Sáng 18/3, tại phiên chất vấn lĩnh vực tài chính của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) đặt vấn đề, vì sao giá vé máy bay thời gian qua tăng cao và đề nghị Bộ trưởng Tài chính có giải pháp để người dân thuận tiện hơn trong việc đi lại, kích cầu ngành du lịch Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, từ quy định của Luật giá, Bộ GTVT sẽ quyết định khung giá vé máy bay. Các công ty sẽ bán giá vé trong khung đó và dựa trên nhu cầu thực tế đi lại của người dân để đưa ra mức giá vé cho phù hợp.
Theo ông Phớc, vừa qua, giá vé máy bay dù có tăng nhưng các công ty vẫn lỗ. Chẳng hạn, Bamboo đã cắt giảm nhiều đường bay, còn Vietjet cũng đang gặp khó khăn. Với Vietnam Airlines lỗ đến 37.000 tỷ đồng, năm nào lãi nhanh nhất, mạnh nhất cũng chỉ được 3.000 tỷ đồng và vẫn rất khó khăn.
Tranh luận sau đó, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) nhấn mạnh, hiện các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định về giá vé máy bay. Bởi trong khung giá vé máy bay do Bộ GTVT ban hành có 15 mức và hiện họ đang điều hành trong khung đó, chưa vượt khung. Tuy nhiên, một số quốc gia bỏ giá trần và để cho doanh nghiệp tự quyết định theo cung cầu thị trường về giá. Nhưng với Luật Giá vẫn quy định giá trần của vé máy bay do Bộ GTVT quy định.
Tiếp tục tranh luận, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) quan tâm đến việc điều hành giá của một số mặt hàng như vé máy bay hoặc điện. Giá vé máy bay tăng cao thời gian qua, đại biểu An cho rằng, không hẳn do vấn đề cung cầu hay nhiên liệu…
Đại biểu Trịnh Xuân An nhấn mạnh, đối với các mặt hàng này đang có một nghịch lý là càng tăng giá thì doanh nghiệp lại càng lỗ. “Câu chuyện đặt ra cần giải được bài toán này. Hiện nay chi phí của Vietnam Airline đang cao quá. Còn giá điện lâu nay chỉ có lên chứ không xuống mà EVN vẫn lỗ…”, đại biểu An nêu rõ.
Theo đại biểu, phải chăng việc tính giá trên cơ sở pháp luật thời gian qua chưa ổn? Việc tính toán đã đảm bảo tính đúng, tính đủ chưa? Đại biểu đề nghị cần phải có sự rà soát, thanh tra, kiểm tra nội dung này để đảm bảo lợi ích của người dân, Nhà nước và doanh nghiệp.
Nói về vấn đề này, Bộ trưởng Tài Chính Hồ Đức Phớc chia sẻ, 4 năm gần đây do đại dịch Covid-19 dẫn đến ngưng trệ các chuyến bay trong nước, nước ngoài, còn hiện nay do tình hình kinh tế suy thoái, ảnh hưởng của xung đột dẫn đến lượng khách ít.
Từ đó, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của hệ thống hàng không. Về chỉ đạo giảm chi phí đầu vào, tái cơ cấu dịch vụ bay, theo ông Phớc, chỉ có Vietnam Airlines là doanh nghiệp Nhà nước chiếm trên 51% vốn, còn lại là tư nhân. Do đó, về vấn đề quản trị để giảm giá thành thì tư nhân quan tâm rất cao.
Với Vietnam Airlines, hiện nay các cơ quan cũng rất quan tâm, yêu cầu tái cơ cấu để tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng, đảm bảo kinh doanh có hiệu quả. Do khó khăn khách quan như vậy nên đang trong quá trình tái cơ cấu.
Theo Thông tư có hiệu lực từ 1/3 của Bộ GTVT về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản, các đường bay có khoảng cách dưới 500 km có mức giá trần là 1,6 triệu đồng/vé/chiều với đường bay phát triển kinh tế - xã hội và 1,7 triệu đồng/vé/chiều với các đường bay khác.
Các nhóm đường bay còn lại chịu mức tăng giá từ 50.000 - 250.000 đồng/vé/chiều so với quy định cũ, phụ thuộc vào độ dài từng đường bay. Cụ thể, với đường bay từ 500 km đến dưới 850 km có mức giá trần là 2,25 triệu đồng/vé/chiều (giá cũ là 2,2 triệu đồng); đường bay có khoảng cách từ 850 km đến dưới 1.000 km có giá vé tối đa là 2,89 triệu đồng/vé/chiều (giá cũ là 2,79 triệu đồng); đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km có giá trần là 3,4 triệu đồng/vé/chiều (giá cũ là 3,2 triệu đồng) và đường bay có khoảng cách từ 1.280 km trở lên là 4 triệu đồng/vé/chiều (giá cũ là 3,75 triệu đồng). |