Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III Trần Việt Hoa đã giới thiệu sơ bộ về trung tâm lưu trữ với hệ thống kho lưu trữ được đánh giá hiện đại nhất Đông Nam Á, đang bảo quản nhiều tài liệu đặc biệt quý hiếm, có tuổi đời từ năm 1945 đến nay.
Trung tâm đã cung cấp nhiều tài liệu quan trọng phục vụ nhiệm vụ chính trị và nghiên cứu khoa học cho mọi tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế, thông qua đó sẽ hiểu thêm về lịch sử, văn hóa, xã hội Việt Nam.
Vào những dịp đặc biệt, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã tổ chức nhiều triển lãm tài liệu lưu trữ trong và ngoài nước nhằm quảng bá, phát huy tốt nhất giá trị tài liệu lưu trữ, phục vụ công chúng quan tâm.
Đại sứ Mỹ và đoàn đã được xem các bảo vật quốc gia như: Bộ sưu tập bản phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam của Họa sĩ Bùi Trang Chước (niên đại: Năm 1953 - 1955); Tập Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1945 - 1946 (từ 30/8/1945 - 28/2/1946). Ngoài ra là hồ sơ cá nhân cùng một số kỷ vật của các cán bộ đi B trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ như hồ sơ của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm...
Đại sứ Mỹ Marc Knapper bày tỏ vinh dự khi là Đại sứ duy nhất đã đến hai trung tâm lưu trữ của Việt Nam, đó là Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV ở Đà Lạt (5/2023) và Trung tâm Lưu trữ quốc gia III ở Hà Nội. Ông cho biết Chính phủ Mỹ rất trân quý sự hợp tác giữa Đại sứ quán Mỹ với các cơ quan lưu trữ của Việt Nam với mục tiêu hiểu hơn lịch sử thăng trầm của hai nước, từ đó phục vụ cho lợi ích của người dân và mối quan hệ song phương.
Ông Marc Knapper nói về năm 2025 với cột mốc quan trọng khi hai nước kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 50 năm Việt Nam thống nhất đất nước và 80 năm Quốc khánh Việt Nam... Đây là thời điểm để người dân hiểu hơn nữa về lịch sử hai nước, "không chỉ nhìn lại quá khứ mà còn là cơ hội hướng tới tương lai với những hy vọng hai nước sẽ đạt được trong những thập kỷ sắp tới", Đại sứ kỳ vọng.
Tiến sĩ Anthony James Saich, Giáo sư quan hệ quốc tế, Đại học Harvard Kennedy hiện là Chủ nhiệm Dự án “Di sản chiến tranh Việt Nam chưa được khám phá” bày tỏ ấn tượng về công tác bảo quản, lưu trữ của trung tâm, đặc biệt là việc trung tâm "mở" để công chúng được tiếp cận nhiều khối tài liệu quý giá.
Dự án là nỗ lực nghiên cứu được thực hiện trong nhiều năm nay và có hệ thống nguồn tài liệu đa dạng từ các bên tham chiến nhằm hỗ trợ việc tìm kiếm hài cốt, xác định danh tính liệt sĩ Việt Nam. Dự án đã mở ra kênh hợp tác chính thống của hai nước về cung cấp thông tin và tài liệu thực chứng có giá trị cao, đã được xác minh thông qua quy trình nghiên cứu nghiêm ngặt về hồ sơ liệt sĩ, quân nhân mất tích của Việt Nam.
Tiến sĩ Anthony James Saich cho biết, nhóm dự án đã từng đến Nghệ An - quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh để gửi tặng Bảo tàng tỉnh tập tài liệu là sổ ghi chép của một đơn vị quân đội ở chiến trường B3 - Tây Nguyên, trong đó bày tỏ niềm kính yêu Bác Hồ.
Hôm qua (9/12), Ban Chỉ đạo Quốc gia 515 (Bộ Quốc phòng) phối hợp với Đại sứ quán Mỹ đã bàn giao một số kỷ vật trong chiến tranh của gia đình 8 liệt sĩ và cựu chiến binh Việt Nam.
Ông hy vọng hai bên có thể hợp tác để chia sẻ dữ liệu số về những thông tin, kỷ vật chiến tranh của những quân nhân mất tích, hy sinh.
"Chúng tôi mới triển khai dữ liệu số hóa về 'Di sản chiến tranh Việt Nam chưa được khám phá' cho phép nghiên cứu trên toàn cầu, có thể tìm kiếm thông tin về những người mất tích dựa vào tên, địa điểm và đơn vị quân đội... Nguồn tư liệu rất lớn với hơn 3 triệu tài liệu lưu trữ đang được lưu trữ tại Washington được số hóa", ông Anthony James Saich chia sẻ.