Sự can dự với châu Á

Một trong những vấn đề quan trọng nhất mà chính quyền kế tiếp sẽ phải xem xét là chính sách tương lai của Mỹ đối với châu Á và cụ thể là Trung Quốc. Vị Tổng thống Mỹ kế tiếp sẽ phải đưa ra vô số quyết định quan trọng về cách thức mà Mỹ sẽ can dự hơn nữa với châu Á, quản lý những căng thẳng với Trung Quốc cũng như ứng xử với các tranh chấp đang diễn ra ở Biển Đông.

Kể từ khi chính quyền Obama thực hiện chính sách “Xoay trục châu Á”, Mỹ rõ ràng đã thể hiện việc coi châu Á là mối quan tâm chính yếu trong chính sách đối ngoại của mình. Với việc Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh vào chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, có vẻ như chính sách đối ngoại của Mỹ đã thực sự bắt đầu chuyển từ can thiệp vào Trung Đông sang tập trung vào mối quan hệ thịnh vượng hơn với châu Á.

Đây cũng là điều dễ hiểu. Nền kinh tế châu Á đang ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với thế giới. Chính vì vậy, nhiều học giả đã cho rằng thế kỷ 21 là thế kỷ của châu Á. Đối với Mỹ, việc tập trung chính sách đối ngoại nhiều hơn vào khu vực châu Á chắc chắn sẽ mang lại lợi ích, cả về mặt chiến lược lẫn kinh tế.

{keywords}
Mỹ sẽ tiếp tục gia tăng tần suất các cuộc tập trận với đồng minh và đối tác, các chiến dịch hiện diện và tuần tra nhằm đảm bảo tự do hàng hải

Do cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như căng thẳng đang diễn ra ở Biển Đông, nhiều nhà phân tích dự báo một “cuộc chiến tranh lạnh mới” giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ diễn ra. Một trong những xung đột chính ở khu vực châu Á vẫn là cuộc tranh chấp Biển Đông.

Mặc dù, Mỹ không phải là bên có yêu sách trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông, nhưng Washington có lợi ích mạnh mẽ trong việc đảm bảo tự do hàng hải ở vùng biển này. Nguyên nhân là do Biển Đông là một trong những tuyến thương mại quan trọng nhất của thế giới. Hơn nữa, cuộc tranh chấp ở Biển Đông có thể giúp Mỹ có thêm ảnh hưởng và tính hợp pháp ở Đông Nam Á để bảo vệ các đồng minh của mình trong khu vực.

Ưu tiên đối ngoại

Chính quyền Mỹ dưới nhiệm kỳ Tổng thống của Trump đã tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông và Ngoại trưởng Mỹ hồi tháng 7 đã ra một tuyên bố mạnh mẽ ủng hộ các quốc gia Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền trong cuộc tranh chấp ở vùng biển này. Một câu hỏi được đặt ra là, liệu sau cuộc bầu cử, Mỹ sẽ tiếp tục duy trì chính sách mạnh mẽ ở Biển Đông hay sẽ giảm bớt sự hiện diện tại đây?

Nếu chúng ta chú ý tuyên bố của cả ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden và Tổng thống Donald Trump trong các chiến dịch tranh cử tổng thống, đồng thời xem xét lợi ích của Mỹ ở khu vực này, dường như sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông khó có thể giảm bớt trong tương lai gần.

Cả ông Joe Biden và Donald Trump nhiều khả năng sẽ vẫn coi châu Á nói chung và Trung Quốc nói riêng là ưu tiên chính sách đối ngoại hàng đầu của họ.

Trong các chiến dịch vận động tranh cử, cả hai ứng cử viên Donald Trump và Joe Biden đều cáo buộc lẫn nhau về lập trường yếu ớt đối với Trung Quốc. Điều này cho thấy tầm quan trọng trong tương lai của Trung Quốc đối với Washington, bất kể nhân vật nào lên giữ chức tổng thống kế tiếp ở Mỹ.

Nếu ông Biden nhậm chức

Song song với cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump với Trung Quốc, ông Biden dọa sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Trung Quốc. Mặc dù bài viết gần đây của ứng cử viên Dân chủ gửi cho tạp chí Foreign Affairs không đề cập cụ thể đến tranh chấp Biển Đông, nhưng ông ta vẫn nhấn mạnh rằng Mỹ nên có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc.

Nếu ông Biden nhậm chức vào tháng 1/2021, thì chính quyền của ông có thể sẽ dễ đoán định và nhất quán hơn so với chính quyền tiền nhiệm. Tuy vậy, nước Mỹ dưới thời Biden sẽ không thể quay trở lại chính sách đối ngoại của Obama, cho dù chính quyền Biden có thể chú trọng hơn đến việc tăng cường quan hệ với các đồng minh và tổ chức quốc tế, vốn đã có xích mích với Mỹ dưới thời ông Trump.

{keywords}
Ảnh: AP

Chiến lược cứng rắn hơn đối với Trung Quốc sẽ không thay đổi nhiều dưới thời ông Biden. Bầu không khí của quan hệ Trung-Mỹ có thể được cải thiện đôi chút và các chiến thuật mà Washington sử dụng để theo đuổi cuộc cạnh tranh này cũng có thể thay đổi

Nếu ông Biden thắng cử, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường an ninh của Đông Nam Á. Cho dù ứng cử viên nào giành chiến thắng, thì các nước Đông Nam Á cũng sẽ là tâm điểm của cuộc cạnh tranh Trung-Mỹ ngày một gia tăng, đặc biệt là về vấn đề Biển Đông.

Chính sách Biển Đông của Mỹ dưới thời ông Biden sẽ không thay đổi. Mỹ sẽ tiếp tục gia tăng tần suất các cuộc tập trận với đồng minh và đối tác, các chiến dịch hiện diện và tuần tra nhằm đảm bảo tự do hàng hải (FONOP). Mỹ cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng năng lực cho các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Nếu Tổng thống Trump tái cử

Nếu ông Trump tái cử, thì ông có thể sẽ duy trì nhiều chính sách hiện tại, cả trong và ngoài nước. Thời của ông, chính sách của Mỹ ở Biển Đông là nhất quán với việc Mỹ vẫn đang tìm cách tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực tranh chấp này.

Kể từ năm 2017, Chính phủ Mỹ đã chuyển từ chỗ chỉ chỉ trích các chính sách quyết đoán của Trung Quốc ở biển Đông sang khẳng định các yêu sách và hoạt động của Bắc Kinh ở vùng biển này là bất hợp pháp.

Quân đội Mỹ đã gia tăng đáng kể tần suất các hoạt động hiện diện của họ ở Biển Đông. Từ tháng 5/2017 đến tháng 8/2020, Hải quân Mỹ đã thực hiện 24 chiến dịch FONOP ở vùng biển này, nhiều hơn 6 lần so với thời Chính quyền Obama.

Chính sách cứng rắn hơn của Chính quyền Trump đối với vấn đề Biển Đông, nhất là việc Mỹ ủng hộ quyền chủ quyền của các nước Đông Nam Á trong vùng đặc quyền kinh tế của họ, nhìn chung được những nước này hoan nghênh. Tuy nhiên, vẫn có người quan ngại rằng một cuộc đối đầu quân sự Mỹ-Trung có thể đẩy khu vực vào một cuộc khủng hoảng không mong muốn.

Như vậy, dù cho ông Joe Biden hay ông Donald Trump thắng cử, một sự thay đổi lớn về chính sách của Mỹ ở Biển Đông dường như không thể xảy ra. Thực sự, trong những năm sau cuộc bầu cử sắp tới ở Mỹ, thế giới sẽ không chỉ phải chứng kiến những căng thẳng tương tự sẽ tiếp diễn giữa Mỹ - siêu cường thế giới - và một Trung Quốc đang trỗi dậy nhanh chóng, mà còn phải gồng mình chống chọi trước những hành động leo thang hơn nữa.

Việt Hoàng

Trung Quốc thay đổi yêu sách chủ quyền trên Biển Đông, hy vọng hay ảo vọng?

Trung Quốc thay đổi yêu sách chủ quyền trên Biển Đông, hy vọng hay ảo vọng?

“Đây là lúc Trung Quốc cần từ bỏ đường 9 đoạn. Điều này không ảnh hưởng gì đến lợi ích của họ…”, TS Li Nan, nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Đông Á (EAI) nhấn mạnh.