Ngày 27/12, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.

83 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật từ đầu nhiệm kỳ

Phát biểu tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai thay mặt Bộ Chính trị ghi nhận, biểu dương những kết quả thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy ban Kiểm tra các cấp năm 2023 và từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thực hiện nghiêm, chủ động, có hiệu quả, tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, càng ngày càng rõ ràng hơn, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đang tập trung đẩy mạnh chỉ đạo.

2023 12 27 09 14 234.jpeg
Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại hội nghị.

Việc tăng cường giám sát, phòng ngừa góp phần cảnh báo từ sớm, từ xa, nhắc nhở tổ chức đảng, đảng viên….

Về công tác kiểm tra, giám sát, Thường trực Ban Bí thư cho biết, trong thực tiễn có những tổ chức đảng, sau khi giám sát, có kết luận, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn tiếp tục kiểm tra có dấu hiệu vi phạm.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức 31 đoàn kiểm tra 53 tổ chức đảng.

Thường trực Ban Bí thư nêu rõ, công tác kiểm tra có dấu hiệu vi phạm là công việc rất lớn của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban Kiểm tra các cấp. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, có hơn 1.400 tổ chức đảng, hơn 66.000 đảng viên bị kỷ luật, so với con số hơn 50.000 tổ chức đảng, hơn 5,3 triệu đảng viên, con số này không phải quá lớn nhưng cũng không nhỏ.

“Chưa bao giờ việc xử lý tới mức độ này, có thể trước đây ta làm chưa mạnh vì nhiều lý do, con số này rất đáng quan tâm. 83 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, trong đó 59 cán bộ vi phạm do khuyết điểm từ trước, 24 đảng viên do vi phạm tại thời điểm hiện nay”, Thường trực Ban Bí thư cho biết.

Bà Mai cho rằng, để làm được nhiệm vụ kiểm tra dấu hiệu vi phạm tốn nhiều công sức, thời gian, con người; kết luận phải đúng, thận trọng, chặt chẽ, khách quan, công tâm và phải qua nhiều khâu, làm sao để tới khi ban hành kết luận người ta phải tâm phục khẩu phục, chính xác, trung thực...

Kết luận là một việc, nhưng xử lý phải xem xét toàn diện, cân nhắc nhiều mặt, nhiều góc độ, quan trọng nhất là làm sao để cán bộ bị xử lý kỷ luật nhận thức được sâu sắc sai phạm của mình, chấp nhận yêu cầu của Đảng, thậm chí kỷ luật ở mức cao, để nỗ lực khắc phục.

Thường trực Ban Bí thư cũng chia sẻ, thực tiễn xử lý vừa qua cho thấy, đa số cán bộ vi phạm chấp hành nghiêm túc quy định của Đảng, tán thành cao với kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy ban Kiểm tra các cấp. Có cán bộ sau khi nhận quyết định kỷ luật đã bày tỏ cảm giác nhẹ nhõm trong tư tưởng, giải tỏa được gánh nặng khi chấp hành kỷ luật của Đảng.

Bà Trương Thị Mai cũng đề nghị tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, nhất là dấu hiệu suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa. 

Chuẩn bị nhân sự Uỷ ban Kiểm tra nhiệm kỳ tới

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú cho biết, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đang hoàn thiện 4 quy định: Quy định về bảo vệ người tố giác, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; Quy định về giải mật thông tin công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của đảng; Quy định về cơ chế phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên.

2023-12-27-09-26-521-1.jpeg
Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú phát biểu kết luận.

Uỷ ban Kiểm tra các cấp cần tăng cường, đẩy mạnh giám sát chuyên đề để phát hiện, ngăn chặn, phòng ngừa, cảnh báo các vi phạm, khuyết điểm. Kịp thời phát hiện, kiểm tra và kiên quyết xử lý đối với tổ chức đảng, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa.

Các địa phương, đơn vị cần khẩn trương hoàn thành, báo cáo kết quả các cuộc kiểm tra liên quan đến các vụ việc, vụ án của Công ty AIC, Tập đoàn FLC, Vạn Thịnh Phát. Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cho biết, đây là các cuộc kiểm tra do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực yêu cầu. Ông đề nghị khẩn trương, kịp thời hoàn thành, kết thúc để báo cáo Ban Chỉ đạo.

Tham mưu cho cấp ủy tiếp tục thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo các ngành, các cấp về làm công tác kiểm tra và cán bộ kiểm tra sang công tác ở các ngành khác để đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ, chuẩn bị nhân sự Uỷ ban Kiểm tra cho nhiệm kỳ tới. 

Ông Trần Cẩm Tú đề nghị xây dựng kế hoạch và thực hiện luân chuyển cán bộ trong hệ thống Ngành Kiểm tra theo quy định của Ban Bí thư. Tiếp tục xây dựng ngành Kiểm tra, đội ngũ cán bộ kiểm tra đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.