- "Không ai muốn ai phải vào tù nhưng các nghệ sĩ cần ở đây là sự minh bạch", NBK Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh VN, nguyên Cục phó Cục Điện ảnh lên tiếng.

Băn khoăn vụ khởi tố nguyên Cục phó Cục Điện ảnh
Nguyên Cục phó Cục Điện ảnh bị khởi tố
Không phải 42, Cục Điện ảnh mất 34 tỉ
Sau vụ mất 42 tỉ, Cục Điện ảnh có lãnh đạo mới
Mất 42 tỉ, lãnh đạo Cục Điện ảnh từ chức
Cục Điện ảnh mất 42 tỉ: Dứt khoát phải lên tiếng
Cục Điện ảnh đánh mất 42 tỉ, nghệ sĩ tròn mắt
Cục Điện ảnh mất 42 tỉ: ai xấu hổ?
Nghệ sĩ bức xúc vì Cục Điện ảnh làm mất 42 tỉ đồng

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát (ngoài cùng bên phải).

Liên quan đến việc Viện kiểm sát nhân dân tối cao vừa ký quyết định Tạm đình chỉ vụ án đối với ông Lê Ngọc Minh, Nguyên Cục phó Cục Điện ảnh liên quan đến việc để thất thoát hơn 40 tỉ đồng ở Cục Điện ảnh cách đây 1 năm, NBK Nguyễn Thị Hồng Ngát đã gửi một bài viết tâm huyết cho Vietnamnet.

*

Có thể nói chưa bao giờ người làm điện ảnh lại chán nản như bây giờ. Khi có sự kiện vui buồn gì, thông thường con người ta đều có phản ứng tự nhiên như: hân hoan khi vui, thất vọng khi buồn, giận dữ khi thấy điều sai trái.

Nhưng thời gian gần đây thì những trạng thái tự nhiên đó dường như biến mất, thay vào đó là trạng thái chán nản và dửng dưng một cách đáng sợ. Anh như thế nào: dửng dưng. Anh sống hay chết: dửng dưng. Anh làm việc chẳng ra gì: dửng dưng. Chỗ này tham ô tham nhũng: dửng dưng. Chỗ kia thiếu trách nhiệm gây hiệu quả nghiêm trọng: dửng dưng. Tràn lan một bầu không khí dửng dưng… Điều này có làm cho những ai còn chút lòng trắc ẩn lo ngại không? Hay là cũng dửng dưng nốt? Tôi đồ rằng chút xíu xiu sự tử tế đó cũng có thể bị lây bệnh dửng dưng rồi.

Và đây (may mắn hay đáng buồn?) là vụ thất thoát 44 tỷ ở Cục điện ảnh năm ngoái khiến báo chí tốn bao giấy mực, cơ quan cảnh sát điều tra tốn bao công sức và đã có kết luận rõ ràng bằng văn bản gửi đi các nơi thì ngày 13/8- 2012 vừa qua "bỗng được" Viện kiểm sát nhân dân tối cao (xin nhấn mạnh chữ TỐI CAO do ông KSV-Vụ trưởng Nguyễn Mạnh Hiền đã ký QĐ "stop!" với lý do lãng xẹt: Chưa bắt được kế toán Phạm Thanh Hải!).

Stop (dừng) hay thế nào thì bây giờ mọi người cũng thấy dửng dưng rồi. Chán nản cả rồi. Nói mãi, kêu mãi nào có được gì, mọi việc theo thời gian lại đâu vào đấy, chìm nghỉm không một chút sủi tăm. Và đúng như dự đoán của nhiều người (cứt trâu hóa bùn hẳn rồi): Ngày 13/8 mới đây, cánh cửa Viện KS đã đóng rầm một cái. Thế là xong mọi nhẽ! Nói năng, kêu ca gì cũng chẳng bằng người có cái triện đỏ trong tay, đóng toạch xuống một cái, bao nhiêu chuyện tày đình san phẳng. Kinh!

Thế mới biết sức mạnh của kẻ nắm cái triện đỏ ở trong tay mạnh như thế nào. Bất chấp tất cả! Bắt mọi cái miệng kêu đòi công bằng phải-trái, dù là NSND hay NSUT gì gì đi nữa thì cũng chả đáng quan tâm, cũng phải im bặt.

Thất thoát, mất mát (phải có người lấy thì mới mất chứ?) dù thế nào thì cũng phải minh bạch. Không ai muốn ai phải vào tù nhưng các nghệ sĩ cần ở đây là sự minh bạch. Và, chỉ vì cái anh kế toán quèn bỏ chạy thế là trăm tội đổ lên đầu anh ta hết. Những người có trách nhiệm thành ra oan, thành ra bị lừa, thành ra vô can hết. Đến trẻ con nó cũng không tin được!

Nhưng, nghĩ cho cùng 44 tỷ với một ngành nghèo như điện ảnh thì là lớn, là to nhưng chả là cái đinh gì so với vài chục ngàn tỷ của Vinasin, Vinaline…cũng đã ai bị sao đâu? Có chức quyền như Dương Chí Dũng bỏ trốn cái là xong huống hồ tay kế toán quèn Phạm Thanh Hải!

Một kẻ bỏ trốn là có cơ hội tốt cho các cơ quan chức năng stop vụ án và càng có cơ hội tốt cho bao người… thoát tội, ung dung hưởng thái bình, chờ thời gian xóa nhòa tất cả, đen trắng cũng như nhau và lại khệnh khạng đi "chém gió" thao thao bất tuyệt dạy đời như ai. Chao ôi! trước những cơ mầu ấy, lòng người không dưng dửng, không chán nản mới là lạ!

Đừng trách hồi mới xảy chuyện mọi người đã ngỡ ngàng và sốc. Điều này dễ hiểu thôi. Sốc vì chưa bao giờ trong giới điện ảnh lại có chuyện buồn như thế. Sốc vì vụ thất thoát này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống điện ảnh nước nhà: sản xuất trì trệ, chả có phim nào mới và hay. Ngày lễ ngày tết khán giả lại phải ăn những món ăn đã nguội lạnh từ lâu.

Nghĩa là phải xem lại những bộ phim sản xuất từ những năm trước đó. Hãy xem một số các tên phim sau đây thì cũng đoán được nền điện ảnh nước nhà đang như thế nào: Cưới ngay kẻo lỡ, Cô dâu đại chiến, Nàng men chàng bóng…Trong khi đó cuộc sống có bao nhiêu đề tài đương đại nóng bỏng thì dường như cũng bị dửng dưng. Thật đáng sợ thay!

Niềm tin của các cấp đối với ngành cũng giảm sút, khó vực dậy được. Giống như người có vết nhơ khó mà gột rửa, mặt có vết chàm đi đâu cũng xấu hổ, ngượng ngùng. Từ những bức xúc đó, các nghệ sĩ cất lên tiếng nói, công an vào cuộc và có kết luận rõ ràng rồi chuyển sang tay Viện kiểm sát. Nửa năm trôi qua: im lặng và im lặng. Nhiều người trong ngành đều đồn đoán rằng "kiểu này là kiểu cố tình để lâu cho cứt trâu hóa bùn đây"!. Và, quả đúng như vậy.

Ngày 13/8 vừa qua Viện kiểm sát tối cao đã có lệnh TẠM ĐÌNH CHỈ VỤ ÁN. Ô hô hay thật, chỉ một văn bản này là có thể xóa nhòa mọi chuyện, xí xóa mọi chuyện, công sức của cơ quan điều tra đổ xuống sông xuống biển ư? Sự chờ đợi đen trắng rõ ràng, công tội phân mình của các nghệ sĩ điện ảnh tan thành mây khói. Kẻ gian người ngay đánh đổ đồng hết.

Người tử tế, kẻ gian tham đều như nhau tuốt. Thậm chí người tử tế còn bị ghét bỏ, kẻ gian tham lại được ưu ái, được lên chức lên tước cao hơn kia. Chẳng cấm người ta có quyền nghi ngờ: nén bạc đã đâm toạc tờ giấy! Nhưng cũng có người bảo "đây chỉ là TẠM thôi". Nhưng ai chả biết ở nước mình từ ngữ nó phong phú đến mức nào. Cứ chờ đấy!

Còn gì ngao ngán bằng lòng tin, sự trông chờ ở sự công bằng, phân định đâu ra đấy của người có quyền có chức, cầm cân nảy mực đã bị sụp đổ. Từ sự việc này mọi người nhìn nhau lắc đầu ngao ngán. Ngôi nhà chung điện ảnh đã hoang lạnh càng như hoang lạnh hơn. Sự hoang lạnh đáng sợ nhất đó là sự hoang lạnh trong lòng người. Chẳng ai thiết tha cái gì nữa. Xúc động, trầm trồ, thán phục trước cái thiện, giận dữ trước cái ác ư? Xa xỉ quá. Có ích gì khi người có quyền họ không như thế. Họ muốn tráo đổi thế nào chả được. Đành mũ ni che tai thôi.

Một năm đã trôi qua dư chấn của những điều tồi tệ nhất vẫn còn đeo đẳng. Kẻ viết bài này vốn là người cũng hay xúc động, là người cũng không biết giấu cảm xúc của mình trước cái hay cái dở của cuộc sống nhưng giờ thì cũng chậc lưỡi, lắc đầu, bất lực giơ tay rồi. Chả có gì quan trọng nữa. Chẳng biết nên buồn hay nên vui đây?

Hà Nội, ngày 29/8/2012

Nguyễn Thị Hồng Ngát