Tiến sĩ UAV Trần Phi Vũ và Thạc sĩ Deep Learning Phạm Thanh Toàn là 2 trong 14 gương mặt được báo VietNamNet đề cử là Nhân vật truyền cảm hứng năm 2020. Các gương mặt được lựa chọn đều có những đóng góp thiết thực cho cộng đồng, từng xuất hiện trên báo VietNamNet. Thời gian bình chọn đến 24h ngày 15/12/2020. Độc giả bình chọn TẠI ĐÂY

Tiến sĩ UAV Trần Phi Vũ và Thạc sĩ Deep Learning Phạm Thanh Toàn là nhà sáng lập của MiSmart - công ty chuyên nghiên cứu, chế tạo và sản xuất các thiết bị bay không người lái (UAV). Đây là dự án vừa dành giải nhất tại cuộc thi Tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số Việt Nam (Viet Solution) do Bộ TT&TT tổ chức.

Về cơ bản, những thiết bị bay không người lái của MiSmart là một chiếc drone có kích cỡ khổng lồ với 6 cánh quạt. Tuy nhiên, khác với những chiếc drone thông thường khác, mẫu UAV do MiSmart phát triển được tích hợp thêm trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích, xử lý dữ liệu đầu vào. 

 

{keywords}
Mẫu thiết bị bay không người lái Make in Vietnam do MiSmart phát triển.

Drone sẽ bay trên các cánh đồng lớn chụp ảnh và chuyển về máy chủ phân tích hình ảnh. Nhờ tích hợp AI, thiết bị bay không người lái có thể thực hiện các nhiệm vụ bay thám sát để tìm kiếm khu vực bị nhiễm sâu bệnh. Sau khi xác định vị trí, drone sẽ trực tiếp phun thuốc nhằm điều trị cho cây trồng. 

Đây là điều khác biệt bởi trước đây, do không thể xác định chính xác vùng sâu bệnh, người nông dân có thói quen phun thuốc bảo vệ thực vật theo kiểu đại trà. Điều này dẫn tới tình trạng nông sản Việt Nam thường có dư lượng thuốc trừ sâu cao. Đây là nguyên nhân khiến nông sản Việt Nam gặp trở ngại khi đi vào các thị trường khó tính.

{keywords}
UAV tích hợp AI của MiSmart sẽ được ứng dụng vào việc phát hiện sâu bệnh, phun tưới để đảm bảo sức khỏe cho cây trồng. 

Những giải pháp tương tự MiSmart từng xuất hiện, tuy nhiên do sử dụng drone gắn camera sensor cận hồng ngoại, giá của chúng vì thế không hề rẻ. Nhờ giải quyết bài toán này bằng việc sử dụng camera độ phân giải cao giá rẻ, dự án MiSmart được đánh giá rất cao tại cuộc thi tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số Việt Nam.

Sau khi drone chụp ảnh gửi về máy chủ, hình ảnh sẽ được ứng dụng AI phân tích để tìm ra điểm bất thường. Drone sẽ bay ra những điểm bất thường đó một lần nữa để ghi nhận thêm hình ảnh và nhận dạng vùng sâu bệnh. Đây là những điểm vượt trội của công nghệ AI mà mắt thường khó có thể nhận dạng được. 

{keywords}
Phạm Thanh Toàn CEO và nhà sáng lập của MiSmart.

Những mẫu UAV do MiSmart phát triển được làm hoàn toàn bằng sợi carbon fiber. Đây là loại vật liệu nhẹ hơn nhôm nhưng có độ cứng gấp 5 lần so với titanium. Thiết bị này có khả năng chở được 23 lít nước/thuốc. 

Với thiết kế phun sương, dưới tác động quay của đĩa ly tâm, các giọt dung dịch sẽ được cắt (xé) nhỏ thành dạng sương mù có kích thước cực nhỏ, chỉ từ 95 – 550 µm, tăng khả năng thẩm thấu của cây trồng.

So với cách phun thuốc truyền thống, drone của MiSmart hoạt động hiệu quả hơn tới 40 lần. Bằng việc sử dụng drone, sản phẩm của MiSmart có khả năng khoanh vùng sâu bệnh, từ đó giải quyết được việc lạm dụng thuốc trừ sâu đồng thời giúp tiết kiệm tối đa về mặt chi phí.

{keywords}
Sự xuất hiện của những thiết bị bay không người lái tích hợp AI với giá rẻ sẽ giúp hiện thực hóa ước mơ chuyển đổi số cho nông nghiệp Việt Nam. 

Mô hình kinh doanh của MiSmart sẽ bao gồm việc bán drone hoặc cho thuê thuê dịch vụ. Nếu muốn mua đứt, mỗi thiết bị drone do MiSmart phát triển có giá từ 200-250 triệu đồng. 

Sau khoảng 2 năm lên ý tưởng và bắt tay vào hoàn thiện, những chiếc drone của MiSmart đã thương mại hóa được khoảng 6 tháng với 2 mẫu drone là Mis GA-22 và Mis TH-16. Công ty MiSmart hiện có doanh thu khoảng 4 tỷ đồng. 

Khách hàng chủ yếu của MiSmart không phải trực tiếp người nông dân mà là các hợp tác xã nông nghiệp, những công ty phun tưới và các tập đoàn nông nghiệp lớn.

Ngoài phục vụ cho mục đích nông nghiệp, thiết bị bay không người lái của MiSmart còn được phát triển nhằm ứng dụng cho việc quản lý rừng, đo đạc, số hóa bản đồ, sử dụng trong các hoạt động truyền thông và cứu hộ, cứu nạn.  

Trọng Đạt