Lùm xùm quanh các trạm thu phí BOT hiện vẫn chưa hạ nhiệt, thậm chí nóng bỏng không kém gì thời gian trước. Kêu về giá vé quá cao, giờ người dân tiếp tục phản ứng với những trạm thu phí BOT “đặt nhầm chỗ”, không đi vẫn phải nộp phí ngất ngưởng.

Đi đường ngân sách nộp thuế BOT

Mới đây, PV.VietNamNet đã có mặt ở tuyến đường Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 3 có tổng chiều dài 65km (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên). Trong đó, tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới có chiều dài gần 40km.

Dự án được đầu tư xây dựng theo hình thức BOT do Liên danh Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 4 - CTCP (Cienco4), Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc và Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Trường Lộc Việt Nam làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư trên 2.700 tỷ đồng. 

{keywords}
Trạm thu phí BOT của cao tốc Thái Nguyên - Chợ Lớn. Ảnh: Hồng Tâm

Tuyến đường cao tốc cơ bản đã hoàn thành, trạm thu phí gần như sẵn sàng.

Nhưng đáng nói là, chủ đầu tư còn đặt thêm một trạm thu phí khác trên quốc lộ 3 cũ - vốn được xây dựng từ lâu bằng ngân sách nhà nước, cách ngã rẽ vào cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới khoảng 3km.

Trạm thu phí này đang gấp rút hoàn thành. Dù chưa đi vào hoạt động, nhưng việc đặt trạm thu phí ở đây khiến người dân sinh sống và làm ăn dọc trạm thu phí băn khoăn.

Lý do là, với vị trí đặt 2 trạm thu phí như vậy, nhà đầu tư không chỉ thu phí tuyến đường BOT mới làm mà còn muốn thu phí cả tuyến Quốc lộ 3 cũ vốn được xây dựng từ tiền thuế của dân lâu nay.

“Hai tuyến đường này đều có thể đi về Bắc Kạn. Họ sợ là nếu chỉ thu tuyến BOT mới làm thì người ta đi hết đường Quốc lộ 3 cũ. Cho nên dù chỉ nâng cấp, cải tạo được một chút, nhưng họ đòi thu phí cả Quốc lộ 3. Đó là điều không thể chấp nhận được” - một người dân sống gần trạm thu phí cho hay.

Đáng nói, mức phí mà nhà đầu tư muốn thu từ đường cũ lại ngang bằng với tuyến BOT mới mở là 35.000 đồng/xe con.

Đi dọc tuyến đường quốc lộ 3 cũ từ trạm thu phí đang xây dựng đến ATK Định Hóa khoảng 60km, PV có thể thấy rằng những bức xúc của người dân là có thật. Tuyến đường quốc lộ 3 cũ về cơ bản vẫn không khác khi trước là bao, chỉ được nhà đầu tư cải tạo khoảng 20km gần trạm thu phí.

Khi cả 2 trạm thu phí này đi vào hoạt động, dù phương tiện không đi mét cao tốc nào, vẫn bị thu phí cao tốc trên tuyến đường bản thân đã phải đóng góp bằng tiền thuế.

Trước làn sóng phản đối của người dân, nhà đầu tư và UBND tỉnh Thái Nguyên “xuống nước” bằng cách miễn, giảm cho người dân có hộ khẩu tại 2 xã Cổ Lũng và Sơn Cẩm có xe ô tô từ 7 chỗ trở xuống; cán bộ, công chức, viên chức công tác tại 2 huyện Đại Từ và Phú Lương; điều chỉnh phương án tài chính đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư.

Thế nhưng, người dân vẫn chưa nguôi bức xúc khi phải bỏ tiền túi để được đi trên tuyến đường cũ.

Không đi đường BOT vẫn mất phí

Chuyện dân è cổ đóng phí BOT khi không đi một mét đường nào như kể trên không hiếm gặp.

Cách đây ít ngày, người dân hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh ở hai đầu cầu Bến Thủy 1 đã giành được thắng lợi sau những ngày tháng đấu tranh chống lại việc “không đi đường vẫn phải đóng phí”. Căn nguyên là nhà đầu tư làm cầu mới Bến Thủy 2 song song với Bến Thủy 1, nằm trên trục đường BOT tuyến tránh thành phố Vinh và quốc lộ 1A mở rộng đoạn Nam Bến Thủy dài 35 km. Làm 1 cầu, nhưng đặt trạm thu phí cả 2 cầu khiến người dân bức xúc.

{keywords}
Dùng tiền lẻ mua vé qua cầu Bến Thủy 1.

Sau “hiệu ứng Bến Thủy”, ngày 16/4, một số người dân xã Cẩm Trung (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đưa xe ra trạm thu phí Cầu Rác phản đối vì họ không lưu thông trên tuyến đường tránh TP. Hà Tĩnh nhưng vẫn phải đóng phí nhiều năm qua.

Những trạm thu phí BOT đặt bất hợp lý như trên xuất hiện ở nhiều nơi, từ Bắc chí Nam.

Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước đối với 27 dự án giao thông BOT từ năm 2011-2016 cũng chỉ ra những bất cập trong việc bố trí các trạm thu phí BOT.

Báo cáo kiểm toán nêu rõ, ngoài việc không đảm bảo tối thiểu 70 km/trạm thu phí, thì còn có tình trạng trạm thu phí cho dự án nhưng lại đặt trên tuyến đường khác và không gắn với dự án, dẫn đến tình trạng người dân không đi trên đường được đầu tư bằng hình thức hợp đồng BOT nhưng vẫn phải trả phí cho nhà đầu tư.

Theo các chuyên gia, kêu gọi đầu tư giao thông bằng hình thức BOT là bước đi đúng đắn để huy động nguồn lực của toàn xã hội. Nhưng BOT ở Việt Nam lại có nhiều “biến tướng”.

Một chuyên gia về hợp tác công - tư cho hay, đáng ra nhà đầu tư phải làm đường mới hoàn toàn thì ở Việt Nam nhà đầu tư chỉ cải tạo trên nền đường cũ làm từ tiền thuế của dân rồi đặt trạm thu phí. Lại có chuyện, cho phép nhà đầu tư thu phí cả đường cũ lẫn đường mới để sớm hoàn vốn khiến người dân đi đường nào cũng không thoát khỏi nộp phí.

Vị này cho biết thêm: Thậm chí, ở những tuyến đường song song, nhà đầu tư còn nêu rõ trong hợp đồng BOT là Nhà nước phải cắm biển cấm một số phương tiện, không cho đi đường/cầu cũ mà buộc đi đường mới để còn thu phí. Trong khi đó, ở nhiều nước như Tây Ban Nha luôn xây dựng đường có phí và đường miễn phí, người dân có quyền lựa chọn.

“Những điều kể trên là nguồn gốc gây ra những bất ổn của các dự án giao thông BOT trong thời gian qua”, vị này nhấn mạnh.

Lương Bằng