Chiều 10/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV.

Báo cáo việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan  nêu rõ, việc ban hành Nghị quyết này đã thể hiện sự phối hợp chặt chẽ, đoàn kết, thống nhất cao của các cơ quan Nhà nước và cả hệ thống chính trị...

Việt Nam đã đạt mục tiêu kiểm soát dịch được dịch, đưa đất nước về trạng thái bình thường mới, từng bước phục hồi, ổn định và phát triển KTXH.

Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan. Ảnh: Phạm Thắng

Để tiếp tục duy trì vững chắc thành quả phòng chống dịch và dự phòng nguy cơ dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chính phủ đề nghị Quốc hội tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện việc gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc theo Nghị quyết số 30 thêm 1 năm (đến hết ngày 31/12/2023).

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định, dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường dẫn đến nhiều khó khăn trong thực hiện thủ tục gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc theo quy định hiện hành. Số lượng hồ sơ gia hạn cần giải quyết rất lớn (trên 14.000 hồ sơ) và tiếp tục tăng lên, trong khi, nhân lực thẩm định hồ sơ thiếu trầm trọng.

Việc gia hạn này không ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn, hiệu quả của thuốc do các thuốc này đã được đăng ký lưu hành nhiều năm tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới (trong đó, có nhiều quốc gia quản lý dược chặt chẽ).

Trường hợp không gia hạn kịp thời sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và hoạt động cung ứng thuốc phục vụ nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh ở mọi chuyên khoa, ở tất cả các tuyến điều trị.

Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội tiếp tục cho phép áp dụng một số chính sách đặc biệt, đặc thù, đặc cách về khám chữa bệnh, thuốc, vắc xin, trang thiết bị y tế như các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 đang hoạt động được phép tiếp tục hoạt động; tiếp tục thực hiện thí điểm khám bệnh, chữa bệnh từ xa….

Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Ngoài ra, Quyền Bộ trưởng Y tế cho biết, một số thuốc, vật tư, hoá chất, sinh phẩm mua từ ngân sách nhà nước và được viện trợ, tài trợ để phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 có nguy cơ không sử dụng hết trước hạn do hiện tại nhiều nơi gần như không còn bệnh nhân điều trị Covid-19. Đặc biệt là sinh phẩm xét nghiệm Realtime RT- PCR do chiến lược xét nghiệm thay đổi, tình hình dịch đã được kiểm soát.

Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết tâm lý lo ngại, sợ sai sau vụ tiêu cực liên quan đến trục lợi trong mua sắm trang thiết bị y tế xảy ra thời gian qua đã gây nên tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, ảnh hưởng đến phòng, chống dịch.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, việc áp dụng các cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách được thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả; công tác huy động nguồn lực và ngoại giao vắc xin đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngành y tế trong việc bảo đảm vắc xin, thuốc vật tư y tế trong phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, việc mua sắm trang thiết bị, vật tư, hóa chất y tế, kít xét nghiệm phục vụ công tác điều trị Covid-19 còn một số bất cập.

Việc quản lý thuốc điều trị Covid-19 có lúc còn chưa chặt chẽ, một số sai phạm nghiêm trọng trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, gây bức xúc trong dư luận. Khi dịch bệnh được kiểm soát, tại các địa phương và cơ sở y tế, có tình trạng vắc xin, thuốc, trang thiết bị, hóa chất còn dư, chưa được sử dụng nhưng chưa có phương án xử lý để tránh lãng phí.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh. Ảnh: Phạm Thắng

Về các kiến nghị, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ có báo cáo đánh giá tổng kết việc thực hiện một cách đầy đủ để đề ra phương hướng, danh mục cụ thể các chính sách, biện pháp nêu Nghị quyết 30 cần được tiếp tục duy trì sau ngày 31/12/2022 để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Đặc biệt, trước tình trạng trong năm 2023 có nguy cơ thiếu thuốc khi hơn 14.000 hồ sơ sẽ hết hiệu lực đăng ký lưu hành, đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân của nguy cơ thiếu thuốc này và có tờ trình chính thức để Quốc hội xem xét, quyết định.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị khẩn trương rà soát các chế độ, chính sách, thực hiện chi trả đầy đủ, đảm bảo quyền lợi đối với lực lượng tham gia phòng, chống dịch, nghiên cứu đề xuất các chế độ, chính sách đãi ngộ đặc biệt, phù hợp, thu hút, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế; sớm ổn định tâm lý cán bộ y tế trong bối cảnh có nhiều trường hợp bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự.