Mức độ tàn phá hệ sinh thái quanh các đảo đang ngày một trầm trọng do các hoạt động nạo vét và xây dựng hạ tầng với mục đích quân sự của Trung Quốc diễn ra gay gắt.

“Trách nhiệm bảo vệ” là điều các học giả luôn đề cập đến trong việc duy trì sự cân bằng giữa an ninh quốc gia và an ninh con người. Nhưng đối với các trường hợp đan xen tranh chấp chủ quyền phức tạp, khái niệm này lại là một vấn đề gây tranh cãi.   

Biển Đông là một ví dụ điển hình của mâu thuẫn “trách nhiệm bảo vệ” sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống và sinh kế của hàng triệu người dân như thế nào. Mức độ tàn phá hệ sinh thái bao gồm nguồn cá, san hô và các sinh vật biển quanh các đảo đang ngày một trầm trọng do các hoạt động nạo vét và xây dựng hạ tầng với mục đích quân sự của Trung Quốc diễn ra gay gắt. Bên cạnh đó là một câu chuyện cũ nhưng luôn mới: hoạt động khai thác quá mức của các quốc gia ven biển.

{keywords}

Những bức ảnh vệ tinh cho thấy, có ít nhất 3 nhà chứa máy bay trên Đá Vành Khăn. Ảnh CSIS/AMTI

Mối nguy từ đảo nhân tạo

Những hình ảnh vệ tinh đã cho thấy thiệt hại về môi trường sống của rặng san hô ở quần đảo Trường Sa.

Rặng san hô tại các hòn đảo xa và các đảo san hô vòng tuy ít chịu ảnh hưởng từ các hoạt động trực tiếp của con người, nhưng lại dễ bị tổn hại bởi sự phát triển vì các mục đích địa chính trị và quân sự. Các nghiên cứu về hoạt động cải tạo và nạo vét bãi ngầm trong quá khứ đã cho thấy tác hại nặng nề đối với rặng san hô.

Nạo vét bãi ngầm ảnh hưởng đến cả các bãi ngầm xung quanh, chứ không chỉ khu vực nạo vét. Chẳng hạn, những năm 1960, 440 hecta bãi ngầm đã bị phá hủy hoàn toàn trên đảo Johnson (Mỹ), nhưng hơn 2.800 hecta của các bãi ngầm xung quanh cũng đã bị ảnh hưởng.  

Trong hồ sơ đệ trình lên Tòa Trọng tài, Chính phủ Philippines ước tính những rặng san hô của quần đảo Trường Sa đóng góp khoảng 100 triệu USD cho ngành thủy sản giá trị cao. Xem xét khu vực dưới góc độ tổng thể, con số này có thể gấp nhiều lần.

Phá hủy hệ sinh thái và làm xói mòn an ninh lương thực là vấn đề vô cùng nghiêm trọng. Nó tước đoạt sinh kế truyền thống của cộng đồng, khiến nhiều cá thể bỏ qua các khuôn khổ pháp lý, truyền thống quản lý thủy sản và tham gia vào các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp.

{keywords}

Các hình ảnh vệ tinh cho thấy việc TQ tiến hành bồi đắp, xây dựng hạ tầng bảy bãi ngầm đã gây suy giảm đáng kể khu vực rặng san hô. Các rặng san hô tạo ra môi trường sống cho hàng ngàn loài sinh vật và cung cấp thức ăn, sinh kế cho hàng triệu người, đồng thời bảo vệ cho các cộng đồng ven biển khỏi các nhiễu loạn thời tiết quá mức.

Vì vậy, các hoạt động xây dựng hạ tầng không những là mối đe dọa an ninh của các quốc gia tranh chấp. Nó còn đang trở thành mối nguy hại cho sinh kế của người dân, đe dọa hủy hoại môi trường sống tại các đảo và quần đảo nối liền với nhau của các quốc gia Đông Nam Á. Những hành động này ngày càng có xu hướng đơn phương mà chủ yếu xuất phát từ Trung Quốc và chính sách Biển Đông của nước này. 

Khai thác quá mức tài nguyên biển

Bên cạnh các hoạt động chính trị, quân sự, hoạt động khai thác quá mức của con người cũng là một nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm của nguồn cá và các tài nguyên biển trong khu vực.

Theo thông số của Trung tâm nghiên cứu nghề cá, thuộc đại học British Columbia, Biển Đông là một trong những vùng đánh cá dồi dào nhất trên thế giới về sản lượng. Hàng năm nó đóng góp trung bình 11% xuất khẩu thủy sản thế giới.

Đây cũng là xương sống của thương mại hàng hải khu vực và vận tải biển, đặc biệt là một nguồn quan trọng của đa dạng sinh học đại dương. Cũng tại vùng biển này, quyền con người đối với an ninh lương thực là một khía cạnh không được nhắc tới trong những bất đồng biên giới trên biển.

Tuy nhiên, Biển Đông lại là nơi đánh bắt cá tràn lan và phi pháp, không được báo cáo và không có giấy tờ (IUU) của các cá thể trong các quốc gia duyên hải. Nghiên cứu Biển Đông của Allison Witter cho thấy ngư trường của Biển Đông đã bị khai thác quá mức hoặc bị đánh bắt vượt trên giới hạn năng suất bền vững tối đa (MSY) từ những năm 1980.

Từ những năm 1980, các bên của vịnh Lingayen tại Biển Đông đã bị đe dọa bởi đánh bắt cá vượt mức MSY và từ những năm 1990 - 2000, bị đe dọa bởi suy giảm mức đánh bắt trên đơn vị nỗ lực.

{keywords}

Cạn kiệt tài nguyên ở vùng biển gần bờ của Trung Quốc cũng đã khiến chính phủ nước này hỗ trợ đánh bắt cá xa bờ, ngay cả tại những vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) bị tranh chấp. Điều này đã dẫn đến nhiều sự cố đánh bắt cá bạo lực và diễn ra thường xuyên giữa ngư dân Trung Quốc và các cơ quan tuần tra giám sát hàng hải, ngư dân và những người thi hành luật của các quốc gia khác như Việt Nam và Philippines.

Như đã chứng kiến những khu vực xung đột trên toàn thế giới, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên cũng làm tăng nhiều lần nguy cơ chủ nghĩa cực đoan bạo lực, tội phạm có tổ chức, v.v...  Do là một khu vực tồn tại nhiều tranh chấp, nên dù là một nguồn tài nguyên chung, Biển Đông lại không nằm trong khuôn khổ bảo vệ của các hoạt động tập thể và được quản lý bằng các cơ chế đa phương.

Câu hỏi được nhiều học giả đặt ra là làm sao giảm sự tiếp cận sử dụng nguồn tài nguyên. Các quốc gia ven biển đứng trước lựa chọn, hoặc hành động đơn phương, tăng cường an ninh biển, và kéo cả khu vực vào xung đột; hoặc là xây dựng các nguyên tắc, thể chế và xác định các vấn đề tiếp cận mở. Xu hướng đơn phương, và quân sự hóa ở Biển Đông đang gia tăng hiện nay chính là sự đe dọa an ninh con người cho toàn khu vực.    

Minh Võ (từ Đài Loan)