Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong vừa có báo cáo gửi các đoàn đại biểu Quốc hội về kết quả giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri gửi sau kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng.

Cử tri TP.HCM và Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ giám sát chặt chẽ việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức; ngăn chặn ngay khi phát hiện có tài sản không minh bạch, không để những cán bộ vi phạm phân tán tài sản cho người nhà.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. Ảnh: Phạm Thắng

Cử tri tỉnh Vĩnh Long, TP.HCM kiến nghị cần kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi tham nhũng; quy định khung hình phạt cho các hình vi tham nhũng ở mức độ nặng hơn; hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm ngăn chặn triệt để việc tẩu tán tài sản, thu hồi tối đa tài sản tham nhũng.

“Các cơ quan cần có biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc kê khai tài sản của cán bộ. Đặc biệt, hiện nay cần quan tâm đến thu nhập của cán bộ không tương xứng với tài sản hiện có của họ”, cử tri kiến nghị.

Không đế tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản tham nhũng

Trả lời, Thanh tra Chính phủ khẳng định, thu hồi tài sản tham nhũng là vấn đề lớn trong khắc phục hậu quả các vụ án tham nhũng. Vì vậy, những năm qua, nhiều biện pháp tăng cường thu hồi tài sản do tham nhũng đã được áp dụng.

Cùng với phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, các cơ quan chức năng đã chú trọng xác minh, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của các đối tượng phạm tội tham nhũng ngay từ giai đoạn điều tra, không đế tấu tán, hợp pháp hóa tài sản tham nhũng.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng khuyến khích người phạm tội tự nguyện giao nộp tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả, thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra cho Nhà nước.

Nhờ vậy, kết quả thu hồi tài sản “năm sau cao hơn năm trước” nhưng Thanh tra Chính phủ vẫn nhìn nhận “thu hồi tài sản tham nhũng vẫn là một trong những hạn chế trong công tác phòng chống tham nhũng”.

Theo Thanh tra Chính phủ, nguyên nhân chủ yếu là số tiền phải thu hồi rất lớn, song người phải thi hành án không có tài sản hoặc tài sản bảo đảm giá trị thấp; thời gian giải quyết các vụ án, vụ việc kéo dài nên tài sản bị tẩu tán, che giấu....

Ngoài ra, còn có vướng mắc về cơ chế, thể chế trong việc xử lý tài sản, ảnh hưởng đến quá trình thi hành án; trong một số vụ án vẫn xảy ra trường hợp đối tượng bỏ trốn, việc tương trợ tư pháp còn gặp nhiều khó khăn.

Từ đó, Thanh tra Chính phủ đưa ra hàng loạt giải pháp khắc phục. Trong đó, các cơ quan cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác phòng chống tham nhũng nói chung và thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế nói riêng. Qua đó phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm liên quan đến thu hồi tài sản, nhất là việc thẩm định giá, bán đấu giá tài sản trong thi hành án.

Đồng thời, tăng cường phối hợp, tích cực chủ động hơn nữa trong thu hồi tài sản, nhất là việc kê biên, phong tỏa, tạm giữ phục vụ cho việc tổ chức thi hành án, thu hồi tối đa tài sản công bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế…

Cùng với đó, xử lý dứt điểm thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế còn tồn đọng, kéo dài

Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh đến việc kiếm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan trong việc chậm thi hành một số bản án có điều kiện thi hành; việc tổ chức bán đấu giá nhiều tài sản bị mất giá (so với giá thị trường); nếu có dấu hiệu vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Xây dựng cơ chế xử lý hình sự với hành vi làm giàu bất hợp pháp

Để việc thu hồi tài sản theo bản án, quy định của Tòa án đạt hiệu quả, tránh tình trạng tấu tán tài sản, Thanh tra Chính phủ cho rằng, các cấp, ngành cần phối hợp và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Đó là nâng cao tính trung thực, trách nhiệm trong kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; có hình thức xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc kê khai tài sản, thu nhập.

Giải pháp nữa là có cơ chế đẩy mạnh giao dịch không dùng tiền mặt, hạn chế sử dụng tiền mặt trong việc giao dịch mua, bán các tài sản có giá trị lớn để thuận tiện trong việc kiểm soát thu nhập cũng như truy tìm tài sản đã bị tẩu tán.

Hiện Chính phủ đã ban hành Nghị định số 130 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Thủ tướng cũng đã ban hành Quyết định số 390 phê duyệt Đề án “xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập”.

Đây là cơ sở dữ liệu quan trọng trong phòng chống tham nhũng nói chung và việc thu hồi tài sản tham nhũng nói riêng. Thanh tra Chính phủ cho biết, đang xây dựng kế hoạch triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia này trong phạm vi cả nước.

Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, để nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng và xử lý hành vi làm giàu bất hợp pháp, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tư pháp nghiên cứu, xây dựng Đề án về cơ chế thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quy định của pháp luật, thực tiễn nghiên cứu, đề xuất cơ chế xử lý hình sự với hành vi làm giàu bất hợp pháp, nhằm tăng cường hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Đồng thời, đề nghị Viện KSND Tối cao phối hợp với Bộ Tư pháp, các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự nhằm tăng cường hiệu quả xử lý tội phạm tham nhũng, thu hồi tài sản trong quá trình giải quyết các vụ án.