Chương trình giảm nghèo được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 24/2021, có tổng vốn tối thiểu là 75.000 tỷ đồng.

Chương trình gồm 7 dự án với 11 tiểu dự án, được thực hiện trên địa bàn cả nước (có 48 tỉnh sử dụng vốn ngân sách Nhà nước).

Bước đầu cải thiện mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản

Theo đánh giá của đoàn giám sát, giai đoạn 2021-2025, mục tiêu về giảm nghèo cao hơn so với các giai đoạn trước, gắn với các mục tiêu phát triển bền vững nhưng địa bàn, đối tượng thực hiện chương trình lại tập trung vào các “lõi nghèo” khó khăn nhất của cả nước.

Kết quả triển khai thực hiện chương trình đã cơ bản bám sát mục tiêu “Thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững”; tuân thủ các nguyên tắc, giải pháp theo Nghị quyết 24. Nhiều địa phương có mô hình hay, cách làm sáng tạo đạt hiệu quả trong quá trình tổ chức thực hiện.

sapa1.jpeg
Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số hằng năm theo Nghị quyết 24 đề ra. Ảnh: T.H

Đến tháng 9/2022, đây là chương trình đầu tiên trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện ở cấp Trung ương. Các địa phương đã cơ bản ban hành đầy đủ văn bản theo quy định.

Việc lập, giao kế hoạch vốn thực hiện chương trình tuân thủ theo quy định pháp luật. Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình từ tháng 12/2021 đến năm 2023 là 23.130,261 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 30,84% tổng nguồn vốn 5 năm, trong đó chủ yếu là nguồn vốn ngân sách trung ương chiếm khoảng 95%.

Vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đến 30/6/2023 lũy kế là 34.527 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 10,8%.

Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,52% so với năm 2020, tuy chưa đạt so với mục tiêu Quốc hội giao nhưng trong bối cảnh cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức 2,58%, thấp nhất trong vòng 30 năm qua thì kết quả giảm nghèo cũng là một nỗ lực được ghi nhận.

Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,17% và ước thực hiện năm 2023 giảm 1,1%, tỷ lệ giảm nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%, đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng 13, Nghị quyết 24 của Quốc hội đã đề ra.

Chương trình đã thực hiện cơ bản đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số hằng năm theo Nghị quyết 24 đề ra; bước đầu cải thiện mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân.

Các địa phương đã sử dụng nguồn lực của chương trình thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững, nhất là tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng – xã hội tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

Dự kiến khi hoàn thành các công trình này sẽ góp phần phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản được tăng cường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, đoàn giám sát cũng chỉ rõ một số tồn tại hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Trong đó có việc phân bổ ngân sách trung ương còn chậm; một số địa phương bố trí nguồn vốn đối ứng thấp; việc lồng ghép vốn còn nhiều khó khăn, vướng mắc; không được bố trí nguồn vốn tín dụng chính sách hỗ trợ thực hiện giảm nghèo…

Bên cạnh đó, trong công tác giảm nghèo nói chung, còn có tình trạng một số địa phương, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, việc để phấn đấu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đã “chạy theo thành tích” giảm nghèo đa chiều...

Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số năm 2022 đạt và vượt mục tiêu

Về chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 120/2020, có kinh phí tối thiểu làm tròn là 137.664 tỷ đồng gồm 10 dự án, 14 Tiểu dự án thực hiện trên địa bàn 49 tỉnh.

Theo đoàn giám sát, quá trình triển khai thực hiện chương trình đã bám sát mục tiêu tổng quát: “Giảm nghèo nhanh, bền vững, giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn, sắp xếp ổn định dân cư, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, thu hẹp dần khoảng cách mức sống, thu nhập so với bình quân chung của cả nước...”.

Vốn ngân sách Trung ương đã phân bổ hết cho các địa phương, đảm bảo theo quy định hiện hành; địa phương phân bổ ngân sách đảm bảo theo tiêu chí, định mức và hướng dẫn của Trung ương.

Tình hình giải ngân năm 2023 đã có tiến bộ, nhất là vốn đầu tư công. Giải ngân vốn đầu tư công Trung ương đến tháng 6/2023 (bao gồm cả vốn 2022 kéo dài sang năm 2023) đạt 22%, ước đến tháng 9/2023 đạt 52%, nhiều địa phương giải ngân trên 60%.

Mặc dù còn nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện, nhưng theo báo cáo của Chính phủ tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số năm 2022 giảm 3.4%, đạt và vượt mục tiêu kế hoạch giao; nhiều chỉ tiêu về hạ tầng, kinh tế-xã hội khác cơ bản đều đạt so với mục tiêu của Chương trình.
Đoàn giám sát cũng lưu ý một số tồn tại, hạn chế, trong đó có việc phân bổ vốn Trung ương chậm, dẫn đến đối tượng thực hiện của một số chính sách, ở một số địa phương có sự thay đổi, không còn phù hợp. Việc huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, cá nhân và đóng góp của người dân gặp nhiều khó khăn, đạt kết quả thấp so với các năm trước. Nhiều tỉnh nghèo, ngân sách phụ thuộc vào Trung ương bố trí vốn đối ứng đạt thấp.

Kết quả giải ngân đạt thấp, từ năm 2022 đến 6/2023 giải ngân khoảng 18,9% so với kế hoạch trung hạn. Giải ngân vốn sự nghiệp là vấn đề rất đáng quan tâm, năm 2022 giải ngân đạt 5,2%, đến 30/6/2023, giải ngân được 3,9% kế hoạch năm. Do đó, Chương trình khó có thể hoàn thành mục tiêu giải ngân đến hết năm 2025.