Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Lai Châu chưa phát hiện vụ việc nào liên quan đến mua bán người. Tuy nhiên, do đặc thù là tỉnh miền núi, có đường biên giới dài tiếp giáp với Trung Quốc nên tình trạng các đối tượng thông qua đường mòn, tiểu ngạch, xuất, nhập cảnh trái phép vẫn xảy ra. Đây là điều kiện thuận lợi cho tội phạm mua bán người phát sinh và tiềm ẩn diễn biến phức tạp.

Nhằm nâng cao công tác phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm mua bán người, thời gian qua, lực lượng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lai Châu đã chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác phòng, chống tội phạm nói chung, trong đó, lồng ghép tuyên truyền chính sách pháp luật về phòng, chống tội phạm tội phạm mua bán người.

anh-chup-man-hinh-2024-02-16-luc-060956-1.png
Đi bộ diễu hành, cổ động về phòng, chống mua bán người tại Lai Châu.

Phòng Cảnh sát hình sự chủ động phối hợp với các sở, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh xây dựng nội dung bài giảng về công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm mua bán người, trong đó trọng tâm tuyên truyền, phổ biến những phương thức thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm mua bán người đặc biệt là các hành vi lừa đảo qua Campuchia, Myanmar... và bị cưỡng bức lao động. 

Trong 6 tháng đầu năm 2023, đơn vị đã tổ chức 296 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho 74.000 lượt người (đối tượng tuyên truyền chủ yếu là phụ nữ, trẻ em, học sinh, sinh viên) tổ chức tuyên truyền lưu động với các nội dung đa dạng. 

Đặc biệt, Phòng Cảnh sát hình sự cũng xây dựng, triển khai và duy trì các mô hình, câu lạc bộ liên quan đến phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống tội phạm mua bán người nói riêng; duy trì các tổ tự quản, các hòm thư tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm góp phần nhanh chóng tiếp nhận, giải quyết các tin báo, tố giác có liên quan đến tội phạm. 

Phòng Cảnh sát hình sự đã xây dựng, củng cố hồ sơ chuyên đề nghiệp vụ về phòng ngừa tội phạm mua bán người, chủ động nắm chắc tình hình, diễn biến hoạt động của tội phạm mua bán người và các loại tội phạm có liên quan.

Phối hợp với các đơn vị chức năng ứng dụng hiệu quả Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư phục vụ phòng, chống tội phạm mua bán người, nhất là trong quản lý nghiệp vụ số đối tượng có tiền án, tiền sự, môi giới, “cò mồi” và nghi vấn hoạt động mua bán người còn điều kiện, khả năng phạm tội. Chủ động phát hiện những đối tượng có biểu hiện nghi vấn cấu kết manh nha hình thành đường dây, băng nhóm đưa vào diện quản lý nghiệp vụ. 

Xây dựng và triển khai thực hiện quyết liệt các kế hoạch nghiệp vụ; tăng cường điều tra, rà soát các tuyến, địa bàn trọng điểm (các tuyến, địa bàn có biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc) để rà dựng các đường dây, băng nhóm hoạt động phạm tội mua bán người, qua đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi mua bán người qua biên giới.

Cùng với đó, phối hợp với các cơ quan chức năng nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, kết hợp chặt chẽ giữa công tác quản lý hành chính với công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, trong đó, có tội phạm mua bán người.

Tăng cường quản lý, rà soát, kiểm tra hành chính các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, nhất là tụ điểm trên các tuyến đường liên xã, liên huyện, liên tỉnh, quốc lộ, khu vui chơi giải trí, địa bàn giáp ranh nơi tội phạm thường lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội hoặc sử dụng để tập kết nạn nhân bị mua bán, cưỡng bức lao động, chủ động phát hiện, ngăn chặn.

Lực lượng Cảnh sát hình sự còn phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng trong phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2021 – 2025; nâng cao hiệu quả phối hợp ngăn chặn, phát hiện bắt giữ tội phạm mua bán người tại khu vực biên giới; tăng cường làm tốt công tác phối hợp tuần tra kiểm soát, vận động tuyên truyền đấu tranh phòng, chống mua bán người sâu rộng đến nhân dân tại các xã, bản khu vực biên giới theo nội dung của kế hoạch đã ký kết.

Các đơn vị phối hợp triển khai các hoạt động tuần tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ tuyến biên giới, chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý các vụ, việc mua bán người ra nước ngoài thông qua biên giới trên địa bàn. Qua công tác tuần tra, kiểm soát chưa phát hiện đối tượng, vụ việc liên quan đến tội phạm mua bán người.

Những việc làm trên đã góp phần nâng cao nhận thức cho các cá nhân, gia đình và cộng đồng về công tác phòng, chống mua bán người, nhất là các phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người để giúp nhân dân chủ động phòng tránh, trong đó, đặc biệt ưu tiên các nhóm nguy cơ cao, ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đình Thành và nhóm PV, BTV