Chiều 1/8, UBND TPHCM tổ chức sơ kết tình hình kinh tế 7 tháng đầu năm và đề ra nhiệm vụ cho thời gian còn lại của năm 2024.
Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch TPHCM Phan Văn Mãi lưu ý, trong buổi sơ kết tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng, Thành ủy có nghị quyết chỉ đạo, UBND TP có văn bản (3843) gửi các địa phương về thực hiện nhiệm vụ, trong đó, yêu cầu tháng 7, các sở, ngành phải có báo cáo cụ thể các nội dung, nhiệm vụ và hoàn thành các mục tiêu đề ra theo văn bản chỉ đạo.
“Đến giờ này, về cơ bản các sở, ngành chưa thực hiện. Tôi đề nghị các đơn vị kiểm tra lại và triển khai theo văn bản. Lần này chỉ nhắc nhở, nhưng nếu tiếp tục không thực hiện sẽ phê bình thủ trưởng các đơn vị”, Chủ tịch TPHCM nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, người đứng đầu chính quyền thành phố cũng lưu ý, việc phối hợp giữa các sở ngành vẫn còn chưa thông. Sở này lấy ý kiến sở kia, cứ hẹn rồi để trôi đi mà không trả lời. Phải siết lại kỷ cương này, để việc phối hợp tốt hơn, việc chạy tốt hơn, nhằm đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội mà thành phố đề ra.
Phấn đấu đạt tăng trưởng 7,5% vào cuối năm
Báo cáo tại hội nghị, ông Trương Minh Huy Vũ, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố cho biết, kinh tế thành phố 7 tháng qua đang có dấu hiệu phục hồi với các chỉ tiêu cơ bản đều tăng trưởng.
Theo đó, kịch bản ban đầu mà UBND TP đưa ra, những tháng còn lại, tăng trưởng kinh tế của TPHCM có thể đạt từ 7,5-8%, còn Cục Thống kê đưa ra khoảng 7-7,5%.
“Như vậy, hai kịch bản có điểm giao thoa là 7,5%, do đó các ý kiến thống nhất chỉ tiêu tăng trưởng 7,5% cho năm 2024 và làm tiền đề để năm 2025 đạt mức 8%”, ông Vũ nói.
Cũng theo ông Vũ, để đạt mức 7,5%, đòi hỏi sự nỗ lực lớn trong những tháng còn lại, trong đó, các điểm nghẽn lớn phải được tập trung tháo gỡ.
Cụ thể, toàn thành phố cần tập trung vào 7 nhóm nhiệm vụ cơ bản. Đó là, tập trung cho đầu tư công và khai thác vốn đầu tư; đẩy mạnh cải cách hành chính, với việc thực hiện đề án nền công vụ hiệu lực, hiệu quả và đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho cấp dưới; thúc đẩy chi tiêu công và kích cầu tiêu dùng; tập trung vào xuất nhập khẩu; mở rộng quỹ đất phát triển các dự án nhà xã hội, nhà ven và trên kênh rạch; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, chuyển đổi xanh và nhóm cuối cùng là thúc đẩy và tăng cường vốn cho đầu tư xanh, xây dựng TPHCM thành trung tâm dịch vụ mới và lớn của cả nước và khu vực.
Mỗi tháng phải giải ngân 10.000 tỷ đồng
Báo cáo về công tác giải ngân đầu tư công, Giám đốc Sở KH-ĐT Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, thành phố đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 là hơn 79 nghìn tỷ đồng.
Theo số liệu báo cáo của Kho bạc Nhà nước, tính đến ngày 26/7, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2024 đã giải ngân là gần 12 nghìn tỷ đồng, đạt 14,9% số vốn được giao.
Về vấn đề này, ông Phan Văn Mãi cho hay, thành phố đề ra cuối năm 2024, giải ngân đầu tư công ít nhất đạt 95%, nhưng tỷ lệ mới đạt được như trên là một thách thức rất lớn. Mỗi tháng phải giải ngân 10.000 tỷ đồng. Do đó, các sở, ngành cần tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án. Các chủ đầu tư phải có cam kết giải ngân hàng tháng với con số cụ thể.
“Tôi và các phó chủ tịch thành phố phụ trách mỗi nhóm tháo gỡ vướng mắc. Chúng tôi sẽ thường xuyên đi công trình khảo sát, kiểm tra. Làm việc với tinh thần hôm nay vướng mắc, ngày mai gỡ ngay”, ông Mãi cam kết.