Theo trang web Military Factory, ý tưởng về một loại siêu tăng đã được Bộ Quốc phòng Mỹ nhen nhóm từ năm 1944, khi Thế chiến Hai đang ở giai đoạn quyết định. Sau đó, nhiệm vụ trên được giao cho các kỹ sư làm việc tại Xưởng đúc và xe hơi Thái Bình Dương, nay là công ty PACCAR, thực hiện.
Các nhà hoạch định thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ khi đó yêu cầu các kỹ sư chế tạo loại siêu tăng “có lớp giáp chống chịu lại đạn pháo tự hành cỡ 88mm của Đức, đủ mạnh để xuyên thủng qua nhiều hàng phòng thủ trên chiến trường, cũng như làm 'mũi nhọn xung kích' trong các cuộc hành quân của quân đội Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương”.
Dù các kỹ sư thuộc Xưởng đúc và xe hơi Thái Bình Dương đã gấp rút chế tạo, nhưng nguyên mẫu thử nghiệm đầu tiên với tên gọi T28 tới tháng 8/1945 mới được ra mắt. Theo Military Factory, T28, tên khác là T95, có chiều dài 11,1m; chiều rộng 4,39m; chiều cao 2,84m và nặng hơn 95 tấn. Kíp chiến đấu của xe có bốn người, gồm trưởng xe, lái xe và hai xạ thủ.
T28 được lắp pháo chống tăng T5E1 cỡ nòng 105mm với tầm bắn có thể lên tới 19km, một khoảng cách khá xa so với nhiều loại pháo chống tăng cùng thời. Đạn của loại pháo này có khả năng xuyên thủng 135mm giáp đồng nhất ở góc 30 độ với khoảng cách gần 1km.
T28 được trang bị lớp giáp dày hơn 305mm ở mặt trước và 64mm ở phần hông, do vậy kíp lái xe vẫn sống sót trong trường hợp bị pháo cỡ nòng 88mm của Đức hay các loại vũ khí chống tăng bắn trúng.
Dù được trang bị vũ khí chính mạnh mẽ và lớp giáp kiên cố như vậy, nhưng những thiết kế có phần kỳ lạ đã làm bộc lộ nhiều nhược điểm không đáng có cho xe T28. Trước tiên, T28 không hề có tháp pháo, điểm hoàn toàn khác biệt với các loại xe tăng khác. Do vậy, khả năng tác chiến của T28 bị hạn chế vì việc quan sát và phát hiện khí tài đối phương của các xạ thủ gặp khó khăn.
Tiếp theo, T28 có trọng lượng lên tới hơn 95 tấn nên cần tới bốn hàng xích để đỡ lấy thân xe. Với trọng lượng nặng như vậy, T28 khó di chuyển tại những nơi có nền đất mềm như các đảo thuộc khu vực Thái Bình Dương. Dù có triển khai ở châu Âu với nền đất cứng hơn, thì cũng không có cây cầu vượt sông nào chịu được sức nặng của T28.
Nhược điểm cuối cùng của T28 là về phần động cơ, khi các kỹ sư chỉ trang bị cho loại xe tăng này động cơ Ford GAF V-8 với công suất 500 mã lực. Dù có thể giúp T28 di chuyển với vận tốc tối đa là 13 km/h, nhưng do phải ‘vác’ một cỗ xe tăng đồ sộ nặng hơn 95 tấn nên loại động cơ này chạy một thời gian ngắn là quá tải và ngừng hoạt động.
Do vậy, Bộ Quốc phòng Mỹ tới năm 1947 đã quyết định hủy bỏ dự án T28. Tuy vậy, siêu xe tăng trên vẫn đóng vai trò như một ‘cầu nối’ đến các thiết kế xe tăng sau này của Mỹ.
Video: Xe tăng T28 chạy thử nghiệm. Nguồn: Youtube
Video: Xe tăng T28 nằm trong viện bảo tàng. Nguồn: Vegalyp/ Youtube