Tờ Politico hôm 27/12 đưa tin cả Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đều khẳng định không có thay đổi chính thức nào về chính sách đối với xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, 2 quan chức giấu tên trong chính phủ Mỹ bao gồm một phát ngôn viên Nhà Trắng, và một nhà ngoại giao châu Âu lại đưa ra nhận định khác. 

Theo các nguồn tin của Politico, giới chức Mỹ và châu Âu “đang thảo luận về việc tái triển khai binh sĩ Ukraine” khỏi cuộc phản công bị coi là thất bại từ đầu tháng 6 sang thế phòng thủ.

nga ukraine 7.jpg
Binh sĩ Ukraine. Ảnh: New York Times

Nguồn tin nhấn mạnh thêm, Tổng thống Mỹ Joe Biden từng cam kết hỗ trợ Ukraine “chừng nào cần thiết”, nhưng hiện chuyển thành “chừng nào chúng tôi còn có thể”. 

Phát ngôn viên giấu tên của Nhà Trắng chia sẻ với Politico rằng, các cuộc đàm phán luôn là mục tiêu cuối cùng của Mỹ ở Ukraine, và tất cả hoạt động viện trợ cho Kiev nhằm mục đích trao cho Ukraine “ưu thế mạnh nhất khi đàm phán được tiến hành”.  

Ngoài ra, ông Biden muốn có lệnh ngừng bắn ở cả Ukraine và Trung Đông, vì việc ông ủng hộ cuộc tấn công của Israel ở Dải Gaza đang “khiến ông phải trả giá bằng sự ủng hộ” của các đảng viên đảng Dân chủ, và ông muốn “tránh những tin tức xấu trong năm bầu cử”.

Hồi tuần trước, tờ New York Times đưa tin Nga có thể sẵn sàng chấp nhận lệnh ngừng bắn nhằm đóng băng xung đột Ukraine. Nhưng Điện Kremlin đã bác bỏ thông tin này, trong khi Kiev tố cáo tờ báo Mỹ đang làm việc cho Nga.

Còn theo các nguồn tin, điều Nhà Trắng lo ngại hiện nay là Nga có thể không sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán với Ukraine cho đến sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024. Ngoài ra, Nga còn có thể tiến hành các đợt tấn công mới vào mùa xuân năm 2024.

Bán đảo Crưm thuộc Ukraine nhưng đã sáp nhập vào lãnh thổ Liên bang Nga hồi năm 2014. Tới năm 2022, 4 vùng Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson của Ukraine cũng đã sáp nhập vào Nga.