Tại hội thảo khoa học cấp quốc gia "Xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới", sáng 19/5, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải chia sẻ kinh nghiệm vận dụng, cụ thể hóa chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong xây dựng và thực hiện đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp tại TP.HCM.
Theo đó, các cấp ủy yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải cam kết bằng văn bản với chi bộ, lãnh đạo địa phương, cơ quan về việc phấn đấu, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, về tư tưởng chính trị, đạo đức... Chi bộ, tổ chức đảng quan tâm kiểm tra, giám sát việc thực hiện của đảng viên; kịp thời phê bình, uốn nắn, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm.
TP.HCM xác định mục đích, yêu cầu khi xây dựng và thực hiện chuẩn mực đạo đức là phải phát huy tính tiên phong của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, người đứng đầu.
Đáng chú ý trong đề xuất nêu tại hội thảo, Phó Bí thư TP.HCM đề nghị sớm xây dựng Luật đạo đức công vụ, quy định các vấn đề về giá trị cốt lõi của nền công vụ, chuẩn mực của cán bộ, đảng viên trên mọi phương diện. Đặc biệt là phải quy định chế tài cụ thể và nghiêm khắc... đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị nếu để xảy ra tình trạng cán bộ, đảng viên vi phạm đạo đức công vụ.
Trên cơ sở Luật về đạo đức công vụ, từng đơn vị sẽ cụ thể hoá thành các quy định, quy tắc về chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực hành vi ứng xử của cán bộ, đảng viên.
Phân tích một khía cạnh khác, PGS. TS Lý Việt Quang, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ đảng cho biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng xây dựng và gìn giữ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng và dân.
Năm 1969, gần hai tháng trước khi đi xa, trong buổi nói chuyện với các cán bộ công đoàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn trăn trở về việc một số cán bộ, đảng viên lạm dụng chức quyền, quan liêu, xa rời, thiếu trách nhiệm, để đời sống quần chúng còn nhiều khó khăn.
Trong quan niệm của Bác, những biểu hiện của bệnh quan liêu đồng nghĩa với việc xa rời thực tiễn, xa rời quần chúng nhân dân, thiếu dân chủ trong cách làm việc. Người xem quan liêu là một thái độ ứng xử xấu của cá nhân người cán bộ, đảng viên đối với cấp trên, cấp dưới và đặc biệt là với nhân dân; quan liêu là kẻ thù của đạo đức cách mạng.
Ông Lý Việt Quang khẳng định việc gắn bó với nhân dân chính là nguồn sức mạnh vô tận và vô địch của Đảng và sự nghiệp cách mạng.
Trong kết luận hội thảo, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhận định, sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta tiếp tục đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi mới cao hơn về năng lực, trình độ, phẩm chất của cán bộ, đảng viên.
Vì vậy việc xác định các chuẩn mực đạo đức là cơ sở quan trọng để cán bộ, đảng viên tu dưỡng, phấn đấu, rèn luyện. Đây cũng là căn cứ để đánh giá cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ, đồng thời, là yêu cầu có tính tất yếu trong bảo vệ, phát triển Đảng và chế độ.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa thông tin, vừa qua, Ban Tuyên giáo Trung ương đã điều tra dư luận xã hội sâu rộng ở các vùng miền, từ Trung ương xuống địa phương. Đại đa số người được hỏi đều nhấn mạnh "xây dựng và thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới là rất cần thiết, rất quan trọng".
Các tham luận đã làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định, các căn cứ thực tiễn đó là: kinh nghiệm về giáo dục, rèn luyện, giữ gìn đạo đức cách mạng trong các thời kỳ trước đây; thực tiễn vận dụng, cụ thể hóa quan điểm của Đảng về chuẩn mực đạo đức cách mạng; thực trạng đạo đức của cán bộ, đảng viên, bao gồm cả mặt tích cực và hạn chế, tiêu cực; thực tế việc giáo dục, bồi dưỡng, quản lý, xử lý vi phạm về đạo đức của cán bộ, đảng viên; bối cảnh, điều kiện và những yêu cầu mới....
Trên cơ sở những ý kiến phát biểu, các bài tham luận, ông Nguyễn Trọng Nghĩa khái quát nội dung cơ bản của chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Đó là:
Tận trung với Đảng, tận hiếu với dân; Bản lĩnh, kiên định, sáng tạo, tự cường; Tận tụy với việc, nhân nghĩa với người; Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; Tự trọng, danh dự, đoàn kết, kỷ cương; Trách nhiệm, nêu gương, tự soi, tự sửa; Tu dưỡng, học tập, phấn đấu suốt đời...