Bằng những câu chuyện thực tế, gần gũi và sinh động có tính ứng dụng cao, bố mẹ sẽ cảm thấy cuốn sách như đang viết cho chính bản thân và con mình.
Kỷ luật mềm trong gia đình được chia làm 6 phần: Phần 1 -Thay đổi tư duy làm bố mẹ có một số bài viết hay như: Bố mẹ bình an là món quà vô giá, Hãy chậm lại khi nuôi dạy con, Buông bỏ sự kỳ vọng bằng việc bố mẹ hãy sống cuộc đời của chính mình, Chú tâm vào giây phút hiện tại khi ở bên con, Kỷ luật mềm dành cho hai bố mẹ…
Phần 2 giúp Xây dựng quy tắc trong gia đình với những gợi ý cụ thể: Kiên định và bao dung khi rèn nền nếp, Thiết lập những giới hạn để biết nên mắng trẻ khi nào, Nuôi con trong gia đình nhiều thế hệ, Nuôi con trong gia đình nhiều thế hệ…
Phần 3-4-5-6 tập trung nuôi dưỡng cảm xúc, tâm hồn, nhân cách, các kỹ năng mềm và thói quen tốt cho con trẻ như: Nuôi dưỡng cảm xúc trong 6 năm đầu đời là công việc quan trọng nhất của cha mẹ, Cách ứng xử của bố mẹ khi con đối diện với cảm xúc tiêu cực, Làm gì khi trẻ nói bậy?, Khi con bị bạn trêu chọc và bắt nạt, Đừng khen con thông minh, hãy khen con cố gắng, Giúp con tự tin khi giao tiếp nơi đông người, Giúp con kiểm soát việc xem ti-vi, điện thoại…
Nếu ví như năng lực của một đứa trẻ là chiếc cốc, còn kiến thức là lượng nước đổ vào, thì nếu chiếc cốc càng to, trẻ sẽ càng nhận được nhiều nước sau này. Giai đoạn 0-10 tuổi là thời kỳ quan trọng nhất để bố mẹ nặn chiếc cốc năng lực cho con. Ba trụ cột quan trọng để xây dựng nền móng vững chắc cho sự trưởng thành của con sau này: Nuôi dưỡng những năng lực sống và chú trọng bồi đắp những phẩm chất đạo đức, hình thành những thói quen tốt.
Thông điệp mà người viết muốn gửi gắm đến độc giả là phải coi trọng chăm sóc cảm xúc bên trong cho con để nuôi dưỡng sự tự tin từ nội tâm, rèn luyện những kỹ năng mềm, năng lực phi nhận thức như EQ (chỉ số thông minh cảm xúc), SQ (chỉ số thông minh nhạy cảm). Thay vì đổ đầy nước vào cốc bây giờ, hãy khiến chiếc cốc đó thật to để có thể đựng được nhiều nước sau này.
Theo tác giả Nguyễn Thị Thu, bất kỳ em bé nào cũng cần lớn lên trong môi trường giáo dục có tính nhất quán và quy tắc, đặc biệt là khi trẻ từ 3 tuổi trở đi. Bởi vì đây là lứa tuổi phát triển mạnh mẽ về tư duy và nhận thức, nhất là nhu cầu thể hiện cái Tôi và chính kiến của bản thân. Người lớn cần hướng dẫn bằng những chỉ dẫn rõ ràng và đưa ra quy định trong gia đình để dạy trẻ biết đâu là giới hạn được phép và không được phép làm.
Giai đoạn 3-10 tuổi, đa số cha mẹ thường quan tâm nhồi nhét cho con học thật nhiều kiến thức. Tài năng có thể giúp con cái thành công, nhưng đạo đức và thói quen tốt mới là thứ giúp có được hạnh phúc đích thực. Kỷ luật mềm trong gia đình sẽ nuôi dưỡng cho con trẻ những phẩm chất đạo đức như: khả năng đồng cảm-thấu cảm, biết lắng nghe người khác, trái tim bao dung và chia sẻ, vun đắp lòng biết ơn với cuộc sống, trân trọng sinh mệnh, có trách nhiệm với bản thân và gia đình. Chúng ta hãy cho con cái một mái ấm yên vui, những thói quen tốt và giá trị sống tốt đẹp bởi đó là nền tảng giúp trẻ sống có ước mơ và mục đích.
"Trong cuốn sách này tôi đi sâu vào việc chia sẻ cách xây dựng văn hóa gia đình thông qua những quy tắc ứng xử giữa bố mẹ với con cái để tạo dựng niềm tin và sự gắn kết. Trong đó có cách nuôi dưỡng kỹ năng mềm cho trẻ ở giai đoạn 3-10 tuổi bởi đây là giai đoạn quan trọng nhất để hình thành nhân cách và thói quen của một con người. Mọi giá trị đạo đức hay giá trị sống mà con có đều chịu ảnh hưởng rất nhiều từ chính những thói quen bố mẹ đang gieo vào con hằng ngày. Khi trẻ qua 10 tuổi, lúc đó thói quen đã biến thành tư duy và ăn sâu vào tính cách nên rất khó sửa. Nếu bố mẹ làm tốt ở giai đoạn này sẽ không phải đi sửa sai ở giai đoạn con tuổi teen", tác giả nhấn mạnh.