- Sau 10h đêm không được xả nước bồn cầu, không được sử dụng máy giặt, không được hét to hay gây tiếng động mạnh khi làm tình…là những quy định nghiêm ngặt của các tòa chung cư cổ bên Thụy Sỹ.
Sau khi phản ánh về tình trạng tổ chức tiệc mừng 20/10 tại hành lang một số chung cư Hà Nội, VietNamNet đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều của độc giả.
Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nữ nhà văn Tâm Phan, hiện đang định cư tại Geneva, Thụy Sỹ. Nhà văn Tâm Phan nhiều năm sống ở nước ngoài và có những quan sát về cuộc sống, cũng như văn hóa của nhiều nước Tây Âu. Tác giả cuốn “Sex và những thứ khác”, “Yêu như là sống”, “Lần đầu làm mẹ” đã có những chia sẻ rất thẳng thắn về hiện tượng này.
PV: Nhìn những hình ảnh ăn uống, hát hò tại hành lang chung cư chị cảm thấy thế nào?
Tâm Phan: Là người sinh ra và lớn lên ở Việt Nam nên tôi không ngạc nhiên khi thấy hình ảnh tụ tập ăn uống ở hành lang chung cư Hà Nội.
PV: Có ý kiến cho rằng văn hóa chiếu hoa rải thức ăn rồi ngồi xôm tụ vui vẻ là văn hóa làng xã, chung cư ở thành phố thì không ai làm thế. Ý kiến khác cho rằng, ngay cả phương Tây, khi tụ họp đông người mà không đủ bàn ghế thì họ vẫn trải bạt ngồi ăn ở đất bình thường. Chị đã đi nhiều, đã sống nhiều nước ở châu Âu như Pháp, Thụy Sỹ, chị nghĩ sao về những ý kiến này?
Sống ở đâu thì nên theo đó, nhập gia tùy tục chứ không thể lấy văn hóa phương Tây làm chuẩn mực cho phương Đông. Nếu chương trình tụ tập ăn uống ngoài hành lang được toàn thể cư dân nhiệt tình hưởng ứng với sự đồng ý của quản lý tòa nhà thì đó là việc của họ, niềm vui của họ, kỷ niệm của họ, đâu có ảnh hưởng gì tới những người ở nơi khác? Cùng ở Hà Nội nhưng các tòa nhà chung cư khác không làm thế vì họ không muốn thế. Thay vào đó họ rủ nhau đi nhà hàng ăn uống vui vầy tập thể. Đó cũng hoàn toàn là việc của họ. Ta không thể đánh giá thế nào là đúng hay sai mà đấy là mức độ văn hóa, văn minh của mỗi tập thể.
Ở Thụy Sỹ hay các nước phương Tây họ có ngồi đất ăn uống nhưng là ở công viên, đi picnic cắm trại hoặc trên bãi cỏ trong những lễ hội. Ở chung cư, do quy định của quản lý tòa nhà khá nghiêm ngặt nên việc tụ tập ngoài hành lang là điều không thể.
Ở đây người ta kiện nhau vì căn hộ tầng trên đi lại quá mạnh hoặc trẻ con chạy thình thịch trên trần nhà tầng dưới. Nhà nào có tổ chức tiệc tùng thì đều đi các nhà thông báo và xin lỗi trước nếu tối hôm đó khách khứa có gây ồn ào ảnh hưởng đến môi trường chung. Nếu không thì luôn có 1 tờ giấy thông báo dán ở cửa chung cư về việc này.
Có những chung cư cổ hơn 100 năm tuổi, không có cách âm nên mọi hoạt động của căn hộ này đều có thể ảnh hưởng đến các căn hộ khác. Qui định ở những tòa nhà này vô cùng nghiêm ngặt như: sau 10h đêm không được xả nước bồn cầu, không được sử dụng máy giặt, không được hét to hay gây tiếng động mạnh khi làm tình. Mỗi cư dân đều có quyền gọi cảnh sát mà không cần phải qua quản lý tòa nhà.
Tâm Phan đang sống cùng chồng và con gái nhỏ ở Geneva, Thụy Sỹ. |
PV: “Không phải vì tiếc tiền mà chúng tôi tổ chức tiệc ở hành lang chung cư. Mà chúng tôi muốn gắn kết tình làng nghĩa xóm, nhờ những dịp này mà con cái được giao lưu, các gia đình có cơ hội hỏi han nhau. Con người sống tình cảm hơn, yêu thương nhau hơn”. Liệu có nhờ những hoạt động này mà người Việt sẽ bớt vô cảm, bớt ích kỷ hơn không, thưa chị?
Nếu những sự kiện này gắn kết tình làng nghĩa xóm và khiến họ sống tình cảm hơn, yêu thương nhau hơn thì tốt cho họ thôi. Ở Thụy Sỹ, gia đình tôi sống trong 1 chung cư ở trung tâm thành phố suốt 7 năm. Chúng tôi chỉ giao lưu với 2 hộ gia đình trong tòa nhà: 1 hộ cùng tầng và 1 hộ có con nhỏ bằng tuổi con gái tôi. Mỗi khi hẹn hò hay tổ chức tiệc tùng chúng tôi thường ra công viên và cùng nhau tới các lễ hội. Tuyệt đối không bao giờ xảy ra ở hành lang chung.
PV: Chị có cho rằng những hành động như thế này thể hiện văn hóa làng xã, thiếu văn minh của người Việt?
Văn hóa làng xã là là cốt lõi của người Việt Nam. Làm sao ta có thể phủ nhận và tự huyễn hoặc rằng người Việt Nam văn minh như phương Tây? Người Việt ngày nay có thể giàu có hơn xưa nhưng tiền bạc không mua được sự văn minh. Tôi tôn trọng sự phát triển tự nhiên của nhân loại và không bao giờ mang tiêu chuẩn Văn hóa phương Tây áp đặt cho phương Đông.
PV: Chị có thể chia sẻ những hiểu biết của mình về lối sống của dân chung cư ở phương Tây, đặc biệt là Thụy Sỹ?
Hệ thống quản lý chung cư ở đây hoàn toàn khác biệt. Hầu hết các căn hộ ở trung tâm thành phố Geneva đều cho thuê. Người dân sống trong các chung cư phần lớn là dân nhập cư, thuê căn hộ ngắn hạn hoặc dài hạn. Vì vậy không có chuyện tình làng nghĩa xóm vì có người chỉ thuê ở 1-2 năm rồi đi. Chủ tòa nhà thường là 1 gia đình Thụy Sỹ với 1 hãng quản lý tòa nhà riêng gọi là Regie. Những người chủ thường sống trong lâu đài/villa ở ngoại ô chứ không bao giờ sống chung tòa nhà với người thuê.
Các tòa nhà chung cư trong thành phố đều rất cổ kính, thậm chí thang máy nhỏ chỉ có thể vận chuyển 1-2 người tối đa cho nên không có phòng họp hay không gian chung. Mỗi hộ gia đình là 1 đối tượng thuê nhà độc lập, làm việc trực tiếp với Regie. Không bao giờ có cái gọi là “quyền lợi chung” để cư dân tụ tập họp bàn.
Tuy nhiên, mỗi khu vực (phường/quận) trong thành phố đều có 1 hội trường lớn phục vụ cư dân gọi là Salle Communale. Người dân sống trong khu vực đều có thể liên hệ đăng ký sử dụng hội trường miễn phí. Đây chính là nơi các hộ sống trong chung cư chật hẹp tổ chức tiệc sinh nhật, đám cưới, hay các sự kiện khác. Các hội trường này thường nằm trong những tòa nhà rất đẹp và cổ kính từ thế kỷ 18 và là nơi khá sang trọng để tổ chức sự kiện.
PV: Cảm ơn chị đã chia sẻ!
Kim Minh thực hiện