Các công ty được đánh giá, xếp hạng dựa trên ba tiêu chí chính: Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding; Khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện trong tháng 10-11/2023.
Danh sách Top 10 công ty Thức ăn chăn nuôi uy tín năm 2023
Tổng quan thị trường thức ăn chăn nuôi năm 2023 và triển vọng năm 2024
Thời gian qua, ngành chăn nuôi Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng do nhu cầu về thịt và các sản phẩm từ sữa ngày càng tăng cao. Cùng với đó là nhu cầu cung cấp thức ăn chăn nuôi (TACN) có chất lượng, đầy đủ dinh dưỡng để đảm bảo tăng trưởng và năng suất. Tuy nhiên, nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất TACN Việt Nam phần lớn đến từ nhập khẩu nước ngoài - ước tính chiếm khoảng 65% tổng nhu cầu nguyên liệu chăn nuôi trong nước.
Sản lượng TACN trong năm 2022 có sự giảm nhẹ so với cùng kỳ. Theo số liệu từ Cục Chăn nuôi, năm 2022, sản lượng TACN công nghiệp đạt 20,8 triệu tấn, giảm 4,9% so với năm 2021. Trong đó, cơ cấu sản lượng của các doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng 62,5% và các doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ trọng 37,5%. Tính từ năm 2018 đến nay, các doanh nghiệp FDI có xu hướng tăng dần tỷ trọng, dự kiến năm 2023 cơ cấu sản lượng TACN công nghiệp sẽ tiếp tục thay đổi theo xu hướng này.
Bước sang năm 2023, giá nguyên liệu TACN trên thế giới có xu hướng hạ nhiệt, chi phí vận chuyển cũng giảm là tín hiệu tích cực cho thị trường. Theo Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 11, tổng khối lượng nhập khẩu nguyên liệu thức ăn gia súc (lúa mì, ngô, đậu tương, thức ăn gia súc) là 9,5 tỷ USD, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong báo cáo Triển vọng Thị trường Hàng hóa Nông nghiệp thường niên của Ngân hàng Đầu tư Rabobank, thị trường hàng hóa nông sản thế giới dự kiến sẽ hạ nhiệt trong năm 2024, mặc dù chưa hoàn toàn hồi phục nhưng vẫn có triển vọng tích cực hơn so với những năm trước. Cục Chăn nuôi cũng dự báo giá nguyên liệu và TACN thành phẩm sẽ tiếp tục giảm từ nay tới đầu năm 2024.
Theo khảo sát của Vietnam Report, gần nửa số chuyên gia và doanh nghiệp có đánh giá lạc quan và kỳ vọng vào tăng trưởng của ngành TACN. Một trong những yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng của thị trường là nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc động vật như thịt, sữa và trứng. Các chuyên gia nhận định, xu hướng chung của người tiêu dùng là tìm đến thực phẩm an toàn cho sức khỏe và phải đa dạng.
Giải pháp để phát triển ổn định, bền vững
Theo nghiên cứu của Vietnam Report, 4 khó khăn lớn nhất mà ngành TACN đang phải đối mặt là: Biến động giá năng lượng, nguyên vật liệu đầu vào; Kinh tế tăng trưởng chậm; Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành; Bất ổn chính trị trên thế giới.
Trước bối cảnh giá nguyên liệu TACN đầu vào diễn biến thất thường và rủi ro về dịch bệnh vẫn hiện hữu, các doanh nghiệp phải điều chỉnh chiến lược cho phù hợp. Ghi nhận từ kết quả khảo sát, một số giải pháp được doanh nghiệp ưu tiên bao gồm: Tập trung xây dựng nhóm hàng chiến lược có doanh số lớn và lợi nhuận cao; Tăng cường các biện pháp quản trị rủi ro tài chính, biến động giá và chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào; Phát triển tổ hợp mô hình an toàn sinh học 4F (Farm- Food- Feed- Fertilizer); Cải tiến cơ cấu tổ chức, chính sách, quản lý của công ty; và Thực hiện chiến lược phát triển bền vững, bảo vệ môi trường;
Doanh nghiệp TACN nhận thấy nhu cầu của khách hàng thay đổi và phân thành nhóm khách hàng khác nhau theo từng loại sản phẩm khác nhau. Thông qua việc xây dựng nhóm sản phẩm chiến lược dựa trên tiếp cận nhóm khách hàng tiềm năng, doanh nghiệp tập trung được nguồn lực, tối ưu hóa chi phí sản xuất và phát huy thế mạnh, từ đó cải thiện năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Bên cạnh đó, việc phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu được dự báo sẽ tiếp diễn lâu dài, vấn đề rủi ro về nguồn cung càng được chú trọng hơn. Trong giai đoạn giá nguyên liệu thế giới tăng cao, doanh nghiệp cho biết đã tìm kiếm các nguyên liệu thay thế, nhất là các nguyên liệu trong nước như cám gạo, tấm gạo, gạo lứt… thay thế cho ngô hay lúa mì.
Để các doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi
Nhiều doanh nghiệp đánh giá những chính sách của Nhà nước nhằm hỗ trợ ngành TACN trong thời gian qua đã có tác dụng đáng kể. Từ một nước có sản lượng TACN còn khiêm tốn trong khu vực, Việt Nam đã vươn lên đứng đầu ASEAN và nằm trong top 10 thế giới về sản xuất TACN, thủy sản (theo báo cáo Triển vọng Nông sản Alltech 2023).
Tuy nhiên, để tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn, các doanh nghiệp mong muốn có thêm một số giải pháp ưu tiên như: Hỗ trợ kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh và phát triển đàn vật nuôi ở các địa phương; Tổ chức quy hoạch và phát triển nguồn nguyên liệu sản xuất TACN; Giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất.
Về vấn đề an toàn thực phẩm, theo Cục Thú y, nguy cơ lây lan và bùng phát dịch bệnh ở động vật trên phạm vi diện rộng trong thời gian tới rất cao. Việc hỗ trợ xây dựng vùng an toàn ở các địa phương được xem là giải pháp hiệu quả thông qua các phần mềm công nghệ quản lý cơ sở, kiểm dịch nguồn gốc, chế biến động vật.
Về vấn đề kiểm soát giá thành nguyên liệu sản xuất, theo các chuyên gia, do thị trường nguyên liệu như ngô, sắn… trong nước phụ thuộc khá nhiều vào thương lái/ đại lý, chất lượng sản phẩm chưa cao và chưa cạnh tranh được với các nước nhập khẩu nên nhiều doanh nghiệp tìm tới nguồn nguyên liệu từ nước ngoài. Do đó, các doanh nghiệp TACN vẫn đang đi tìm lời giải cho bài toán nguyên liệu đầu vào và kỳ vọng nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ.
(Nguồn: Vietnam Report)