Trong bài phát biểu mới đây tại Washington (Mỹ), ông Smith cho biết lo ngại lớn nhất của ông về AI chính là deepfake, công nghệ tạo ra hình ảnh, video trông như thật. Ông kêu gọi phải có các biện pháp để mọi người phân biệt được ảnh, video thật và giả.

“Chúng ta phải giải quyết các vấn đề xoay quanh deepfake”, Chủ tịch Microsoft khẳng định. “Chúng ta phải thực hiện các bước để chống lại việc thay đổi nội dung hợp pháp để đánh lừa hoặc lừa gạt mọi người thông qua AI”.

Chủ tịch Microsoft Brad Smith. (Ảnh: New York Times)

Ông cũng kêu gọi cấp giấy phép cho các hình thức AI quan trọng nhất với “nghĩa vụ bảo vệ an toàn, an toàn vật lý, an ninh mạng, an ninh quốc gia”. Theo ông, chúng ta cần các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới, ít nhất là bước tiến từ các biện pháp đang có, để đảm bảo các mô hình AI không bị đánh cắp hay sử dụng theo cách vi phạm quy định kiểm soát xuất khẩu.

Việc quản lý AI đang là chủ đề nóng từ sau khi chatbot ChatGPT của startup OpenAI ra mắt công chúng. Các nhà lập pháp Washington vật lộn với việc ra mắt quy định quản lý AI khi các doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ đổ xô đưa AI ra thị trường.

Tuần trước, Sam Altman – CEO OpenAI – trả lời trước Thượng viện Mỹ rằng dùng AI để can thiệp vào tính toàn vẹn bầu cử là “nỗi lo lớn”. Ông cũng cho rằng cần phải quản lý AI, đồng thời kêu gọi hợp tác toàn cầu trong lĩnh vực này.

Ông Smith tranh luận mọi người cần phải chịu trách nhiệm trước bất kỳ vấn đề nào do AI gây ra. Ông hối thúc các nhà lập pháp đặt “phanh an toàn” trong các công nghệ AI dùng quản lý lưới điện, nguồn nước và hạ tầng quan trọng khác để con người có thể kiểm soát được. Ông cũng đề cập đến hệ thống tương tự “Know Your Customer” (KYC) dành cho nhà phát triển các mô hình AI mạnh để biết được công nghệ của họ đang được sử dụng như thế nào, thông báo cho công chúng biết nội dung nào do AI tạo ra để xác định được video giả mạo.

Hồi đầu tuần, một hình ảnh AI thể hiện vụ nổ nằm bên khu vực Lầu Năm Góc đã lan truyền trên mạng xã hội và được nhiều tài khoản “tích xanh” chia sẻ. Không rõ nguồn gốc của bức hình từ đâu, dù Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận đây là ảnh giả, nó vẫn khiến thị trường chứng khoán giảm điểm đáng kể trong vài phút.

OSINTdefender, tài khoản Twitter tích xanh với hơn 336.000 người theo dõi, là một trong những trang chia sẻ ảnh. Sau đó, chủ tài khoản đã phải xin lỗi vì lan truyền thông tin sai sự thật, đồng thời cho rằng đây là ví dụ về việc “những hình ảnh như thế này có thể được sử dụng để thao túng thông tin một cách dễ dàng”.

Nó cũng là một trong những hình ảnh AI phổ biến trong vài tuần gần đây, bao gồm hình ảnh Giáo hoàng mặc chiếc áo khoác dài trắng thời trang, ảnh đen trắng giật giải thưởng nhiếp ảnh thế giới Sony hay ảnh cựu Tổng thống Donald Trump bị cảnh sát bắt giữ.

(Theo CNN, The Guardian)