sĩ khác, ông Alexei Pushkov, thì đổ lỗi cho “sự cuồng loạn chính trị và truyền thông” của các kẻ thù của Nga.

Trong khi đó, những người ủng hộ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan cũng bắt đầu nói về giả thiết kẻ ám sát là một người ủng hộ Fethullah Gülen, một giáo sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đang sống lưu vong tại Mỹ và là kẻ thù chính trị của ông Erdogan. Thị trưởng Ankara, ông Melih Gokcek cho biết hung thủ là thành viên của FETO, một tổ chức khủng bố mà chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho là đang do Gülen kiểm soát. Gülen cũng chính là cái tên mà Ankara từng cáo buộc lên kế hoạch âm mưu đảo chính bất thành vừa qua tại Thổ.

{keywords}
Kẻ tình nghi bắn Đại sứ Nga. Ảnh: AP

Theo các chuyên gia phân tích ngoại giao, không ai trong hai lãnh đạo Nga – Thổ muốn phá hỏng hiệp ước lỏng lẻo mà họ vừa đạt được về Syria, cho phép cả hai theo đuổi các mục đích chiến tranh của mình. Thổ Nhĩ Kỳ đảm bảo rằng chiến dịch tại miền Bắc Syria sẽ không ảnh hưởng đến việc các lực lượng của Nga và các lực  lượng thân Assad bao vây Aleppo. Trong khi đó, Moscow được cho là đã bật đèn xanh cho các tham vọng của Ankara chiếm thị trấn Al-Bab ở miền Bắc Syria nhằm ngăn chặn người Kurd củng cố lực lượng ở sườn Nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Chuyên gia Aaron Stein, thuộc nhóm cố vấn Hội đồng Đại Tây Dương, nhận định: “Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có mọi lý do để quản lý cuộc khủng hoảng này”. Ông khẳng định có chăng thì vụ ám sát Đại sứ Karlov sẽ chỉ khiến quan hệ song phương Nga-Thổ thêm phần mất cân bằng so với trước. “Nga đang ở thế thượng phong và vụ việc này sẽ càng làm họ mạnh hơn”.

Sinan Ülgen, từng là một nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Carnegie, khẳng định vụ ám sát tại Ankara sẽ không gây ảnh hưởng lớn như cuộc khủng hoảng quan hệ hai nước sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga tháng 11/2015. Theo ông Ülgen, trong lúc này sẽ chẳng bên nào muốn leo thang. Vì vậy, chuyên gia này cho rằng Moscow sẽ không muốn một cuộc điều tra sâu rộng về bản chất vụ tấn công cũng như xác định thủ phạm.

Đồng tình với quan điểm trên, Maxim Suchkov, một chuyên gia về Trung Đông tại Hội đồng các vấn đề quốc tế của Nga, cho rằng: “sẽ không có hậu quả nghiêm trọng nào đối với quan hệ giữa hai nước, song có quá nhiều điều bấp bênh đối với cả Nga và Thổ hiện nay”.

Tác động quan hệ Nga - Thổ

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gọi vụ ám sát trên là một “hành động khiêu khích” nhằm phá hoại quan hệ Nga - Thổ cũng như những nỗ lực kiến tạo hòa bình tại Syria. Đây rõ ràng là một ngày thảm họa trong lịch sử nước Nga và ngành ngoại giao Nga và chắc chắn ông Putin sẽ không để yên vụ này.

Hiện chưa rõ các biện pháp đáp trả của Nga sẽ là gì, nhưng nhìn lại quan hệ đầy thăng trầm giữa Ankara và Moscow trong năm vừa qua, cộng với nhiều thế kỷ đối địch và thù oán, và những chính sách ngoại giao xung đột nhau liên quan đến cuộc nội chiến tại Syria, một số chuyên gia dự báo những kịch bản leo thang căng thẳng.

Kịch bản thứ nhất: tin tặc Nga tấn công Thổ Nhĩ Kỳ. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã từng lãnh hậu quả của các vụ tấn công như thế. Ngày 7/12, Wikileaks đã công bố hơn 57.000 bức thư của Bộ trưởng năng lượng và tài nguyên thiên nhiên Thổ Berat Albayrak, cũng là con rể của Tổng thống Recep Erdogan. Với việc Nga hợp tác với Wikileaks công bố các thư điện tử trong quá khứ, không thể loại trừ khả năng tin tặc Nga sẽ tấn công Thổ, tiết lộ thêm những bí mật về ông Erdogan.

Kịch bản thứ hai: quan hệ mong manh giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể sụp đổ, dẫn đến sức ép kinh tế mới đè lên Ankara. Đây là trường hợp từng xảy ra tháng 11/2015, khi máy bay F-16 của Thổ bắn rơi một máy bay ném bom của Nga ở khu vực biên giới Syria. Nhiều hàng hóa Thổ đã bị cấm vận, làm kim ngạch xuất khẩu sang Nga giảm 737 triệu USD. Hơn thế, dự án đường ống dấn khí đốt Turkish Stream, vốn là một phần “quan hệ đối tác chiến lược” giữa hai nước, bị đình trệ. Tình hình kinh tế chỉ được cải thiện khi ông Erdogan xin lỗi Nga tháng 6/2016.

Kịch bản thứ ba: lệnh ngừng bắn ở Aleppo sụp đổ. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang ở các bên đối nhau trong cuộc nội chiến tại Syria, nhưng cả hai đóng vai trò trung gian cho lệnh ngừng bắn mới nhất nhằm sơ tán dân thường và cho phép các tay súng rời Aleppo. Vụ ám sát Đại sứ Karlov có thể khiến lệnh ngừng bắn này sụp đổ một lần nữa, hoặc dẫn tới các cuộc giao tranh ở những nơi khác tại Syria. Các lực lượng của Nga đang hoạt động tại phía Đông Bắc syria, không xa nơi binh lính Thổ chiến đấu giành lại các thị trấn biên giới bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chiếm đóng.

Kịch bản thứ tư: Nga chơi quân bài Thổ. Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên NATO, khiến Nga ít khả năng tính đến việc phát động với một cuộc chiến tranh với Thổ. Nói cách khác, Đại sứ Karlov không phải là một Hoàng tử Áo Franz Ferdinand thứ hai (vụ ám sát Franz Ferdinand đã làm nổ ra cuộc Chiến tranh Thế giới I). Nhưng Nga có thể sử dụng các quan hệ lịch sử với người Kurd ở Thổ mà Ankara vốn không ưa, và ủng hộ các tay súng người Kurd.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu tình báo thế giới Stratfor nhận định vụ ám sát tuy sẽ có thể gây căng thẳng song không làm đứt quãng quan hệ Nga – Thổ. Hai nước sẽ không đảo ngược các tiến bộ về ngoại giao và kinh tế vừa đạt được trong năm qua.

Lời cảnh tỉnh Putin

Người Nga đã nhấn mạnh rằng quan hệ Nga – Thổ sẽ không bị ảnh hưởng. Nhưng cuộc chơi khu vực mà ông Putin tham gia đang bắt đầu phải trả giá đắt: trở thành nhân vật chính tại Trung Đông trong khi Mỹ rút chân ra, không dính dáng nữa.

Kẻ ám sát Đại sứ Karlov rõ ràng có liên quan đến việc Nga ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad chống lại lực lượng nổi dậy. Vụ việc xảy ra ít ngày sau các cuộc biểu tình tại Thổ Nhĩ Kỳ phản đối vai trò của Nga trong cuộc chiến tại Syria, bất chấp việc Moscow và Ankara hiện đang làm việc cùng nhau để thúc đẩy thỏa thuận sơ tán người dân ra khỏi Aleppo

Giờ đây, một số chuyên gia phân tích đang tập trung vào câu hỏi điều gì có thể đưa binh sĩ Nga về nhà. Tổng thống Putin đã đóng một vai trò then chốt trong việc ủng hộ chính quyền của ông Assad. Nga sẽ buộc phải hợp tác với Iran hoặc sẽ mắc kẹt trong một cuộc chiến dai dẳng với lực lượng nổi dậy cho đến khi giành chiến thắng cuối cùng. Ông Putin sẽ không muốn bị mắc kẹt trong thất bại tại Syria, và vụ ám sát Đại sứ tại Ankara là cái giá đắt mà ông đã phải trả trên con đường còn dài để đến với chiến thắng.

Mục đích của khủng bố là reo rắc nỗi sợ hãi. Và việc của chúng ta là không nên run sợ, quyết tâm tiêu diệt mối đe dọa toàn cầu này. Ông Putin khẳng định vụ ám sát Đại sứ Karlov “là một hành động khủng bố nhằm vào nước Nga”, đồng thời cho rằng “cách đáp trả duy nhất” là tăng cường cuộc chiến chống khủng bố.

Đức Đan