Chiều 16/12, tại Hà Nội, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, ông Nguyễn Quang Thiều, đã có buổi gặp gỡ và làm việc với tác giả Ấn Độ, ông Ankur Mishra. Cuộc gặp diễn ra trong không khí cởi mở, sẵn sàng chia sẻ những sáng tạo và phát hiện mới trong thực trạng văn chương hai nước. Hai bên cũng tập trung thảo luận về việc tạo sân chơi phát triển cây viết trẻ và bảo tồn căn tính dân tộc thông qua bảo tồn ngôn ngữ thiểu số.
Trong buổi trò chuyện, ông Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh tầm quan trọng của ngôn ngữ như một phương tiện truyền tải văn hóa và bản sắc dân tộc. Ông chia sẻ tại Việt Nam, có 54 dân tộc với nhiều ngôn ngữ khác nhau, việc bảo tồn và phát triển các ngôn ngữ thiểu số không chỉ nhằm duy trì di sản văn hóa, thể hiện bản sắc tâm hồn mà còn là cách thức để các dân tộc thiểu số khẳng định vị trí giữa bối cảnh toàn cầu hóa.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam băn khoăn thời nay độc giả Việt Nam còn ít biết các tác giả đương đại của Ấn Độ, rất mong với sự hỗ trợ và cộng tác từ mô hình Kavishala (một diễn đàn chú trọng việc phát triển tài năng thơ văn trẻ tại Ấn Độ - PV) cũng như ông Ankur, nhiều tác phẩm văn chương đương đại Ấn Độ sẽ được giới thiệu tới bạn đọc Việt Nam.
Ông Ankur Mishra, với kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển văn học dựa trên doanh nghiệp công nghệ, bày tỏ sự đồng tình và chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn ngôn ngữ của các cộng đồng thiểu số tại Ấn Độ. Ông cho rằng việc sử dụng công nghệ và truyền thông hiện đại để quảng bá tác phẩm viết bằng ngôn ngữ mẹ đẻ là một trong những cách hiệu quả để bảo tồn ngôn ngữ thiểu số trong thế hệ trẻ.
Hai bên trao đổi về các mô hình hợp tác quốc tế nhằm tăng cường giáo dục ngôn ngữ và phát huy giá trị văn hóa của các cộng đồng thiểu số. Cuộc gặp đã mở ra những triển vọng mới trong việc kết nối văn hóa Việt Nam và Ấn Độ, thúc đẩy sự hiểu biết và hợp tác văn chương giữa hai quốc gia.
Kavishala của Ấn Độ được xem như một không gian độc đáo giúp các tác giả trẻ chia sẻ tác phẩm, kết nối với những người cùng chí hướng, tham gia các hội thảo, thảo luận trực tuyến và trực tiếp nhằm trau dồi kỹ năng viết. Thông qua diễn đàn này, các tác giả mới chưa được nhìn nhận qua tác phẩm của họ có thể nhận được cơ hội và sự hỗ trợ để bổ sung kiến thức cần thiết.
Ankur Mishra, người sáng lập Kavishala, đã kết hợp thành công giữa công nghệ và nghệ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về nền tảng văn học trong thời đại kỹ thuật số. Kavishala với 30 triệu lượt truy cập mỗi ngày từ Ấn Độ và cả nước ngoài, tập trung quảng bá tác phẩm, cung cấp những đối thoại mở giữa tác giả và độc giả, qua đó tăng tương tác và học hỏi lẫn nhau.
Chia sẻ với Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, ông Ankur Mishra cho biết: diễn đàn Kavishala có đăng tác phẩm bằng 16 ngôn ngữ, chủ yếu là tiếng Hindi, ngoài ra là các ngôn ngữ khác, bao gồm cả tiếng Anh và tiếng Urdu (Ấn Độ có hơn 20 ngôn ngữ đang được sử dụng).
Ngoài việc giới thiệu các cây bút mới của Ấn Độ, Kavishala còn giới thiệu những tác giả đến từ Anh và Mỹ, mục đích là cho họ học hỏi lẫn nhau trong kỹ năng sáng tác văn chương. Qua diễn đàn này, các người viết trẻ không còn ngần ngại khi bị các tác giả chuyên nghiệp phê phán nặng nề, cho nên họ được thể hiện tác phẩm và phong cách sáng tác tự do nhất. Đồng thời, các tác giả trẻ có thể học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ các nhà văn nổi tiếng.
Kết thúc buổi làm việc, ông Nguyễn Quang Thiều và ông Ankur Mishra mong muốn tiếp tục duy trì liên lạc, hợp tác để đưa những ý tưởng về phát triển văn học trẻ, và bảo tồn ngôn ngữ thiểu số vào thực tiễn.
Hành trình của Ankur Mishra vào thế giới văn học bắt đầu từ những năm tháng học sinh, khi ông phát triển niềm yêu thích sâu sắc với thơ ca và kể chuyện. Tuy xuất thân là một kỹ sư, ông từng làm việc tại Microsoft và tham gia sáng lập nhiều startup toàn cầu như Urban Company. Vào giai đoạn 2017-2018, ông bắt đầu khởi nghiệp với Foreantech và đến năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Ankur đã cho ra mắt nền tảng Kavishala Online, chính thức thành lập doanh nghiệp công nghệ tập trung phát triển văn chương của giới trẻ và tác giả mới.
Kavishala đứng vững được nhờ cộng đồng tác giả trẻ tham gia đông đảo, lượng truy cập cao, cùng sự đồng hành của một số nhãn hiệu, cũng như hoạt động tổ chức sự kiện và bán nội dung.