Giá dầu thô xuống thấp có tác động hai chiều, Chính phủ sẽ phải giảm khai thác dầu thô theo biến động đi xuống của giá dầu.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh. |
Được lớn hơn mất
Xin ông cho biết đánh giá của Tổ công tác điều hành kinh tế vĩ mô về tác động của giá dầu thô giảm đến nền kinh tế Việt Nam?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Khi Chính phủ xây dựng kế hoạch thu chi ngân sách năm 2015, dự kiến xuất khẩu dầu thô của Việt Nam ở mức giá bình quân 100 USD/thùng. Nhưng đến nay, giá dầu thô đã xuống dưới 60 USD/thùng, thậm chí có thời điểm 50 USD/thùng. Giá dầu đã giảm mạnh rất khó lường, không chỉ là do cung cầu mà còn do yếu tố chính trị.
Giảm cước vận tải trước Tết Giá bán lẻ xăng dầu trong nước giảm thì sẽ tác động tích cực đối với các ngành sử dụng nhiều xăng dầu, đặc biệt là ngành vận tải. Về cước vận tải, Thủ tướng đã chỉ đạo các ngành về quản lý giá phải xem lại cơ cấu về giá thành vận tải, xem giá xăng dầu chiếm bao nhiêu. Vì giá xăng dầu đã giảm nhiều như vậy thì chắc chắn giá thành vận tải phải giảm. Nếu giảm cả cước vận tải và giá liên quan thì sẽ tác động tốt vào nền kinh tế. Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải đang rà soát lại giá thành của các loại hình vận tải để tính toán ra, trong điều kiện như vậy thì phải giảm tương ứng giá cước vận tải như thế nào. Cố gắng, việc này phải càng sớm càng tốt, đặc biệt là cần giảm cước trước Tết. |
Khi giá dầu giảm, 4 lĩnh vực lớn sẽ bị tác động, trong đó, tác động trực tiếp đầu tiên là lĩnh vực khai thác, sản xuất, xuất khẩu dầu mỏ. Kế hoạch năm nay của Bộ Công Thương là 14,74 tiệu tấn kể cả khai thác trong nước và nước ngoài. Nếu bị lỗ, chúng ta sẽ phải xem xét lại kế hoạch này.
Tổ công tác đã đưa ra 3 kịch bản kinh tế năm nay theo các mốc giá dầu thô 60 USD/thùng, 50 USD/thùng và 40 USD/thùng. Lưu ý là, do chất lượng tốt hơn nên giá xuất khẩu dầu thô của chúng ta thường cao hơn giá bình quân này là 5 USD/thùng.
Nếu giá dầu là 60 USD/thùng, sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ của ta có giảm nhưng giảm không đáng kể. Chúng ta sẽ xem xét một số lô giá thành cao hơn giá bán để điều tiết, tiết giảm sản lượng.
Nếu giá xuống 50 USD/thùng, chúng ta sẽ phải giảm sản lượng nhiều hơn. Còn nếu giá dầu chỉ ở mức 40 USD/thùng, chúng ta sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất, thậm chí phải giảm sản lượng khai thác và xuất khẩu từ 1,8-2 triệu tấn.
Tổ công tác đánh giá, ở phương án đầu tiên sẽ không có nhiều xáo trộn, nhưng nếu ở phương án thứ ba, sẽ có nhiều xáo trộn trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu dầu thô, ngoài ra là ảnh hưởng cả những dự án dầu lớn mà các nhà đầu tư đang triển khai.
Với 3 kịch bản trên, Tổ công tác đã đo lường cụ thể như thế nào về các mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay?
- Việt Nam vừa là nước xuất khẩu dầu thô, lại vừa là nước nhập khẩu dầu thô và xăng dầu thành phẩm. Do vậy, tác động của giá dầu giảm là tác động hai chiều, gồm cả thuận lợi và khó khăn.
Nguồn thu từ dầu thô đóng góp quan trọng cho ngân sách và cho tăng trưởng kinh tế nói. Năm 2015, Chính phủ đã đặt mục tiêu dự kiến tăng trưởng GDP là 6,2%.
Xem xét các kịch bản, có thể thấy, nếu dầu thô ở mức 60 USD/thùng, GDP sẽ giảm so với dự kiến 0,21 điểm phần trăm. Nhưng ngược lại, dầu thô giảm làm cho giá xăng dầu trong nước giảm nhiều lần, chi phí đầu vào của nền sản xuất giảm nên sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tăng 0,27 điểm phần trăm.
Kịch bản thứ hai, dầu thô ở mức 50 USD/thùng, sản lượng và khai thác dầu thô của Việt Nam giảm còn 14,4 triệu tấn thì mức giảm GDP là 0,56 điểm. Ngược lại, nhờ tác động tích cực của việc giảm giá xăng dầu trong nước và các giá liên quan, tăng trưởng kinh tế cũng sẽ tăng 0,31 điểm phần trăm.
Đặc biệt, nếu giá dầu thô giảm mạnh ở mức 40 USD/thùng, chúng ta sẽ giảm sản lượng khai thác dầu chỉ 13,08 triệu tấn thì GDP có thể giảm 1 điểm phần trăm. Ví dụ ta dự kiến 6,2% thì chỉ còn 5,2 thôi, mức độ ảnh hưởng rất lớn.
Ở chiều thuận lợi, các yếu tố tích cực mang lại sẽ thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng kinh tế có thể tăng thêm 0,43 điểm phần trăm.
Cắt giảm khai thác theo chiều đi xuống giá dầu. |
Đối với ngân sách, tác động cụ thể sẽ thế nào?
- Cứ giảm 1 USD/thùng, ta mất 11.000 tỷ đồng. Nếu giá dầu giảm tới 40 USD/thùng thì chúng ta sẽ giảm thu gần 70.000 tỷ đồng.
Nhưng theo tính toán mô hình kinh tế lượng toàn cầu Trung tâm dự báo kinh tế vĩ mô, thuộc Bộ KHĐT, cân bằng tác động hai chiều thì sẽ khác.
Nếu giá dầu 60 USD/thùng, chúng ta chỉ hụt thu 7.500 tỷ đồng. Trong phương án 50USD/thùng thì ta giảm 9.500 tỷ đồng, còn với mức 40USD/thùng thì ngân sách chỉ giảm thu có 11.500 tỷ.
Bộ Tài chính cũng đã tính, nếu giá dầu thô chỉ ở mức 50 USD/thùng thì ngân sách sẽ cân bằng được, không bị hụt.
Vì chúng ta hụt thu nguồn thu từ dầu thô xuất khẩu nhưng bù lại, sản xuất phát triển hơn nhờ giảm chi phí nên thu nội địa sẽ được nhiều hơn. Ảnh hưởng tới ngân sách ở phương án này là không quá lớn.
Chúng ta cần tạo mọi điều kiện cho sản xuất phát triển. Tuy nhiên, khi giảm giá xăng dầu thì phải giảm cước vận tải và các giá liên quan. Việc điều hành làm sao phải giảm đồng bộ như vậy để thúc đẩy sản xuất, bù lại hụt thu của giá dầu.
Tôi cho là cái được rất lớn khi giá dầu giảm. Chúng ta dần tạo ra cho nền kinh tế ít phụ thuộc vào dầu mỏ hơn, chi tiêu sẽ tiết kiệm hơn, sử dụng vốn hiệu quả hơn.
Giá xăng dầu trong nước đã giảm 15 lần liên tục. Tới đây, chúng ta sẽ điều hành giá mặt hàng này như thế nào nếu giá dầu giảm quá sâu?
- Giá xăng dầu trong nước vừa qua đã giảm rất nhiều lần theo giá thế giới. Tuy nhiên, giá xăng dầu của ta lại đang thấp hơn rất nhiều nước trong khu vực như Campuchia, Lào, Thái Lan, Trung Quốc và chỉ cao hơn hai nước có trợ giá là Singapore và Malaysia.
Do vậy, Tổ công tác cũng đã đánh giá, cần phải xem xét là nếu giá dầu thế giới cứ giảm tiếp thì chúng ta có giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước nữa hay không?
Vì nếu giá bán lẻ trong nước thấp quá, sẽ gây ra bất lợi cho kinh tế Việt Nam. Có thể, chúng ta được lợi về việc giảm chi phí đầu vào của sản xuất, nhưng quản lý xăng dầu sẽ có vấn đề. Khi đó, giá quá thấp sẽ tạo cơ hội cho xuất lậu xăng dầu giá rẻ sang các nước trong khu vực, không quản lý nổi buôn lậu xăng dầu.
Xin cảm ơn ông!
Phạm Huyền