Yên Bái ban hành mới mã định danh phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử
Theo ước tính, việc gửi nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia giúp tiết kiệm khoảng 1.200 tỷ đồng/năm từ chi phí sao chụp, bưu chính... (Ảnh: Thoibaotaichinhvietnam.vn)

Đây là 36 mã định danh của các sở, ban, ngành; các huyện, thị xã, thành phố và một số đơn vị khác thuộc, trực thuộc UBND tỉnh.

Các mã định danh quy định ở trên được dùng để xác định (phân biệt) các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Yên Bái tham gia trao đổi văn bản điện tử thông qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành; Tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các ứng dụng CNTT tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật quy định tại Thông tư 10 ngày 1/4/2016 của Bộ TT&TT.

Trước Yên Bái, một số địa phương như Đà Nẵng, Cao Bằng cũng đã ban hành mới Danh mục mã định danh các cơ quan, đơn vị phục vụ việc trao đổi văn bản điện tử, thay thế cho các Danh mục đã ban hành trước đó.

Để thực hiện Quyết định 28 ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, trung tuần tháng 3/2020, Bộ TT&TT đã có Quyết định 395 hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức  sử dụng mã định danh văn bản và Bộ tiêu chí về chức năng, tính năng kỹ thuật trong xây dựng hệ thống Quản lý văn bản, điều hành (Phiên bản 1.0).

Liên quan đến việc gửi nhận văn bản điện tử, theo thống kê, kể từ khi Trục liên thông văn bản quốc gia được khai trương, đưa vào vận hành chính thức ngày 12/3/2019 cho đến ngày 22/6/2020, hiện đã có gần 2,1 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận qua Trục (gồm trên 520 nghìn văn bản gửi và hơn 1,5 triệu văn bản nhận); góp phần giảm thời gian, chi phí xã hội.

Ngoài 94/94 bộ, ngành, địa phương, Trục liên thông văn bản quốc gia đã triển khai kết nối liên thông gửi, nhận văn bản điện tử với Văn phòng Trung ương Đảng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cùng các tổ chức chính trị - xã hội.

Viết Chung