Ngồi cạnh ông Trump tại London, ông Macron cho biết ông vẫn giữ nguyên các bình luận của ông về NATO. Gần đây, ông đã miêu tả liên minh lâu đời này là đang trải qua tình trạng “chết não”, một phần do sự thiếu hụt trong vai trò lãnh đạo của Mỹ dưới chính quyền của ông Trump. Ông gọi liên minh này là một “gánh nặng mà chúng ta cùng san sẻ”.

Trước đó hôm 3/12, ông Trump đã gọi những bình luận này của người đồng cấp là “xấu tính” và “một lời sỉ nhục”.

“Tôi biết là những bình luận của tôi đã gây ra một số phản ứng”, ông Macron nói bằng tiếng Anh. “Nhưng tôi vẫn bảo vệ chúng”.

Sau những chỉ trích về thương mại trước đó trong ngày, hai nhà lãnh đạo đã cùng nhau bước trên con đường dẫn đến văn phòng Thủ tướng Anh ở số 10 phố Downing, để tham dự một buổi tiếp đón do Thủ tướng Anh Boris Johnson chủ trì. Có vẻ như ông Macron đã đi nhờ trên chiếc xe “Quái thú” của Tổng thống Mỹ.

{keywords}
Cuộc gặp gỡ đầy ngượng ngùng giữa hai vị Tổng thống

Tuy nhiên, cuộc gặp đầy ngượng ngùng giữa hai nhà lãnh đạo là minh chứng cho mối quan hệ đang xấu đi giữa họ. Ông Trump và ông Macron từng thân thiết đến nỗi tình bạn giữa họ từng được gọi là “tình anh em”. Mọi thứ đã dần nguội đi bởi những bất đồng về quốc phòng, chính sách ngoại giao, thương mại và vấn đề biến đổi khí hậu.

Thêm một khoảnh khắc căng thẳng nữa khi ông Trump được hỏi liệu Pháp có cam kết nhận về các chiến binh từ Syria hay không. Ông hỏi đùa: “Ông có muốn vài chiến binh IS tốt tính không? Tôi có thể cho ông. Ông cứ lấy bất kỳ người nào ông muốn”. “Hãy nghiêm túc nào”, ông Macron đáp và khẳng định rằng mối ưu tiên hàng đầu là đánh bại IS.

“Và việc đó chưa xong đâu. Tôi rất tiếc phải nói như vậy”, ông cho biết thêm.

Về Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, ông Macron cho rằng NATO cần có “sự rõ ràng từ Thổ Nhĩ Kỳ” về các vấn đề quốc phòng chủ chốt – như việc mua hệ thống phòng không của Nga và việc coi các nhóm chiến binh người Kurd tại Syria là quân khủng bố, trong đó gồm cả các nhóm đang được Mỹ hậu thuẫn. “Làm sao mà một thành viên của liên minh lại mua S-400 của Nga?”, ông nói.

Trước đó khi xuất hiện cùng Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, ông Trump tỏ thái độ ủng hộ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan về những hành động tại Syria. Người đứng đầu Nhà Trắng nói, Ankara đã “giúp đỡ rất nhiều” trong cuộc truy lùng và tiêu diệt thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi. Ông cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã “thân thiện và ủng hộ hết mức có thể”.

“Tôi thích Thổ Nhĩ Kỳ và tôi có mối quan hệ rất tốt với Tổng thống (Erdogan)… tôi hi vọng rằng ông ấy sẽ là một thành viên tốt của NATO”, ông Trump nói, và rằng ông có thể sẽ gặp ông Erdogan trong một cuộc gặp song phương.

Ông Trump và ông Macron cũng có những bất đồng về Nga. “Tôi nghĩ chúng ta có quan hệ tốt với Nga”, ông Trump nói, chỉ về phía ông Macron và nói rằng Tổng thống Pháp cũng có quan điểm tương tự. Nhưng sau đó, ông Macron nói “việc có một cuộc đối thoại chiến lược với Nga là rất quan trọng”, song các nhà lãnh đạo không được làm việc đó với thái độ quá ngây thơ.

Dường như ông Trump đã cố gắng thể hiện một thái độ nhẹ nhàng hơn và nói rằng hai nhà lãnh đạo “có một bất đồng nhỏ” về thương mại – chỉ vài giờ sau khi ông nặng lời chỉ trích Tổng thống Pháp. “Chắc là chúng tôi sẽ giải quyết được thôi”, ông Trump nói trong cuộc gặp mặt. Ông khen ngợi ông Macron, nói họ đã cùng nhau đạt được “rất nhiều thứ tốt đẹp với tư cách đối tác”.

Tuy nhiên, ngay trước khi gặp ông Macron, ông Trump đã nặng lời công kích Tổng thống Pháp về loại thuế mới mà nước này áp dụng lên các công ty công nghệ, khoản thuế mà Mỹ cho rằng đang gây tác động không công bằng lên các đơn vị kinh doanh Mỹ.

Ông Trump từng nhiều lần phàn nàn Mỹ đang đóng góp nhiều nhưng lại hưởng lợi ít nhất từ tư cách thành viên NATO. Những phát biểu này của ông Trump được cho là đã thể hiện sự rạn nứt đang ngày càng gia tăng trong NATO.

Anh Thư