Trong một tuyên bố, Tổng thống Alexander Lukashenko đã xác nhận sự hiện diện của vũ khí hạt nhân chiến thuật Nga tại Belarus. Ông cũng cho biết, Belarus đang chuẩn bị các cơ sở phục vụ kế hoạch triển khai tên lửa đạn đạo siêu vượt âm mới nhất của Nga.
Việc bố trí các loại vũ khí chiến thuật tại Belarus, quốc gia có chung đường biên giới dài hơn 1.000km với Ukraine, cho phép máy bay và tên lửa của Nga dễ dàng nhắm mục tiêu vào các địa điểm tiềm năng. Nó cũng mở rộng đáng kể khả năng của Nga trong việc tiếp cận một số đồng minh của NATO ở Đông và Trung Âu.
Theo phân tích bản đồ và hình vệ tinh của tờ Newsweek, có 2 địa điểm chính lưu trữ vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga ở Belarus là kho quân sự gần Asipovichy ở miền trung Belarus, và một địa điểm lưu trữ tiềm năng ở Prudok, gần biên giới đông bắc. Các địa điểm này sẽ giúp phạm vi tấn công hạt nhân của Nga đến gần hơn với các nước NATO.
Cụ thể, 2 vị trí ở Belarus nằm gần các thành viên NATO là Ba Lan, Lithuania, và Latvia. Trong đó, kho Asipovichy nằm cách biên giới Ukraine hơn 190km hiện có hàng rào an ninh 3 lớp và các cơ sở lưu trữ hạt nhân mới. Đáng nói, cơ sở Prudok còn gần hơn với sườn phía đông của NATO.
Các chuyên gia nhận định, động thái này là một phần trong chiến lược của Nga nhằm tăng cường khả năng răn đe hạt nhân dọc theo biên giới phía đông NATO.
Trước đó, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga đã hoàn thành các cơ sở "lưu trữ đặc biệt" ở Belarus, củng cố vị thế hạt nhân của Moscow trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với phương Tây. Động thái này diễn ra sau khi ông Putin cập nhật học thuyết hạt nhân của Nga, hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí này. Chính sách mới cho phép Nga phản ứng hạt nhân ngay cả đối với các cuộc tấn công thông thường từ các quốc gia phi hạt nhân nhưng được các nước có vũ khí hạt nhân hỗ trợ.
Quyết định của ông Putin được đưa ra sau khi Tổng thống Joe Biden cho phép Ukraine bắn tên lửa mà Mỹ cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga.
Không giống như tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) được thiết kế để phá hủy toàn bộ các thành phố, vũ khí hạt nhân chiến thuật có sức mạnh thấp hơn và được dùng trên chiến trường. Trong khi Nga chưa tiết lộ tổng số vũ khí hạt nhân chiến thuật được chuyển tới Belarus, song Tổng thống Lukashenko cho biết Belarus đang lưu giữ hàng chục vũ khí này.
"Họ thậm chí còn không nhận ra, khi chúng tôi đưa chúng đến đây", ông Lukashenko ám chỉ việc phương Tây không thể theo dõi việc Nga triển khai vũ khí hạt nhân tại Belarus.
Đầu năm nay, Nga và Belarus đã tiến hành các cuộc tập trận hạt nhân chung với sự tham gia của các tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander, cùng các máy bay chiến đấu có khả năng triển khai bom hạt nhân.
Belarus hiện có khoảng 30 cơ sở chứa tên lửa đạn đạo có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân còn sót lại từ thời Chiến tranh Lạnh, khi nước này còn là một phần của Liên Xô cũ.