- Hàng loạt diễn biến địa chính trị, quân sự mới tại châu Á trong năm 2013 khiến cho khu vực này nổi lên hai đặc điểm cơ bản: vừa cạnh tranh (chạy đua vũ trang, tranh giành ảnh hưởng) lại vừa liên thủ hợp tác (tăng cường liên minh kinh tế, quân sự, ngoại giao, quốc phòng) với từng chiến lược, kế hoạch riêng của mỗi quốc gia.

Cuộc chiến giành ưu thế

{keywords}
Tàu sân bay nội địa đầu tiên của Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Lần đầu tiên sau nhiều thế kỷ, châu Á chi tiêu quân sự đã vượt châu Âu.Bắc Kinh tuyên bố tăng 11,2% ngân sách quốc phòng trong năm.

Ấn Độ tăng gấp ba chi tiêu quân sự trong 10 năm qua, công bố chi tiêu tăng 14%. Nhật cũng tuyên bố tăng cường chi tiêu quân sự trong năm 2013 - lần tăng ngân sách quốc phòng đầu tiên của nước này trong 11 năm.

Australia, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan và một số nước Đông Nam Á khác đều đang rất mạnh tay đầu tư quốc phòng.

Nước Mỹ trong bối cảnh cắt giảm chi tiêu ngân sách cũng khẳng định rằng, chi tiêu quân sự Mỹ ở Châu Á - TBD sẽ "miễn nhiễm" khỏi việc cắt giảm của Lầu Năm Góc.

Các chính phủ châu Á liên tục thông tin về việc nâng cấp, mua sắm và trang bị hệ thống vũ khí hiện đại, tên lửa đạn đạo, hạt nhân, tàu ngầm, tàu chiến, tàu sân bay cùng nhiều khí tài khác. Trong khi các nước lớn thì lo khuếch trương ảnh hưởng, kiềm chế lẫn nhau. Những quốc gia nhỏ hơn thì không ngừng "rào giậu" trước sức ép láng giềng.

Điển hình cuộc chạy đua vũ trang châu Á nổi lên với thế "chân kiềng" Trung - Nhật - Ấn Độ. Khi Ấn Độ và Nhật Bản hạ thuỷ tàu sân bay thì Trung Quốc cũng dày đặc tin đồn đang đóng tàu sân bay nội địa đầu tiên.

Tàu Nhật Bản là tàu khu trục lớn lớp Izumo, với sân bay ngoại cỡ, là tàu chiến lớn nhất của nước này kể từ Thế chiến II. Như vậy là, các xưởng đóng tàu Nhật, sau nhiều thập niên sản xuất các tàu thương mại lớn, phức tạp nay đã có thể đi vào làm thêm nhiều tàu chiến thậm chí là tàu sân bay đích thực. Điều này khiến giới quan sát nhìn nhận có thể giảm thiểu thách thức của Trung Quốc đối với quyền kiểm soát của Nhật về quần đảo tranh chấp ở Hoa Đông.

Ngay sau đó, Ấn Độ tổ chức lễ hạ thuỷ hoành tráng tàu Vikrant 37.500 tấn - tàu sân bay “bản địa” đầu tiên, với toàn bộ thiết kế và sản xuất tại Ấn Độ. Nước này chưa từng được biết tới là quốc gia đóng tàu cho dù sở hữu đường bờ biển dài. Việc hạ thuỷ tàu Vikrant là biểu tượng của niềm tự hào cho dù con đường phía trước còn dài.

Trung Quốc sau khi hạ thủy tàu sân bay đầu tiên mang tên Liêu Ninh - nâng cấp từ tàu mua của Ukraine lại tràn ngập thông tin đã bắt tay vào đóng tàu sân bay nội địa. Và trên thực tế, động thái này đã được dự báo trước khi trong vài thập niên qua, Trung Quốc đã mua nhiều tàu sân bay “bỏ đi” trong một nỗ lực tìm hiểu động cơ, máy móc thiết bị và công nghệ phức tạp của nó để nắm bắt và làm chủ con tàu nổi mang tính biểu tượng về sức mạnh này.

Ở phần còn lại của châu Á, theo thống kê của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế tại Stockholm (SIPRI) thì những quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới trong 5 năm qua tất cả đều ở châu Á, đó là: Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Hàn Quốc và Singapore.

Lý do cho một cuộc đua vũ trang ngày càng tăng tốc tại châu Á đó là: lợi ích quốc gia trỗi dậy cùng với sức mạnh kinh tế và thịnh vượng đã khiến cho nhiều chính phủ trong khu vực không ngừng nỗ lực bảo vệ phạm vi ảnh hưởng của họ bằng cách rộng tay mua sắm nhiều vũ khí trang thiết bị quân sự hiện đại. Tiếp đến là một "cảm giác chung về bất ổn chiến lược trong khu vực" do sự trỗi dậy của Trung Quốc và những nghi ngờ về khả năng Mỹ duy trì hiện diện quân sự ở châu Á.

Liên minh và hợp tác

{keywords}

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Philippines Aquino tại Manila. Ảnh: Getty Images

Xuất phát từ nhiều lý do và động lực, trong đó nhiều người nhấn mạnh tới yếu tố trỗi dậy của Trung Quốc, mà châu Á năm 2013 chứng kiến một chiến lược xuyên suốt của hầu khắp nước lớn nhỏ là củng cố liên minh cũ, tăng cường bạn bè mới.

Nhật ngoài củng cố và mở rộng liên minh quân sự với Mỹ thì đang rộng đường tiếp cận với các quốc gia khác ở châu Á. Mới nhậm chức được 7 tháng, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã có 3 lần công du Đông Nam Á. Theo đánh giá của giới quan sát quốc tế, mục tiêu của ông trong những chuyến thăm này là tăng cường vị thế của Tokyo tại Đông Nam Á, theo đó hạn chế ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh về mọi mặt tại khu vực này.

Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Philippines Benigno Aquino III, ông Abe tuyên bố Nhật sẽ cung cấp cho Philippines 10 tàu tuần duyên, giúp Manila tăng cường khả năng phòng thủ biển đảo. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, ông Abe tuyên bố, Nhật Bản và Đông Nam Á nhất trí về sự cần thiết phải “đảm bảo rằng khu vực châu Á - Thái Bình Dương được cai trị bởi luật pháp, thay vì sự áp đặt và đe dọa”.

Philippines trong khi thúc đẩy quan hệ hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản, Australia, cũng tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ đồng minh thân thiết với Mỹ. Họ đã đạt được thỏa thuận để lực lượng Mỹ tiếp cận các căn cứ quân sự tại Philippines.

Ấn Độ có nhiều động thái để củng cố chính sách hướng Đông, trong đó có việc không ngừng mở rộng hợp tác, đề xuất tài trợ cho một số quốc gia Đông Nam Á, nhất là tăng cường khả năng phòng thủ hàng hải. Tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony đã thăm Singapore để tái khẳng định quan hệ quốc phòng song phương lâu dài giữa hai nước.

Cuối tháng 5, Thủ tướng Manmohan Singh đến Thái Lan, hai nước cam kết làm việc hướng tới một thoả thuận tự do thương mại. Bộ trưởng Antony cũng tới vương quốc này trong tháng 6. Ông đã đề xuất mở rộng sản xuất quốc phòng chung, Ấn Độ cũng sẽ gia tăng tiêu thụ vũ khí sang Thái.

Giữa điểm dừng chân Thái Lan và Singapore, ông Antony còn đến thăm Australia. Đây là lần đầu tiên một bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ tới thăm Úc - quốc gia có vị trí chiến lược và đồng minh hải quân tiềm năng. Ấn Độ cũng đã chấp thuận yêu cầu lâu nay của Myanmar giúp họ xây dựng các tàu tuần tra ngoài khơi.

Bản thân Trung Quốc cũng không ngừng vận dụng tiềm lực kinh tế, viện trợ, đầu tư, thương mại để củng cố ảnh hưởng tại khu vực. Bắc Kinh đẩy mạnh xúc tiến các thỏa thuận thương mại với Nhật và Hàn Quốc, tích cực mở rộng quan hệ thương mại với các quốc gia Đông Nam Á như Lào và Myanmar. Tuy nhiên, việc mở rộng sức mạnh mềm ở khu vực của Trung Quốc gặp cản trở do có các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ căng thẳng với một số quốc gia.

Trung Quốc đã đề xuất hợp tác an ninh nhưng chưa thực sự thuyết phục hay trấn an nổi láng giềng. Bắc Kinh hiện tiến hành đối thoại quốc phòng và an ninh hàng năm với Thái Lan, Singapore, Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar.

Việc này tỏ ra hữu ích trong nỗ lực gia tăng lòng tin cũng như hợp tác quân sự song phương. Trong lúc đó, quân đội Trung Quốc còn thực hiện các cuộc tập trận quân sự với Thái Lan, Singapore và Indonesia như diễn tập đặc nhiệm, chống khủng bố và hải quân.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc không bỏ lỡ cơ hội khẳng định yêu sách chủ quyền đã khiến các nước châu Á khác lo lắng và đề phòng. Dù tích cực thực hiện chính sách ngoại giao quân sự, nhưng việc "thâm hụt lòng tin" vào Trung Quốc đã tạo ra rào cản với chính Bắc Kinh trong hợp tác khu vực.

Thái An