Ông Trương Gia Bình lọt Top 10 người giàu nhất sau 15 năm

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT của CTCP FPT vừa ghi nhận khối tài sản tăng mạnh thêm khoảng 1.000 tỷ đồng, lên mức 8.500 tỷ đồng nhờ giá cổ phiếu tăng mạnh trong thời gian gần đây và nhà sáng lập FPT được chia cổ tức cũng như mua cổ phiếu ESOP.

Theo đó, FPT vừa chi hơn 1.100 tỷ đồng để trả cổ tức còn lại năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%. Bên cạnh đó, tập đoàn công nghệ phát hành gần 165,65 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 20:3, tương ứng cổ đông sở hữu 20 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 3 cổ phiếu mới. 

FPT cũng phát hành 7,3 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (cổ phiếu ESOP).

Trước đó, ông Trương Gia Bình nắm giữ hơn 77,1 triệu cổ phiếu. Sau động thái nói trên, ông Bình có thêm hơn 11 triệu cổ phiếu, nâng tổng số lượng nắm giữ lên 88,73 triệu đơn vị.

Theo giá phiên giao dịch 26/9, cổ phiếu FPT tăng thêm 1,1% lên 95.300 đồng/cp. Nhờ vậy, tổng tài sản của ông Trương Gia Bình đạt gần 8.500 tỷ đồng.

Với khối tài sản này, ông Trương Gia Bình vượt ông Hồ Xuân Năng (người hiện có khối tài sản 7.830 tỷ đồng) để lọt vào Top 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Đây là lần đầu tiên sau 15 năm qua, ông Bình trở lại vị trí này.

Cổ phiếu FPT tăng vọt nhờ kết quả kinh doanh tốt và triển vọng của doanh nghiệp ngành công nghệ này. Từ đầu năm, FPT đã tăng hơn 40% và có thời điểm đạt mức giá cao lịch sử.

Vị trí của ông Bình gia tăng mạnh từ nửa cuối năm 2022 khi mà thị trường chứng khoán chao đảo với rất nhiều cổ phiếu bất động sản và ngân hàng lao dốc, trong đó có Novaland (NVL), Hòa Phát (HPG), Vingroup (VIC), Phát Đạt (PDR), VPBank (VPB)…

Từ vị trí ngoài Top 30 hồi đầu năm 2022, ông Trương Gia Bình đã vào Top 15 và giờ đây là Top 10.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FTP.

FPT từng là cổ phiếu mang lại sự giàu có cho rất nhiều người thời kỳ đầu trên TTCK. Hồi năm 2006, ông Trương Gia Bình từng là người giàu nhất sàn chứng khoán với khối tài sản trị giá 2.400 tỷ đồng. Sau 15 năm, cổ phiếu FPT một lần nữa gây "sốt".

FPT là một trong những doanh nghiệp được kỳ vọng hưởng lợi trong lĩnh vực phần mềm và công nghệ bán dẫn sau khi Mỹ và Việt Nam nâng cấp quan hệ chiến lược toàn diện. Mỹ thúc đẩy việc tái thiết lập chuỗi cung ứng công nghệ cao như công nghiệp bán dẫn sang các nước thân thiện.

Hàng loạt doanh nghiệp Mỹ như Amkor Technology, Synopsys, Marvell, SK đã công bố đầu tư vào các dự án bán dẫn tại Việt Nam.

FPT Semiconductor đã ký kết hợp tác chiến lược với Công ty Silvaco (Mỹ) để phát triển nguồn nhân lực bán dẫn và phát triển kinh doanh ở lĩnh vực này. Đến cuối năm 2023, FPT dự kiến đầu tư 100 triệu USD và gần 1.000 nhân lực tại Mỹ.

Bên cạnh FPT, cổ phiếu Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cũng tăng vùn vụt kể từ hồi tháng 10/2022. Qua đó giúp tài sản ông Trần Đình Long tăng thêm vài lần, có lúc vượt ông Phạm Nhật Vượng nếu tính theo lượng cổ phiếu nắm giữ trực tiếp. Hiện Chủ tịch Trần Đình Long nắm giữ hơn 1,5 tỷ cổ phiếu HPG, trị giá hơn 40.000 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu bất động sản giảm, tài sản đại gia địa ốc lao dốc

Trong vài phiên gần đây, nhóm cổ phiếu bất động sản giảm mạnh, qua đó kéo tài sản của các đại gia địa ốc xuống rất nhanh.

Cổ phiếu Vingroup (VIC) do ông Phạm Nhật Vượng làm Chủ tịch giảm mạnh. Kể từ giữa tháng 8, cổ phiếu VIC đã giảm khoảng 40%, từ mức 76.000 đồng/cp xuống mức 45.000 đồng/cp tính đến cuối phiên 26/9. Vốn hóa Vingroup giảm gần 5 tỷ USD.

Chỉ trong vài phiên gần đây, vốn hóa của Top 10 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán đã giảm hàng chục nghìn tỷ đồng, tương đương cả tỷ USD.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng hiện trực tiếp nắm giữ hơn 691 triệu cổ phiếu VIC, trị giá hơn 31.000 tỷ đồng (gần 1,3 tỷ USD). Tuy nhiên, ông Vượng gián tiếp nắm giữ hơn 1 tỷ cổ phiếu VIC. Tổng tài sản của ông Vượng do vậy vẫn đạt gần 94.000 tỷ đồng, cho dù cổ phiếu VIC đã giảm 40% kể từ giữa tháng 8. Tài sản của tỷ phú Vượng nói trên chưa tính tới cổ phần tại hãng xe VinFast.

Tuy nhiên thời gian vừa qua ông Vượng đã phải sử dụng cổ phần để góp vốn thành lập công ty, do đó giá trị tài sản đã giảm đáng kể. Mới đây nhất, hồi tháng 3/2023, ông Vượng đã sử dụng hơn 49 triệu cổ phiếu VIC để góp vốn vào CTCP Di chuyển Xanh và Thông minh GSM.

Biến động tài sản của các tỷ phú Việt.

Tài sản của đa số các tỷ phú Việt khác đều giảm mạnh trong những ngày vừa qua.

Theo Forbes, trong 3 tuần qua, tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Chủ tịch VietJet – VJC) giảm 100 triệu USD xuống còn 2,1 tỷ USD.

Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh có tài sản cũng giảm 200 triệu USD xuống còn 1,4 tỷ USD.

Tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang giảm 100 triệu USD xuống 1,1 tỷ USD.

Ông Trần Bá Dương và gia đình vẫn có 1,5 tỷ USD.