Chợt nhớ tới cô người mẫu chân dài Ngọc Trinh. Câu nói hồn nhiên và tỉnh bơ của cô không có tiền, cạp đất mà ăn à, hẳn rồi sẽ… dài theo thời gian. Vì vô tình câu đó nói hộ “nỗi lòng” của bao vị.
Cứ tưởng cái chuyện xây bảo tàng đã được cho vào… bảo tàng từ lâu bởi quá nhiều thứ bất cập, thì đột nhiên vụ việc xây Bảo tàng Lịch sử Quốc gia lại nổi lên trong tuần này như một “hiện vật” đáng chú ý, thu hút hàng triệu con mắt bạn đọc.
Chúng ta đang làm ngược!
Cái “hiện vật” này, dù mới ở dạng dự án, nhưng những phác thảo của nó cho thấy rất hoành tráng, chiếm khoảng 10 hecta ở khu đô thị mới Tây Hồ Tây (Từ Liêm, Hà Nội). Cũng vì thế, mà số tiền đầu tư cho công trình xây dựng này “hoành tráng” không kém - 11.277 tỷ đồng. Cũng bởi số tiền đầu tư hoành tráng quá, khiến dư luận XH thành ra của đau con xót. Và dư luận XH có lý.
Vì ngay lập tức, người ta nhớ đến một “hiện vật bảo tàng” bề thế không kém, vẫn đang phải chịu cảnh bia miệng trơ trơ. Đó là Bảo tàng Hà Nội.
Người viết bài mãi không quên được cái cảm giác sửng sốt, sững sờ lần đầu tiên nhìn thấy kiến trúc của Bảo tàng HN. Rũ ra cười. Cười xong, bỗng thấy rất ngượng ngùng. Bởi không hình dung nổi một công trình kiến trúc, diện mạo văn hóa của Thủ đô lại phi lý đến thế. Một cái nhà to tướng lộn ngược, nghênh ngang, mà đứng về phong thủy, thì cảm giác cho thấy sự… phiêu lưu, chông chênh, không vững chãi, cho dù phía trước là hồ nước biểu trưng cho tiền vào như nước
Cũng đúng là tiền vào như nước cho… cái kiến trúc rất xấu xí và phi lý này- tới 2.300 tỉ đồng. Rút cục đến giờ, khi nói về Bảo tàng HN, dân gian hay dùng thành ngữ vắng như chùa Bà Đanh. Còn hiện vật trưng bầy tại bảo tàng thì lèo tèo không kém. Phó Gs-Ts Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc, từng gọi những thứ đang trưng bày tại bảo tàng chỉ là “lấp chỗ trống”: Đấy chưa gọi là trưng bày chuyên nghiệp mà mới chỉ là những thứ mang tính nhất thời thôi (Thanh niên, ngày 17/7). Chưa kể mới khánh thành ít lâu, công trình đã xuống cấp như… đạo đức xây dựng hiện nay, mỗi trận mưa to, bảo tàng lại dột từ nóc dột xuống.
Còn nhiều năm trước đó, ngày 08/10/2012 trao đổi với VnExpress, Gs Sử học Lê Văn Lan cho rằng, chúng ta hì hục xây dựng một bảo tàng chi phí hàng nghìn tỷ mà không tính đến cái ruột của nó là điều vô lý. Để bây giờ bảo tàng đã mở cửa song rất ít người đến thăm, trong khi vẫn phải có một bộ máy quản lý, bảo quản các hiện vật.
|
Mô hình Bảo tàng Lịch sử quốc gia quy mô trên 11.000 tỉ đồng. Ảnh: T.L |
Chưa kể, theo báo cáo tài chính mới được Vinaconex công bố, tính đến hết quý 1/2015, Sở Xây dựng HN đang nợ đơn vị này 1.589 tỉ đồng khoản thu từ việc đầu tư xây dựng Bảo tàng HN theo hình thức BT, từ năm 2010, chưa kể tiền lãi (Thanh niên, ngày 17/7)
Đồng ý rằng việc đầu tư cho văn hóa không thể coi là đầu tư ra tiền bạc ngay, nhưng cũng xin đừng nhân danh, lợi dụng đặc thù đó để lãng phí, làm ẩu thông qua các công trình kiến trúc bảo tàng, nhà văn hóa vừa xấu vừa đứng lẻ loi, bẽ bàng trơ gan cùng tuế nguyệt bởi tiếng dở đồn xa, vì thế, càng ít khách thăm.
Nhưng lại có người tổng kết hệt người mẫu chân dài Ngọc Trinh: Không dự án, cạp đất mà ăn à?
Bỗng nhớ đến các bảo tàng các quốc gia trên thế giới, mà người viết bài có dịp đến thăm: Bảo tàng Louvre (Pháp), Bảo tàng Anh (Anh Quốc), Bảo tàng di sản quốc gia Hermitage (St. Peterburg- Nga), Bảo tàng tư nhân của dòng họ Mêdixi (Italia)… Mỗi bảo tàng là một sắc thái riêng biệt về cả bề dày, đỉnh cao và chiều sâu văn hóa của các thời đại lịch sử mỗi quốc gia, thông qua muôn ngàn hiện vật “biết nói” từ cổ đại tới đương đại. Để rồi ngưỡng mộ, khâm phục tài trí con người quá, nhất là trân trọng thái độ các quốc gia khi họ biết cách đầu tư vào văn hóa, thế hiện vị thế kiêu hãnh của quốc gia họ. Chả thế, các bảo tàng lúc nào cũng ngựa xe như nước áo quần như nêm.
Trong khi đó, rất đáng buồn, hãy xem nước Việt, có bề dầy “hàng nghìn năm lịch sử” và nền văn hóa văn minh lúa nước đặc sắc, thời hiện đại này, người ta xây dựng bảo tàng, làm văn hóa bảo tàng với sự hiểu biết ra sao.
Đâu chỉ có Bảo tàng HN như một minh chứng cho sự kém cỏi thiếu tầm tư duy tổng thể về bảo tàng, các tỉnh khác, với tâm lý con gà tức nhau tiếng gáy, cũng đua nhau thể hiện văn hóa tỉnh mình. Rút cục rơi vào trạng thái giống nhau như anh em cùng “tông chi họ hàng”.
Hãy nghe một khách thăm Bảo tàng Ninh Thuận thẳng thắn trên vitalk.vn, ngày 26/6: Nhìn bên ngoài bảo tàng thật bề thế, có kiến trúc đẹp mắt. Tuy nhiên vào trong thì toàn bộ chắc khoảng được 100 "hiện vật". Nói là "hiện vật" cho sang thôi chứ các vật trưng bày đều rất tầm thường. Đó là các chứng nhận của tỉnh và cả một góc hoành tráng trưng bày yến sào, không quên in ảnh chủ doanh nghiệp to hơn người thật và số điện thoại liên hệ. Tất cả bảo tàng đi thăm mất khoảng 10 phút là hết (?)
|
Hạng mục Tả Vu và Hữu Vu của Văn Miếu Hà Tĩnh. Ảnh: Dân trí |
Mà cũng đâu chỉ có bảo tàng đòi hỏi thiết kế, trưng bầy công phu, có thông điệp, có tư tưởng từ quá khứ đến hiện tại. Ngay nhà văn hóa, các kiến trúc về Văn Miếu các tỉnh cũng… rứa.
Cách đây ít lâu, huyện Đan Phượng- HN đã khiến nhiều địa phương cả nước ghen tỵ vì độ chơi sang, khi dám đầu tư 117 tỉ đồng, để xây một nhà hát cấp huyện, diện tích sàn 7.100 m2, có sức chứa ngang Nhà hát Lớn. Chỉ tiếc, sau 02 năm khởi công xây dựng thì đắp chiếu vì thiếu vốn. Không biết đến bao giờ các nghệ sĩ mới có cơ biểu diễn. Chỉ biết hiện nay, đây là nơi các “diễn viên”…. chuột suốt ngày chí chóe, chit chit.
Rồi cũng tiếp sau con đường mòn ấy của Vĩnh Phúc, mới đây, theo Dân trí, ngày 29/7, TP Hà Tĩnh cũng đang xây công trình Văn Miếu gần 80 tỷ đồng. Thế nhưng xây xong lại không biết thờ ai ?!
Không biết mốt bảo tàng to, cổ vật nhỏ, mốt xây Văn Miếu xong không biết thờ ai có phải là xu thế thời thượng của văn hóa nước Việt hay không? Chỉ biết, ý kiến của các nhà chuyên môn, các chuyên gia xung quanh Bảo tàng Lịch sử Quốc gia rất đáng suy nghĩ.
Ông Nguyễn Văn Huy, nguyên GĐ Bảo tàng Dân tộc học, Ủy viên HĐ tư vấn khoa học cho Ban quản lý xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia:
Bảo tàng HN với vốn đầu tư 2.300 tỉ đồng xây dựng cho kịp Đại lễ 1.000 năm TL – HN giờ này vắng vẻ, xuống cấp đã là một bài học đau xót. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia còn to hơn gần 05 lần (tính theo vốn đầu tư) thì vận hành nó còn phức tạp hơn bao nhiêu lần?
Muốn làm một bảo tàng đúng nghĩa, phải tổng kiểm kê nhân lực và hiện vật, xây dựng phương án trưng bày, lên kịch bản từ tổng thể đến chi tiết, đưa ra những phương án tiếp cận mới, chiến lược thu hút người xem... Nhưng hiện tại tôi chưa thấy ai làm việc đó cả. Bên xây chỉ lo xây, bên quản lý hiện vật chỉ lo sưu tầm và mua thêm hiện vật. Tất cả những động thái đó đều không phải là bản chất, là cốt lõi của công tác bảo tàng.
Ts. KTS Nguyễn Quốc Thông (Phó CT Hội KTS VN): Ở tất cả các nước có hệ thống bảo tàng tiên tiến khác, phải có một dây chuyền bảo tàng chuyên nghiệp rồi người ta mới tiến hành làm cái vỏ, có nghĩa là có con người, có hiện vật, có công nghệ vận hành rồi mới xây nhà bảo tàng. Còn chúng ta đang làm ngược lại. Cứ xây cái đã, trong ruột có gì tính sau (!)
Chúng ta đang làm ngược lại!
Người viết bài chợt nghĩ về kiến trúc Bảo tàng HN. Chả lẽ, cái vóc dáng lộn ngược phi lý đó lại ứng nghiệm luôn vào cái cách làm văn hóa của nước Việt hôm nay?
“Loạn… cán bộ”
Cũng cứ tưởng câu chuyện hài hước - lái xe- sau một đêm ngủ dậy bỗng trở thành phó chánh văn phòng huyện, đã đi vào dĩ vãng, sau những phản ứng, chỉ trích của dư luận XH, thì mới đây, cái cách bồi dưỡng cán bộ “kế cận” oái oăm kiểu này bỗng nhiên được nhắc đến, như là một con đường độc đáo trong hành trình tiến thân của một số lái xe cho huyện ủy, nhất là ở Thanh Hóa. Và hiện tượng này cũng là kết quả nghiên cứu vừa công bố của Viện Khoa học Thanh tra (Thanh tra CP) liên quan đến việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, thu hồi tài sản tham nhũng.
Điển hình của vụ việc là các lái xe của các huyện Tĩnh Gia, Nông Cống, Lang Chánh…, đều trở thành Phó, Chánh VP huyện ủy, Phó Chánh VP HĐND- UBND, trong khi họ đều không có bằng cấp chuyên môn nghiệp vụ liên quan gì đến “cái ghế” này. Khiến cho dân gian nói vui, có một con đường tiến thân lên quan chức khá nhanh là làm lái xe…. huyện ủy!
Ông Đinh Văn Minh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra cho biết, yếu tố năng lực không được đề cao và không phải là then chốt trong việc tuyển dụng này.
|
Biểu đồ kết quả khảo sát yếu tố tác động đến tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức. Ảnh: T.Hằng |
Tuyển dụng mà yếu tố năng lực không được đề cao thì đề cao cái gì nhỉ?
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, 43,2% người được hỏi cho rằng yếu tố người có thẩm quyền tác động có ảnh hưởng đến sự thành công trong việc tuyển dụng công chức, viên chức. 37% nhìn nhận yếu tố tặng quà, tiền và có người thân quen tác động đến sự thành công trong tuyển dụng cán bộ, công chức (VietNamNet, ngày 29/7).
Cũng đừng tưởng khi dư luận XH phản ứng, các đ/c bí thư, chủ tịch các huyện đã thấy được cái dở của mình đâu. Ngược lại, các đ/c cãi chầy cãi cối, để làm đẹp lòng cả hai bên, bên dư luận XH, và bên… lái xe. Còn vì sao mà các đ/c biện hộ đến vậy, thì chỉ có các đ/c đó và các lái xe kiêm Chánh, Phó VP huyện ủy biết với nhau.
Thú vị nhất là ý kiến của một quan chức Huyện ủy Nga Sơn trước đó, năm 2014 trên báo GDVN, ngày 26/3 nhận xét về năng lực các lái xe:“Trong quá trình làm lái xe cho Bí thư và Chủ tịch, lãnh đạo huyện nhận thấy anh em có tinh thần học hỏi và trưởng thành theo phong cách làm việc của lãnh đạo” (?)
Còn ông Chủ tịch UBND huyện Nga Sơn cho rằng: Xét về lý thì phải làm theo quy định, nhưng cũng phải nghĩ đến cái tình bởi lẽ cũng nên để cho anh em có chút chức vụ trước khi về hưu cho mát mặt anh em, họ hàng.
Người viết bài bỗng… mất điện luôn, trước những tâm sự này, ngẩn ngơ mà không thể bình.
Thế nên, những hiện tượng nhiều lái xe trở thành các Phó, Chánh VP Huyện ủy, Ủy ban các huyện mà đề tài nghiên cứu của Viện Khoa học TT liệu có góp phần vào một thực trạng đáng quan tâm, mà báo chí đã và đang lên tiếng báo động? Đó là“Chứng minh nghịch lý càng tinh giản, biên chế càng tăng” (Đất Việt, ngày 17/4/2014), “Biên chế công chức: Một số tỉnh đã làm trái luật” (VnEconomy, ngày (24/5/2015), “Tinh giản biên chế trước nhiều thách thức” (NLD, ngày 5/7/2015)…
Đại biểu dự một hội thảo về vị trí việc làm do Bộ Nội vụ tổ chức. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Theo các bài báo này thì số liệu của Bộ Nội vụ cho biết, qua 05 năm thực hiện Nghị định 132 của CP về tinh giản biên chế, đến cuối năm 2012, tổng số biên chế cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp huyện tăng thêm 388 – 480 người và CBCC cấp xã tăng hơn 14.000 biên chế. Tổng biên chế cả nước năm 2013 cũng tăng hơn năm 2012. Riêng HN, tổng biên chế năm 2013, so với trước khi có chủ trương tinh giản biên chế tăng 4.704 người. Nhiều tỉnh có số biên chế rất cao, như Nghệ An 18.000 người, Thanh Hóa 17.300 người, nhiều hơn cả CBCC ở TP. Hồ Chí Minh - nơi có số dân đông nhất và nhiều cơ quan hành chính công.
Còn báo cáo mới nhất của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình- kết quả thực hiện nghị quyết của QH về chất vấn và trả lời chất vấn- cho thấy số lượng cấp phó trong các cơ quan hành chính nhà nước còn vượt so với quy định của pháp luật. Một số địa phương vẫn có tình trạng tự ý quyết định vượt thẩm quyền và sử dụng vượt chỉ tiêu biên chế công chức được giao.
Chợt nhớ chuyện dân ở các xã của huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) suốt 10 năm qua oằn lưng đóng các khoản phí vô lý, trong đó có việc nuôi các loại cán bộ xã. Đủ biết “loạn… cán bộ” là nỗi sợ không chỉ riêng nhà nước, mà còn là của dân.
Vậy nhưng chuyện tinh giản bộ máy này, một khi trót phình to ra lại không đơn giản, thậm chí rất phức tạp. Nhất là ở những thời điểm nhạy cảm. Chả thế, chuyên viên cao cấp Diệp Văn Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng Bộ Nội vụ, kể lại chuyện cựu TT Phan Văn Khải trước diễn đàn QH đã từng nhắc lại câu nói chua chát của một chủ tịch tỉnh rằng “mình vừa có ý định thay nó (một giám đốc sở) thì nó đã vận động thay mình”(?)
Cải cách hành chính, tinh giản biên chế, gọn nhẹ bộ máy là chủ trương đúng đắn. Thế nhưng, nếu làm không cẩn thận, thì nó cũng có thể hàm chứa trong đó những hành động... không đúng đắn.
Thế nên muốn chống tham nhũng, cần cơ chế quản lý công khai, minh bạch.
Còn muốn tinh giản bộ máy, biên chế cồng kềnh, công cuộc cải cách hành chính này lại cần gắn rất chặt với việc ngăn chặn, phòng chống tham nhũng hiệu quả.
Chợt nhớ tới cô người mẫu chân dài Ngọc Trinh. Câu nói hồn nhiên và tỉnh bơ của cô không có tiền, cạp đất mà ăn à, hẳn rồi sẽ … dài theo thời gian. Vì vô tình câu đó nói hộ “nỗi lòng” của bao vị quan chức, cán bộ.
Và cũng vô tình, giữa chuyện bảo tàng nghìn tỷ đến chuyện “loạn… cán bộ”, lại nối với nhau chỉ bằng một sợi dây kim tiền mong manh mà bền chặt!