Trong cuốn sách ‘Ngài Putin’, các tác giả Fiona Hill và Clifford Gadda thống kê tới sáu nhân cách tồn tại trong một Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tuy nhiên, trên tờ Thời báo Phố Wall, tác giả Stephen Sestanovich cho rằng sau bài phát biểu thông điệp liên bang vừa qua tại Nga, ông chỉ thấy có ba nhân diện của Putin. Và bản thân mỗi diện mạo trong đó lại hàm chứa một thông điệp gửi tới các nhà ngoại giao phương Tây.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc thông điệp liên bang hôm 3/12/2015. Ảnh: Reuters |
‘Putin thứ nhất’ là người sẽ thống lĩnh các tiêu đề báo – cuộc chiến mà ngài tổng thống đang hô hào cả thế giới ủng hộ chiến dịch ‘chống khủng bố’ tại Syria và đe dọa bất kỳ ai cản lối của ông.
Ông Putin nói về chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ như ‘bọn cầm quyền’, và cho rằng các lãnh đạo của họ đã mất trí và thề sẽ trả đũa thêm nữa vì Ankara đã bắn hạ máy bay chiến đấu của Nga ở biên giới Syria – Thổ Nhĩ Kỳ. (‘Họ sẽ phải hối tiếc. Chúng tôi biết phải làm gì’). Cuộc đối đầu của ông Putin với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ còn bi thảm hơn nữa.
‘Putin thứ hai’ là một người vô hình – vị tổng thống thời chiến khuấy lên một cuộc khủng hoảng rồi sau đó đơn giản là buông tay. Trong suốt bài diễn văn dài, vào tới phút chót, chỉ một câu ông nhắc tới Crưm. Nhưng về cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại đông Ukraina thì không một lời nào.
Ông Putin không nhất thiết phải quyết định dừng cuộc phiêu lưu của ông tại Ukraina. Ông không thừa nhận thất bại. Nhưng dường như ông hiểu rằng chiến thắng là điều bất khả. Ông Putin nói một cách cứng rắn. Nhưng ông hiểu rõ các giới hạn của mình và phản ứng trước các đợt phản công.
Sức nóng trong bài diễn văn của ông Putin không phải về chiến tranh và hòa bình, mà là về các vấn đề đối nội, đặc biệt là nền kinh tế đang trì trệ. Lúc này chúng ta lại nhìn thấy một Putin khác – một người không ‘đao to búa lớn’ về những rắc rối của mình nhưng cũng không tảng lờ như thể chúng không tồn tại.
Đôi lúc ông nhấn mạnh vào mặt sáng (như các tiến bộ kỹ thuật trong y học Nga). Nhưng toàn thể bài phát biểu là một sự ủ ê, dù đã được gọt giũa. Không có hứa hẹn gì về việc nối lại tăng trưởng; ông thừa nhận giá năng lượng sẽ vẫn thấp.
Ông Putin nói với các khán giả rằng nước Nga đối mặt với vô số vẫn đề như tham nhũng của chính quyền, đặc biệt là trong cơ quan hành pháp. Các viễn cảnh kinh tế đang tàn lụi dần do sự tan rã mang tính hệ thống qua nhiều năm tháng của các doanh nghiệp hợp pháp vì bị hạch sách và cửa quyền.
Với những cuộc chiến – như tại Ukraina năm qua, và kế tiếp đó là Thổ Nhĩ Kỳ - ông Putin không thể phớt lờ điều mà người dân Nga đang nghĩ: đó là lo ngại về hệ thống mà ông đã gây dựng nên. Sớm hay muộn thì ông – hay người kế nhiệm ông – cũng sẽ phải đối phó với nó.
Lê Thu