Lúng túng quy hoạch, loạt dự án dài cổ chờ
Theo đại diện Bộ Công Thương, hơn một năm trở lại đây, Bộ đã tiếp nhận đề xuất của cả trăm nhà đầu tư với tổng cộng khoảng 340 dự án điện mặt trời, điện gió với tổng công suất dự kiến khoảng 28.000 MW, trong đó, điện mặt trời khoảng 26.000MW và số còn lại điện gió.
Tuy nhiên, tính đến hết năm 2018, số dự án được điện gió và điện mặt trời được phê duyệt để bổ sung quy hoạch mới chỉ khoảng 7.500MW. Như vậy, vẫn còn trên 20.000MW điện gió, điện mặt trời đang “xếp chỗ”. Trong số này, có không ít các dự án với công suất lên đến hàng trăm MW. Điển hình cụm nhà máy điện gió Hoa kỳ - Bạc Liêu 608 MW vừa được UBND tỉnh Bạc Liêu có văn bản đề nghị Bổ Công Thương bổ sung quy hoạch vào cuối năm 2018.
Một dự án điện mặt trời đang triển khai. Ảnh: Lương Bằng |
Cùng thời gian này, Bạc Liêu cũng đề nghị bổ sung quy hoạch điện gió Hoà Bình (với 3 nhà máy), có tổng công suất 246,4 MW. Tháng 12/2018, dự án điện gió Sóc Trăng số 11 có công suất 100,8 MW vừa được UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị Bộ Công Thương bổ sung...
Chỉ riêng trong lĩnh vực điện gió, chưa đầy một tháng cuối năm 2018, Bộ Công Thương đã tiếp nhận ít nhất 3 đề xuất bổ sung quy hoạch cho các dự án với tổng công suất vượt 1.000 MW.
Tuy nhiên, thực tế việc xem xét bổ sung quy hoạch các dự án này đang vướng do triển khai luật Quy hoạch mới từ 1/2019, trong khi nghị định hướng dẫn chưa ban hành. Tinh thần của Luật Quy hoạch khác rất nhiều so với công tác quy hoạch mà chúng ta vẫn làm từ trước.
Chẳng hạn, ngành điện có quy hoạch năng lượng nói chung, có quy hoạch điện lực quốc gia, quy hoạch điện lực tỉnh, vùng như 7 vùng kinh tế, ngoài ra có quy hoạch cho từng dạng như điện gió, điện mặt trời. Thế nhưng, theo Luật Quy hoạch mới, ngành điện chỉ còn 2 quy hoạch: một là quy hoạch điện quốc gia; hai là phần điện lực được tích hợp trong quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương, tức quy hoạch tỉnh.
“Cả 2 loại này đều do Thủ tướng phê duyệt”, đại diện Bộ Công Thương nói. Bên cạnh đó, theo Luật Điện lực, để triển khai các dự án điện phải theo quy hoạch. Cho nên để triển khai tiếp công tác quy hoạch, phát triển các dự án điện hiện nay, thì phải chờ hướng dẫn Luật Quy hoạch.
Bộ Công Thương cho rằng: Trước khi Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và Quy hoạch tỉnh giai đoạn mới được phê duyệt, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Công Thương thực hiện bổ sung quy hoạch như quy định trước đây, cụ thể là Bộ tiếp tục thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các dự án nguồn điện có công suất trên 50 MW, các dự án lưới điện có cấp điện áp từ 220 kV trở lên; thẩm định và phê duyệt bổ sung quy hoạch các dự án nguồn điện từ 50 MW, các dự án lưới điện cấp điện áp 110 kV.
Trong giai đoạn chuyển tiếp, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết cho phép Bộ này có đủ thẩm quyền để tiếp tục thẩm định bổ sung các dự án nguồn và lưới điện như hiện nay.
Bộ Công Thương nhấn mạnh, việc thực hiện như trước đây sẽ giúp đáp ứng kịp thời tiến độ đầu tư công trình điện để đáp ứng nhu cầu cấp điện cho phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời, giúp thực hiện chiến lược phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam, các cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió, điện mặt trời đáp ứng tiến độ được hưởng giá ưu đãi như đối với điện mặt trời là 30/6/2019 tại quuyết định 11 và điện gió là 1/11/2021 (tại quyết định 39 năm 2017). Nếu không, các dự án này nguy cơ sẽ lỡ tiến độ để hưởng giá tốt.
Chậm triển khai các dự án điện sẽ khiến nguy cơ thiếu điện thêm hiện hữu. Ảnh: Lương Bằng |
Vướng khắp nơi, đề nghị Quốc hội gỡ khó
Không chỉ trong lĩnh vực điện, nhiều dự án công nghiệp cũng có nguy cơ đình trệ. Một đại diện của UBND tỉnh Ninh Thuận kể: Vừa rồi tỉnh cũng xin thay đổi quy hoạch một số dự án titan để thực hiện các dự án năng lượng hay dự án nghỉ dưỡng, nhưng đều vướng cả.
Thực tế, thời gian qua, Văn phòng Chính phủ nhận được ý kiến của các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, GTVT, Công Thương phản ánh khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai Luật Quy hoạch. Theo đó, có tới 39 quy hoạch ngành quốc gia, 63 quy hoạch tỉnh chưa thể triển khai do chưa có hướng dẫn cụ thể; khoảng 25 quy hoạch của các ngành không thể ban hành; khoảng hơn 368 dự án đầu tư sản xuất công nghiệp không thể triển khai vì vướng quy hoạch, tập trung ở 91 dự án lưới điện, 210 dự án điện mặt trời,...
Trong cuộc làm việc của Tổ công tác Thủ tướng mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng bày tỏ sự băn khoăn không biết bao giờ quy hoạch quốc gia, quy hoạch tỉnh tích hợp được.
“Thủ tướng rất quan tâm vấn đề này. Vừa rồi họp thường trực Chính phủ các Bộ trưởng kiến nghị rất nhiều. Một nhà máy điện khởi công muốn đầu tư cũng không được. Một dự án giao thông muốn triển khai cũng phải dừng lại vì không có trong quy hoạch mà không bổ sung được. Nếu không sớm xử lý thì tất cả đình trệ hết”, ông Mai Tiến Dũng lo ngại.
Trong báo cáo gần đây gửi Thủ tướng Chính phủ, cơ quan soạn thảo Luật Quy hoạch là Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề cập đến hàng loạt khó khăn, vướng mắc khi triển khai luật này.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận một số quy hoạch ngành quốc gia trước đây được quy định ở luật chuyên ngành nhưng hiện nay quy định của các luật chuyên ngành đã hết hiệu lực kể từ ngày 1/1/2019 và phải thực hiện theo quy định của Luật quy hoạch. Do đó việc điều chỉnh cục bộ các quy hoạch này không thể thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành đã hết hiệu lực.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến chỉ đạo về việc báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết riêng để xử lý tổng thể việc chuyển tiếp các quy hoạch bao gồm: Gia hạn thời hạn hiệu lực của pháp luật chuyên ngành có liên quan để thực hiện việc điều chỉnh các quy hoạch cho tới khi quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 được phê duyệt; cho phép triển khai tổ chức lập đồng thời quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030.
Lương Bằng