Ngày 10/9, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết cuối ngày và đêm 7/9, rạng sáng 8/9, khi bão Yagi đổ bộ vào các tỉnh phía Bắc, các bác sĩ đã tiếp nhận, điều trị cho 9 bệnh nhân bị rắn độc và các động vật gây độc khác cắn, chiếm phần lớn các ca nhập viện.

Hầu hết bệnh nhân bị nạn khi ra ngoài kiểm tra sân vườn, ruộng trong và sau bão, dọn bờ cây, bụi cỏ, lá cây. Một trường hợp đang ngủ bị rắn chui vào nhà cắn. 

Tiến sĩ Nguyên cho biết thời tiết mưa, ẩm ướt, lũ lụt, môi trường sống bị phá vỡ là điều kiện để các loài rắn, côn trùng… ra khỏi nơi trú ẩn, tìm kiếm thức ăn, rất dễ tiếp xúc với con người gây tai nạn. 

cap cuu ran can.png
Cấp cứu bệnh nhân bị rắn cắn tại Trung tâm Chống độc. Ảnh: BVCC. 

Theo bác sĩ Nguyên, các loài rắn và côn trùng có độc ưa hoạt động vào ban đêm. Đặc biệt, rắn cạp nong, cạp nia cắn không gây đau, sưng, không để lại dấu vết, không gây biến dạng bất thường tại vết cắn. Vì vậy, nhiều nạn nhân khi được phát hiện đã liệt, khó thở, thậm chí tử vong và nhầm với nhiều bệnh khác.

Bác sĩ Nguyên khuyến cáo để phòng tránh rắn, côn trùng có độc cắn, cần chú ý quan sát kỹ khi dọn dẹp sau bão, đặc biệt là khu vực để rác, lá và bụi cây, đống gạch, khe hốc… nơi hay có rắn và động vật có độc cư trú.

Ban đêm ra ngoài vùng mưa lũ ngập, người dân nên đi ủng, đeo găng tay, đội mũ, đóng cửa kín ở tầng 1 tránh rắn chui qua khe vào nhà. Tuyệt đối không chủ động bắt rắn. Khi rắn, côn trùng cắn, người dân nên đến cơ sở y tế để được chăm sóc. 

2. Phan biet vet ran can 3 727x1024.jpg
Tư vấn sơ cứu rắn cắn. Nguồn: BV Đa khoa tỉnh Thái Bình.